Viện Nghiên Cứu Phật Học

Phật giáo nguyên thủy/Kinh tạng Pali/Kinh Tăng Chi Bộ/Chương VIII. Tám Pháp (Aṭṭhakanipāta)/VII. Phẩm Đất rúng động (Bhūmicālavagga)

III. KINH TÓM TẮT (Saṃkhittasutta)88 (A. IV. 299)

63. Rồi một Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn... Ngồi xuống một bên, Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:

- Lành thay! Bạch Thế Tôn, xin Thế Tôn hãy thuyết pháp vắn tắt cho con, sau khi nghe pháp của Thế Tôn, con sẽ sống một mình, an tịnh, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần.

- Như vậy, ở đây, một số người ngu si89 thỉnh cầu Ta, sau khi pháp được giảng, họ nghĩ Ta là người cần phải đi theo.

- Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy thuyết pháp vắn tắt cho con, Thiện Thệ hãy thuyết pháp vắn tắt. Con có thể hiểu được ý nghĩa lời của Thế Tôn thuyết giảng. Con có thể trở thành kẻ thừa tự lời Thế Tôn thuyết giảng.

- Vậy này Tỷ-kheo, ông cần phải học tập như sau: “Nội tâm ta sẽ an trú, khéo vững trú. Các pháp ác, bất thiện sanh khởi không có xâm chiếm tâm và không có chân đứng.”90 Như vậy, này Tỷ-kheo, ông cần phải học tập.

Này Tỷ-kheo, khi nào nội tâm của ông được an trú, khéo vững trú, các pháp ác, bất thiện sanh khởi không có xâm chiếm tâm và không có chân đứng, khi ấy, này Tỷ-kheo, ông cần phải học tập như sau: “Từ tâm giải thoát sẽ được ta tu tập, làm cho sung mãn, thành thạo, thông suốt, điêu luyện, thiện xảo, vững vàng.”91 Như vậy, này Tỷ-kheo, ông cần phải học tập.

Này Tỷ-kheo, khi nào định này của ông được tu tập, được làm cho sung mãn như vậy, khi ấy này Tỷ-kheo, ông cần phải tu tập định này với tầm, với tứ; cần phải tu tập không tầm, chỉ với tứ; cần phải tu tập không tầm, không tứ; cần phải tu tập có hỷ, cần phải tu tập không hỷ; cần phải tu tập câu hữu với lạc, cần phải tu tập câu hữu với xả. Này Tỷ-kheo, khi nào định này của ông được tu tập, được làm cho sung mãn như vậy, khi ấy này Tỷ-kheo, ông cần phải học tập như sau: “Bi tâm giải thoát92 sẽ được ta tu tập... Hỷ tâm giải thoát sẽ được ta tu tập... Xả tâm giải thoát sẽ được ta tu tập, làm cho sung mãn, thành thạo, thông suốt, điêu luyện, thiện xảo, vững vàng.” Như vậy, này Tỷ-kheo, ông cần phải học tập.

Này Tỷ-kheo, khi nào định này của ông được tu tập, được làm cho sung mãn như vậy, khi ấy này Tỷ-kheo, ông cần phải tu tập định này với tầm, với tứ;

cần phải tu tập không tầm, chỉ với tứ; cần phải tu tập không tầm, không tứ; cần phải tu tập có hỷ, cần phải tu tập không hỷ; cần phải tu tập câu hữu với lạc; cần phải tu tập câu hữu với xả. Này Tỷ-kheo, khi nào định này của ông được tu tập, được làm cho sung mãn như vậy, khi ấy này Tỷ-kheo, ông cần phải học tập như sau: “Ta sẽ sống quán thân trên thân,93 nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời.” Như vậy, này Tỷ-kheo, ông cần phải học tập.

Này Tỷ-kheo, khi nào định này của ông được tu tập, được làm cho sung mãn như vậy, khi ấy này Tỷ-kheo, ông cần phải tu tập định này với tầm, với tứ; cần phải tu tập không tầm, chỉ với tứ; cần phải tu tập không tầm, không tứ; cần phải tu tập có hỷ, cần phải tu tập không hỷ; cần phải tu tập câu hữu với lạc; cần phải tu tập câu hữu với xả. Này Tỷ-kheo, khi nào định này của ông được tu tập, được làm cho sung mãn như vậy, khi ấy này Tỷ-kheo, ông cần phải học tập như sau: “Ta sẽ sống quán thọ trên các cảm thọ... quán tâm trên các tâm... quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời.” Như vậy, này Tỷ-kheo, ông cần phải học tập.

Này Tỷ-kheo, khi nào định này được ông tu tập, làm cho sung mãn như vậy, khi ấy, này Tỷ-kheo, ông cần phải tu tập định này với tầm, với tứ; cần phải tu tập không tầm, chỉ với tứ; cần phải tu tập không tầm, không tứ; cần phải tu tập có hỷ, cần phải tu tập không hỷ; cần phải tu tập câu hữu với lạc; cần phải tu tập câu hữu với xả. Này Tỷ-kheo, khi nào định này của ông được tu tập, làm cho sung mãn như vậy, khi ấy này Tỷ-kheo, chỗ nào, chỗ nào ông đi, chỗ ấy ông sẽ đi được an ổn; chỗ nào, chỗ nào ông đứng, chỗ ấy ông sẽ đứng được an ổn; chỗ nào, chỗ nào ông ngồi, chỗ ấy ông sẽ ngồi được an ổn; chỗ nào, chỗ nào ông nằm, chỗ ấy ông sẽ nằm được an ổn.

Tỷ-kheo ấy, được Thế Tôn giáo giới với bài giáo giới này, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân bên hữu hướng về Ngài rồi ra đi. Tỷ-kheo ấy sống một mình, an tịnh, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, không bao lâu chứng đạt được mục đích mà các thiện nam tử xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, chính là Vô thượng cứu cánh Phạm hạnh ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí chứng ngộ, chứng đạt và an trú. Vị ấy biết rõ: “Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lại đời này nữa.” Tỷ-kheo ấy trở thành một vị A-la-hán nữa.

Tham khảo

 
   

88 Tham chiếu: Úc-già-chi-la kinh 郁伽支羅經 (T.01. 0026.76. 0543c01).

89 Chú giải giải thích rằng vị Tỷ-kheo này tu hành giải đãi, không làm tròn bổn phận của người xuất gia nhưng đức Phật biết chắc sau này vị ấy sẽ chứng quả A-la-hán.

90 AA. IV. 140 viết mūlasamādhi. Xem M. I. 91; It. 19.

91 Xem D. II. 102; M. III. 97; S. I. 116; Ud. 62.

92 Bốn vô lượng tâm. Xem A. III. 290; D. III. 248.

93 Bốn niệm xứ. Xem A. I. 39; D. II. 290; M. I. 56; S. V. 293.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.