Tam tạng Thánh điển PGVN 04 » Tam tạng Thượng Tọa bộ 04 »
Kinh Tăng Chi Bộ
HT. Thích Minh Châu dịch
Phật giáo nguyên thủy/ Kinh tạng Pali/ Kinh Tăng Chi Bộ/ CHƯƠNG VII BẢY PHÁP (SATTAKANIPĀTA)/ VII. PHẨM LỚN (MAHĀVAGGA)
X. KINH ARAKA (Arakasutta)169 (A. IV. 136)
74. Thuở xưa, này các Tỷ-kheo, có Đạo sư tên là Araka, thuộc ngoại đạo, đã ly tham đối với các dục. Này các Tỷ-kheo, Đạo sư Araka có đến hàng trăm đệ tử. Đạo sư Araka thuyết pháp cho các đệ tử như sau:
“Này Bà-la-môn, ít oi là đời sống của loài người, nhỏ bé, không đáng kể, nhiều khổ đau, nhiều ưu não. Với bùa chú, hãy giác ngộ!170 Hãy làm điều lành, sống đời Phạm hạnh! Với người đã sanh, không có bất tử. Ví như, này Bà-lamôn, giọt sương171 trên đầu ngọn cỏ, khi mặt trời mọc, mau chóng biến mất, không tồn tại lâu dài; cũng vậy, này Bà-la-môn, như giọt sương là đời sống loài người, nhỏ bé, không đáng kể, nhiều khổ đau, nhiều ưu não. Với bùa chú, hãy giác ngộ! Hãy làm điều lành, sống đời Phạm hạnh! Với người đã sanh, không có bất tử. Ví như, này Bà-la-môn, khi trời mưa nặng hạt, bong bóng nước trên nước172 mau chóng biến mất, không tồn tại lâu dài; cũng vậy, này Bà-la-môn, như bong bóng nước là đời sống của loài người, nhỏ bé, không đáng kể, nhiều khổ đau, nhiều ưu não. Với bùa chú, hãy giác ngộ! Hãy làm điều lành, sống đời Phạm hạnh! Với người đã sanh, không có bất tử. Ví như, này Bà-la-môn, con sông trên núi chảy xa,173 dòng nước chảy nhanh, lôi cuốn theo vật này vật khác,174 không có sát-na nào, không có giây phút nào, không có thời khắc nào dừng nghỉ, nó phải chảy tới, cuồn cuộn chảy, thúc đẩy chảy tới; cũng vậy, này Bà-la-môn, ví như con sông ấy là đời sống của loài người, nhỏ bé, không đáng kể... Với người đã sanh, không có bất tử. Ví như, này Bà-la-môn, người lực sĩ tụ lại một cục nước miếng trên đầu lưỡi và nhổ đi175 không có phí sức. Cũng vậy, này Bà-la-môn, ví dụ với cục nước miếng là đời sống loài người, nhỏ bé, không đáng kể... Với người đã sanh, không có bất tử. Ví như, này Bà-la-môn, một miếng thịt176 được quăng vào một nồi sắt được hâm nóng cả ngày, mau chóng biến mất, không tồn tại lâu dài; cũng vậy, này Bà-la-môn, ví như miếng thịt là đời sống con người, nhỏ bé, không đáng kể... Với người đã sanh, không có bất tử. Ví như, này Bà-la-môn, con bò cái sắp bị giết, được dắt đến lò thịt, mỗi bước chân giơ lên là bước gần đến bị giết, gần đến chết; cũng vậy, này Bà-la-môn, ví dụ với con bò cái sắp bị giết là đời sống con người, nhỏ bé, không đáng kể, nhiều khổ đau, nhiều ưu não. Với bùa chú, hãy giác ngộ! Hãy làm điều lành, sống đời Phạm hạnh! Với người đã sanh, không có bất tử.”
Lúc bấy giờ, này các Tỷ-kheo, tuổi thọ của loài người lên đến sáu vạn năm.177 Người con gái năm trăm tuổi có thể đến tuổi lấy chồng. Lúc bấy giờ, này các Tỷ-kheo, loài người có sáu loại bệnh: Lạnh, nóng, đói, khát, đại tiện, tiểu tiện.178 Này các Tỷ-kheo, bậc Đạo sư Araka ấy, với loài người thọ mạng dài như vậy, sống lâu như vậy, ít bệnh như vậy, lại thuyết pháp cho các đệ tử như vậy: “Ít oi, này Bà-la-môn, là đời sống loài người, nhỏ bé, không đáng kể, nhiều khổ đau, nhiều ưu não. Với bùa chú, hãy giác ngộ! Hãy làm điều lành, sống đời Phạm hạnh! Với người đã sanh, không có bất tử.” Nay, này các Tỷ-kheo, ai nói một cách chơn chánh, phải nói như sau: “Ít oi, là đời sống loài người, nhỏ bé, không đáng kể, nhiều khổ đau, nhiều ưu não. Với trí tuệ (mantāya), hãy giác ngộ! Hãy làm điều lành, sống đời Phạm hạnh! Với người đã sanh, không có bất tử.” Nay, này các Tỷ-kheo, ai sống lâu, vị ấy sống một trăm tuổi, ít hơn hay nhiều hơn. Mạng sống một trăm tuổi, này các Tỷ-kheo, được chia thành ba trăm mùa: Một trăm mùa đông, một trăm mùa hạ, một trăm mùa mưa. Này các Tỷ-kheo, dầu cho sống ba trăm mùa, người ấy sống mười hai lần một trăm tháng: Bốn trăm tháng lạnh, bốn trăm tháng nóng, bốn trăm tháng mưa. Này các Tỷ-kheo, dầu cho sống mười hai lần một trăm tháng, người ấy sống hai mươi bốn lần một trăm nửa tháng: Tám trăm nửa tháng lạnh, tám trăm nửa tháng nóng, tám trăm nửa tháng mưa. Này các Tỷ-kheo, dầu cho sống hai mươi bốn lần một trăm nửa tháng, người ấy sống ba mươi sáu lần một ngàn đêm: Mười hai ngàn đêm lạnh, mười hai ngàn đêm nóng, mười hai ngàn đêm mưa. Này các Tỷ-kheo, dầu cho sống ba mươi sáu lần một ngàn đêm, người ấy ăn chỉ có bảy mươi hai ngàn bữa cơm: Hai mươi bốn ngàn bữa cơm vào mùa lạnh, hai mươi bốn ngàn bữa cơm vào mùa nóng, hai mươi bốn ngàn bữa cơm vào mùa mưa. Đây gồm có với sữa mẹ và thời gian không có đồ ăn. Ở đây, có những khi không có bữa ăn này, nghĩa là tức giận không ăn cơm, khổ đau không ăn cơm, bệnh hoạn không ăn cơm, trai giới không ăn cơm, không thâu hoạch được không ăn cơm.
Như vậy, này các Tỷ-kheo, tuổi thọ một trăm năm của loài người được Ta gọi là tuổi thọ, được gọi là lượng của tuổi thọ, được gọi là thời tiết, được gọi là năm, được gọi là tháng, được gọi là nửa tháng, được gọi là đêm, được gọi là đêm ngày, được gọi là bữa ăn, được gọi là giữa bữa ăn.
Này các Tỷ-kheo, những gì bậc Đạo sư phải làm179 vì hạnh phúc, vì lòng thương tưởng đệ tử, những việc ấy Ta đã làm vì lòng thương tưởng các ông. Này các Tỷ-kheo, đây là những gốc cây, đây là những căn nhà trống. Này các Tỷ-kheo, hãy thiền định, chớ có phóng dật, chớ để hối tiếc về sau. Đó là lời giáo huấn của Ta cho các ông.
Tham khảo:
169 Tham chiếu: A-lan-na kinh 阿蘭那經 (T.01. 0026.160. 0682b10).
170 Mantāyaṃ boddhabbaṃ. AA. IV. 65: Mantāyaṃ boddhabbanti mantāya boddhabbaṃ, paññāya jānitabbanti attho (“Với bùa chú, hãy giác ngộ” nghĩa là “sáng suốt nhận biết bùa chú bằng trí tuệ”). Cả đoạn này được tìm thấy trong D. II. 246.
171 Ussāvabindū. Xem J. IV. 122; Vism. 231, 633.
172 Xem S. III. 141; Dh. v. 170; Vism. 109, 633.
173 Xem A. III. 64; J. V. 445; Vism. 231.
174 AA. IV. 65: Hārahārinīti rukkhanaḷaveḷuādīni haritabbāni harituṃ samatthā (“Lôi cuốn theo vật này, vật khác” nghĩa là có thể cuốn đi cây cối, lau, tre… những vật gì có thể cuốn đi được).
175 Xem M. III. 300; J. I. 34.
176 Xem M. I. 453; III. 300; S. IV. 190; Vism. 468.
177 Đây là thọ mạng thời đức Phật Vessabhū (H. 毗舍婆, Tỳ-xá-phù). Xem D. II. 3. Trong D. III. 75, có viết thiếu nữ đến tuổi 500 thời lập gia đình, và tuổi thọ của người là 80.000 năm.
178 Xem A. V. 88, 110, số các bệnh được nói nhiều hơn.
179 Hai đoạn sau được đề cập trong A. II. 79; III. 87; D. II. 155; M. I. 46; II. 266; S. V. 157
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.