Tam tạng Thánh điển PGVN 04 » Tam tạng Thượng Tọa bộ 04 »
Kinh Tăng Chi Bộ
HT. Thích Minh Châu dịch
Phật giáo nguyên thủy/ Kinh tạng Pali/ Kinh Tăng Chi Bộ/ CHƯƠNG VII BẢY PHÁP (SATTAKANIPĀTA)/ VII. PHẨM LỚN (MAHĀVAGGA)
VI. KINH CUNG KÍNH (Sakkaccasutta)160 (A. IV. 120)
70. Rồi Tôn giả Sāriputta, trong khi sống một mình thiền tịnh, tâm tư suy nghĩ như sau khởi lên: “Vị Tỷ-kheo cung kính, tôn trọng, sống nương tựa ai để có thể từ bỏ bất thiện, tu tập thiện?” Rồi Tôn giả Sāriputta suy nghĩ như sau: “Tỷ-kheo cung kính, tôn trọng, sống nương tựa Đạo sư để có thể từ bỏ bất thiện, tu tập thiện. Tỷ-kheo cung kính, tôn trọng, sống nương tựa Pháp... chúng Tăng... học pháp... thiền định... không phóng dật... Tỷ-kheo cung kính, tôn trọng, sống nương tựa sự tiếp đón thân tình để có thể từ bỏ bất thiện, tu tập thiện.”
Rồi Tôn giả Sāriputta lại suy nghĩ như sau: “Những pháp này trong ta đã được thanh tịnh, trong sáng. Vậy ta hãy đi đến Thế Tôn và bạch lên Thế Tôn rõ những pháp này; như vậy, các pháp này sẽ được thanh tịnh trong ta và được xem là trong sạch hơn nữa. Ví như một người tìm được một đồng tiền vàng lớn, thanh tịnh trong sáng. Người ấy suy nghĩ như sau: ‘Ta hãy đi đến người thợ vàng và đưa xem đồng tiền vàng này. Đồng tiền vàng này được ta đưa cho người thợ vàng, như vậy sẽ được thanh tịnh và trong sáng hơn nữa.’ Cũng vậy, các pháp này ở nơi ta đã được thanh tịnh, trong sáng. Ta hãy đi đến Thế Tôn và bạch lên Thế Tôn rõ những pháp này; như vậy, các pháp này sẽ được thanh tịnh trong ta và được xem là trong sạch hơn nữa.”
Rồi Tôn giả Sāriputta, vào buổi chiều, từ thiền tịnh đứng dậy, đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Sāriputta bạch Thế Tôn:
– Ở đây, bạch Thế Tôn, trong khi con sống một mình thiền tịnh, tâm tư suy nghĩ như sau khởi lên nơi con: “Tỷ-kheo cung kính, tôn trọng, sống nương tựa ai để có thể từ bỏ bất thiện, tu tập thiện?” Rồi bạch Thế Tôn, con suy nghĩ như sau: “Tỷ-kheo cung kính, tôn trọng, sống nương tựa Đạo sư để có thể từ bỏ bất thiện, tu tập thiện. Tỷ-kheo cung kính tôn trọng, sống nương tựa Pháp... chúng Tăng... học pháp... thiền định... không phóng dật... sự tiếp đón thân tình để có thể từ bỏ bất thiện, tu tập thiện.” Rồi bạch Thế Tôn, con lại suy nghĩ như sau: “Những pháp này trong ta đã được thanh tịnh trong sáng. Vậy ta hãy đi đến Thế Tôn và bạch lên Thế Tôn rõ những pháp này; như vậy, các pháp này sẽ được thanh tịnh trong ta và được xem là trong sạch hơn nữa. Ví như một người tìm được một đồng tiền vàng lớn, thanh tịnh trong sáng. Người ấy suy nghĩ như sau: ‘Ta hãy đi đến người thợ vàng và đưa xem đồng tiền vàng này. Đồng tiền vàng này được ta đưa cho người thợ vàng như vậy sẽ được thanh tịnh và trong sáng hơn nữa.’ Cũng vậy, các pháp này ở nơi ta đã được thanh tịnh, trong sáng. Ta hãy đi đến Thế Tôn và bạch lên Thế Tôn rõ những pháp này; như vậy, các pháp này sẽ được thanh tịnh trong ta và được xem là trong sạch hơn nữa.”
– Lành thay, lành thay, này Sāriputta! Này Sāriputta, Tỷ-kheo cung kính tôn trọng, sống nương tựa Đạo sư, có thể từ bỏ bất thiện, tu tập thiện. Này Sāriputta, Tỷ-kheo cung kính, tôn trọng, sống nương tựa Pháp... chúng Tăng... học pháp... thiền định... không phóng dật... Này Sāriputta, Tỷ-kheo cung kính, tôn trọng, sống nương tựa sự tiếp đón thân tình để có thể từ bỏ bất thiện, tu tập thiện.
Khi được nghe nói vậy, Tôn giả Sāriputta bạch Thế Tôn:
– Bạch Thế Tôn, lời nói vắn tắt này của Thế Tôn, con hiểu ý nghĩa một cách rộng rãi như sau: Bạch Thế Tôn, chắc chắn Tỷ-kheo nào không cung kính Đạo sư, sẽ cung kính Pháp, sự kiện này không xảy ra; bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo nào không cung kính Đạo sư, vị ấy cũng không cung kính Pháp.
Bạch Thế Tôn, chắc chắn Tỷ-kheo nào không cung kính Đạo sư, không cung kính Pháp, sẽ cung kính chúng Tăng, sự kiện này không xảy ra; bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo nào không cung kính Đạo sư, không cung kính Pháp, vị ấy cũng không cung kính chúng Tăng.
Bạch Thế Tôn, chắc chắn Tỷ-kheo nào không cung kính Đạo sư, không cung kính Pháp, không cung kính chúng Tăng, sẽ cung kính học pháp, sự kiện này không xảy ra; bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo nào không cung kính Đạo sư, không cung kính Pháp, không cung kính chúng Tăng, vị ấy cũng không cung kính học pháp.
Bạch Thế Tôn, chắc chắn Tỷ-kheo nào không cung kính Đạo sư, không cung kính Pháp, không cung kính chúng Tăng, không cung kính học pháp, sẽ cung kính thiền định, sự kiện này không xảy ra; bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo nào không cung kính Đạo sư, không cung kính Pháp, không cung kính chúng Tăng, không cung kính học pháp, vị ấy cũng không cung kính thiền định.
Bạch Thế Tôn, chắc chắn Tỷ-kheo nào không cung kính Đạo sư, không cung kính Pháp, không cung kính chúng Tăng, không cung kính học pháp, không cung kính thiền định, sẽ cung kính không phóng dật, sự kiện này không xảy ra; bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo nào không cung kính Đạo sư, không cung kính Pháp, không cung kính chúng Tăng, không cung kính học pháp, không cung kính thiền định, vị ấy cũng không cung kính không phóng dật.
Bạch Thế Tôn, chắc chắn Tỷ-kheo nào không cung kính Đạo sư, không cung kính Pháp, không cung kính chúng Tăng, không cung kính học pháp, không cung kính thiền định, không cung kính không phóng dật, sẽ cung kính sự tiếp đón thân tình, sự kiện này không xảy ra; bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo nào không cung kính Đạo sư, không cung kính Pháp, không cung kính chúng Tăng, không cung kính học pháp, không cung kính thiền định, không cung kính không phóng dật, vị ấy cũng không cung kính sự tiếp đón thân tình.
Bạch Thế Tôn, chắc chắn Tỷ-kheo nào cung kính Đạo sư, sẽ không cung kính Pháp, sự kiện này không xảy ra; bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo nào cung kính Đạo sư, vị ấy cũng cung kính Pháp.
Bạch Thế Tôn, chắc chắn Tỷ-kheo nào cung kính Đạo sư, cung kính Pháp, sẽ không cung kính chúng Tăng, sự kiện này không xảy ra; bạch Thế Tôn, vị Tỷ- kheo nào cung kính Đạo sư, cung kính Pháp, vị ấy cũng cung kính chúng Tăng.
Bạch Thế Tôn, chắc chắn Tỷ-kheo nào cung kính Đạo sư, cung kính Pháp, cung kính chúng Tăng, sẽ không cung kính học pháp, sự kiện này không xảy ra; bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo nào cung kính Đạo sư, cung kính Pháp, cung kính chúng Tăng, vị ấy cũng cung kính học pháp.
Bạch Thế Tôn, chắc chắn Tỷ-kheo nào cung kính Đạo sư, cung kính Pháp, cung kính chúng Tăng, cung kính học pháp, sẽ không cung kính thiền định, sự kiện này không xảy ra; bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo nào cung kính Đạo sư, cung kính Pháp, cung kính chúng Tăng, cung kính học pháp, vị ấy cũng cung kính thiền định.
Bạch Thế Tôn, chắc chắn Tỷ-kheo nào cung kính Đạo sư, cung kính Pháp, cung kính chúng Tăng, cung kính học pháp, cung kính thiền định, sẽ không cung kính không phóng dật, sự kiện này không xảy ra; bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo nào cung kính Đạo sư, cung kính Pháp, cung kính chúng Tăng, cung kính học pháp, cung kính thiền định, vị ấy cũng cung kính không phóng dật.
Bạch Thế Tôn, chắc chắn Tỷ-kheo nào cung kính Đạo sư, cung kính Pháp, cung kính chúng Tăng, cung kính học pháp, cung kính thiền định, cung kính không phóng dật, sẽ không cung kính sự tiếp đón thân tình, sự kiện này không xảy ra; bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo nào cung kính Đạo sư, cung kính Pháp, cung kính chúng Tăng, cung kính học pháp, cung kính thiền định, cung kính không phóng dật, vị ấy cũng cung kính sự tiếp đón thân tình. Bạch Thế Tôn, với lời vắn tắt này của Thế Tôn, con hiểu ý nghĩa một cách rộng rãi như vậy.
– Lành thay! Lành thay! Này Sāriputta. Lành thay! Này Sāriputta, với lời nói vắn tắt này của Ta, ông đã hiểu một cách rộng rãi như vậy. Này Sāriputta, thật vậy, Tỷ-kheo nào không cung kính Đạo sư, sẽ cung kính Pháp, sự kiện này không xảy ra; này Sāriputta, Tỷ-kheo nào không cung kính bậc Đạo sư, vị ấy cũng không cung kính Pháp... Này Sāriputta, Tỷ-kheo nào không cung kính Đạo sư... không cung kính Pháp... không cung kính chúng Tăng... không cung kính học pháp... không cung kính thiền định... không cung kính không phóng dật, sẽ cung kính sự tiếp đón thân tình, sự kiện này không xảy ra; này Sāriputta, Tỷ-kheo nào không cung kính Đạo sư, không cung kính Pháp, không cung kính chúng Tăng, không cung kính học pháp, không cung kính thiền định, không cung kính không phóng dật, vị ấy cũng không cung kính sự tiếp đón thân tình.
Này Sāriputta, chắc chắn Tỷ-kheo nào cung kính Đạo sư, sẽ không cung kính Pháp, sự kiện này không xảy ra; này Sāriputta, Tỷ-kheo nào cung kính Đạo sư, vị ấy cũng cung kính Pháp... Này Sāriputta, Tỷ-kheo nào cung kính Đạo sư... cung kính Pháp... cung kính chúng Tăng... cung kính học pháp... cung kính thiền định... cung kính không phóng dật, sẽ không cung kính sự tiếp đón thân tình, sự kiện này không xảy ra; này Sāriputta, Tỷ-kheo nào cung kính Đạo sư, cung kính Pháp, cung kính chúng Tăng, cung kính học pháp, cung kính thiền định, cung kính không phóng dật, vị ấy cũng cung kính sự tiếp đón thân tình. Này Sāriputta, lời nói vắn tắt này của Ta, ý nghĩa cần phải được thấy một cách rộng rãi như vậy.
Tham khảo:
160 Bản tiếng Anh của PTS: Whom Should a Monk Respect? nghĩa là Vị Tỷ-kheo nên kính trọng ai?
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.