Tam tạng Thánh điển PGVN 04 » Tam tạng Thượng Tọa bộ 04 »
Kinh Tăng Chi Bộ
HT. Thích Minh Châu dịch
Phật giáo nguyên thủy/ Kinh tạng Pali/ Kinh Tăng Chi Bộ/ CHƯƠNG VII BẢY PHÁP (SATTAKANIPĀTA)/ VII. PHẨM LỚN (MAHĀVAGGA)
IV. KINH PHÁP TRÍ (Dhammaññūsutta)148 (A. IV. 113)
68. Thành tựu bảy pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đáng được cung kính, đáng được tôn trọng... là vô thượng phước điền ở đời. Thế nào là bảy?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo là vị biết pháp, biết nghĩa, biết tự ngã, biết ước lượng, biết thời, biết hội chúng, biết người thắng kẻ liệt.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo biết pháp?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo biết pháp: Khế kinh, Ứng tụng, Ký thuyết, Phúng tụng, Vô vấn tự thuyết, Như thị thuyết, Bổn sanh, Vị tằng hữu pháp, Phương quảng.149 Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo không biết pháp: Khế kinh, Ứng tụng, Ký thuyết, Phúng tụng, Vô vấn tự thuyết, Như thị thuyết, Bổn sanh, Vị tằng hữu pháp, Phương quảng, vị ấy ở đây không được gọi là vị biết pháp. Và này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo biết pháp: Khế kinh, Ứng tụng, Ký thuyết, Phúng tụng, Vô vấn tự thuyết, Như thị thuyết, Bổn sanh, Vị tằng hữu pháp, Phương quảng, do vậy, vị ấy được gọi là vị biết pháp. Như vậy là biết pháp.
Thế nào là biết nghĩa?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo biết ý nghĩa của lời thuyết này, của lời thuyết kia: “Đây là ý nghĩa của lời nói này, đây là ý nghĩa của lời nói kia.” Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo không biết ý nghĩa của lời thuyết này, của lời thuyết kia: “Đây là ý nghĩa của lời nói này, đây là ý nghĩa của lời nói kia”, thời ở đây, vị ấy không được gọi là vị biết nghĩa. Và này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo biết ý nghĩa của lời thuyết này, của lời thuyết kia: “Đây là ý nghĩa của lời nói này, đây là ý nghĩa của lời nói kia”, do vậy, vị ấy được gọi là vị biết nghĩa. Đây là biết pháp, biết nghĩa.
Thế nào là biết tự ngã?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo biết tự ngã: “Cho đến như vậy, tôi có lòng tin, giữ giới, nghe nhiều, bố thí, trí tuệ, biện tài.”150 Này các Tỷ-kheo, nếu vị Tỷ-kheo không biết tự ngã như vầy: “Cho đến như vậy, tôi có lòng tin, giữ giới, nghe nhiều, bố thí, trí tuệ, biện tài”, thời ở đây, vị ấy không được gọi là vị biết tự ngã. Nếu vị Tỷ-kheo, này các Tỷ-kheo, biết tự ngã: “Cho đến như vậy, tôi có lòng tin, giữ giới, nghe nhiều, bố thí, trí tuệ, biện tài”, do vậy, vị ấy được gọi là vị biết tự ngã. Đây là biết pháp, biết nghĩa, biết tự ngã.
Và thế nào là biết ước lượng?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo biết ước lượng [vừa đủ] trong khi nhận các vật dụng như y, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh. Này các Tỷ- kheo, nếu Tỷ-kheo không biết ước lượng [vừa đủ] khi nhận các vật dụng như y, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh, thời vị ấy ở đây không được gọi là vị biết ước lượng [vừa đủ]. Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo biết ước lượng [vừa đủ] khi nhận các vật dụng như y, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh, do vậy, vị ấy được gọi là vị biết ước lượng [vừa đủ]. Đây là biết pháp, biết nghĩa, biết tự ngã, biết ước lượng.
Và thế nào là biết thời?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo biết thời: “Đây là thời để tuyên thuyết, đây là thời chất vấn, đây là thời tu tập,151 đây là thời thiền tịnh.”152 Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo không biết thời: “Đây là thời tuyên thuyết, đây là thời chất vấn, đây là thời tu tập, đây là thời thiền tịnh”, thời ở đây, vị ấy được gọi là không biết thời. Và này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo biết thời: “Đây là thời tuyên thuyết, đây là thời chất vấn, đây là thời tu tập, đây là thời thiền tịnh”, do vậy, vị ấy được gọi là vị biết thời. Đây là biết pháp, biết nghĩa, biết tự ngã, biết vừa đủ, biết thời.
Và thế nào là biết hội chúng?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo biết hội chúng: “Đây là hội chúng Sát- đế-lỵ, đây là hội chúng Bà-la-môn, đây là hội chúng gia chủ, đây là hội chúng Sa-môn.153 Ở đây, vị ấy nên đi đến như vậy, nên đứng như vậy, nên ngồi như vậy, nên nói như vậy, nên im lặng như vậy.” Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo không biết hội chúng: “Đây là hội chúng Sát-đế-lỵ, đây là hội chúng Bà-la-môn, đây là hội chúng gia chủ, đây là hội chúng Sa-môn. Ở đây, nên đi đến như vậy, nên đứng như vậy, nên ngồi như vậy, nên nói như vậy, nên im lặng như vậy”, thời ở đây, vị ấy không được gọi là: “Vị biết hội chúng.” Và này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo biết hội chúng: “Đây là hội chúng Sát-đế-lỵ, đây là hội chúng Bà-lamôn, đây là hội chúng gia chủ, đây là hội chúng Sa-môn. Ở đây, vị ấy nên đi đến như vậy, nên đứng như vậy, nên ngồi như vậy, nên nói như vậy, nên im lặng như vậy”, do vậy, được gọi là: “Vị biết hội chúng.” Đây là biết pháp, biết nghĩa, biết tự ngã, biết vừa đủ, biết thời, biết hội chúng.
Và thế nào là biết người thắng liệt?154
Ở đây, này các Tỷ-kheo, với vị Tỷ-kheo, loài người được biết theo hai hạng: Một hạng ưa thấy các bậc Thánh, một hạng không ưa thấy các bậc Thánh. Hạng người không ưa thấy các bậc Thánh, do sự việc ấy, đáng bị quở trách; còn hạng người ưa thấy các bậc Thánh, do sự việc ấy, đáng được tán thán.
Có hai hạng người ưa thấy các bậc Thánh: Một hạng người ưa nghe Diệu pháp, một hạng người không ưa nghe Diệu pháp. Hạng người không ưa nghe Diệu pháp, do sự việc ấy, đáng bị quở trách; còn hạng người ưa nghe Diệu pháp, do sự việc ấy, đáng được tán thán.
Có hai hạng người ưa nghe Diệu pháp: Một hạng người lắng tai nghe Diệu pháp; một hạng người không lắng tai nghe Diệu pháp. Hạng người không lắng tai nghe Diệu pháp, do sự việc ấy, đáng bị quở trách; còn hạng người lắng tai nghe Diệu pháp, do sự việc ấy, đáng được tán thán.
Có hai hạng người lắng tai nghe Diệu pháp: Một hạng người nghe xong thọ trì pháp; một hạng người nghe xong không thọ trì pháp. Hạng người nghe xong không thọ trì pháp, do sự việc ấy, đáng bị quở trách; còn hạng người nghe xong thọ trì pháp, do sự việc ấy, đáng được tán thán.
Có hai hạng người nghe xong thọ trì pháp: Một hạng người quán sát ý nghĩa các pháp được thọ trì; một hạng người không quán sát ý nghĩa các pháp được thọ trì. Hạng người này không quán sát ý nghĩa các pháp được thọ trì, do sự việc ấy, đáng bị quở trách; còn hạng người này quán sát ý nghĩa các pháp được thọ trì, do sự việc ấy, đáng được tán thán.
Có hai hạng người quán sát ý nghĩa các pháp được thọ trì: Một hạng người sau khi hiểu nghĩa, sau khi hiểu pháp, đã thực hành pháp, tùy pháp; một hạng người sau khi hiểu nghĩa, sau khi hiểu pháp, không thực hành pháp, tùy pháp. Hạng người này sau khi hiểu nghĩa, sau khi hiểu pháp, không thực hành pháp, tùy pháp, do sự việc ấy, đáng bị quở trách; còn hạng người sau khi hiểu nghĩa, sau khi hiểu pháp, thực hành pháp, tùy pháp, do sự việc ấy, đáng được tán thán.
Có hai hạng người sau khi hiểu nghĩa, sau khi hiểu pháp đã thực hành pháp, tùy pháp: Một hạng người thực hành với mục đích tự lợi, không có lợi tha; một hạng người thực hành với mục đích tự lợi và lợi tha. Hạng người thực hành với mục đích tự lợi, không có lợi tha, do sự việc ấy, đáng bị quở trách; còn hạng người thực hành với mục đích tự lợi và lợi tha, do sự việc ấy, đáng được tán thán. Như vậy, này các Tỷ-kheo, đối với Tỷ-kheo, loài người được biết theo hai hạng. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo biết hạng người thắng liệt.
Do thành tựu bảy pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đáng được cung kính... là vô thượng phước điền ở đời.
Tham khảo:
148 Tham chiếu: Tăng. 增 (T.02. 0125.39.1. 0728b26); Thiện pháp kinh 善法經 (T.01. 0026.1. 0421a12); A-tỳ-đạt-ma Tập dị môn túc luận 阿毘達磨集異門足論 (T.26. 1536.17. 0436c10); Thất tri kinh 七知經 (T.01. 0027. 0810a03).
149 Xem A. II. 7, 103, 178; III. 86, 177, 361; M. I. 133; Vin. III. 8.
150 Xem A. I. 210; III. 80; D. III. 164; M. III. 99.
151 AA. IV. 57: Yogassāti yoge kammaṃ pakkhipanassa (“Tu tập” nghĩa là nỗ lực, tập trung việc thực hành).
152 Bốn pháp khác được nói đến trong A. II. 140.
153 Xem A. II. 133; D. III. 236.
154 Puggalaparoparaññū. AA. IV. 57: Evaṃ kho, bhikkhave, bhikkhu puggalaparoparaññū hotīti evaṃ bhikkhu puggalānaṃ paroparaṃ tikkhamudubhāvaṃ jānanasamattho nāma hoti (“Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo biết hạng người thắng liệt”, có nghĩa là “như vậy Tỷ-kheo có thể biết tánh người, hình dáng cao thấp, nhanh chậm”).
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.