Viện Nghiên Cứu Phật Học

Phật giáo nguyên thủy/ Kinh tạng Pali/ Kinh Tăng Chi Bộ/ CHƯƠNG VII BẢY PHÁP (SATTAKANIPĀTA)/ VI. PHẨM KHÔNG TUYÊN BỐ (ABYĀKATAVAGGA)

VI. KINH KIMBILA (Kimilasutta)104 (A. IV. 84)

59. Như vầy tôi nghe.

Một thời, Thế Tôn trú ở Kimbilā, tại rừng Trúc. Rồi Tôn giả Kimbila105 đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn, rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Kimbila bạch Thế Tôn:

– Bạch Thế Tôn, do nhân gì, do duyên gì, khi Như Lai nhập diệt, Diệu pháp không được tồn tại lâu dài?

– Ở đây, này Kimbila, khi Như Lai nhập diệt, các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo-ni, nam cư sĩ, nữ cư sĩ sống không cung kính, không tùy thuận bậc Đạo sư; sống không cung kính, không tùy thuận Pháp; sống không cung kính, không tùy thuận chúng Tăng; sống không cung kính, không tùy thuận học pháp; sống không cung kính, không tùy thuận thiền định; sống không cung kính, không tùy thuận không phóng dật; sống không cung kính, không tùy thuận nghênh đón. Này Kimbila, đây là nhân, đây là duyên, khi Như Lai nhập diệt, Diệu pháp không được tồn tại lâu dài.

– Bạch Thế Tôn, do nhân gì, do duyên gì, khi Như Lai nhập diệt, Diệu pháp được tồn tại lâu dài?

– Ở đây, này Kimbila, khi Như Lai nhập diệt, các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo-ni, nam cư sĩ, nữ cư sĩ sống cung kính, tùy thuận bậc Đạo sư; sống cung kính, tùy thuận Pháp; sống cung kính, tùy thuận chúng Tăng; sống cung kính tùy thuận học pháp; sống cung kính, tùy thuận thiền định; sống cung kính, tùy thuận không phóng dật; sống cung kính, tùy thuận nghênh đón. Này Kimbila, đây là nhân, đây là duyên, khi Như Lai nhập diệt, Diệu pháp được tồn tại lâu dài.

Tham khảo:

104 Xem A. IV. 40; D. III. 244, 280; Vin. V. 92.

105 Bản Tích Lan và PTS viết Kimbila.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.