Viện Nghiên Cứu Phật Học

Phật giáo nguyên thủy/ Kinh tạng Pali/ Kinh Tăng Chi Bộ/ CHƯƠNG VII BẢY PHÁP (SATTAKANIPĀTA)/ V. PHẨM ĐẠI TẾ ĐÀN (MAHĀYAÑÑAVAGGA)

IX. KINH QUẢ CỦA BỐ THÍ (Dānamahapphalasutta)81 (A. IV. 59)

52. Một thời, Thế Tôn ở Campā,82 trên bờ hồ Gaggarā. Bấy giờ, có nhiều cư sĩ ở Campā đi đến Tôn giả Sāriputta; sau khi đến, đảnh lễ Tôn giả Sāriputta rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, các nam cư sĩ ấy thưa với Tôn giả Sāriputta:

- Thưa Tôn giả, đã lâu lắm, chúng con không được nghe pháp thoại từ miệng Thế Tôn. Lành thay, thưa Tôn giả, nếu nay chúng con được nghe pháp thoại từ miệng Thế Tôn!

- Vậy này chư Hiền, hãy đến trong ngày Lễ Trai giới (Uposatha), các ông sẽ được nghe pháp thoại từ miệng Thế Tôn.

- Thưa vâng, thưa Tôn giả!

Các nam cư sĩ ở Campā ấy vâng đáp Tôn giả Sāriputta, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Tôn giả Sāriputta, thân bên hữu hướng về Tôn giả rồi ra đi. Rồi các nam cư sĩ ở Campā, đến ngày Lễ Trai giới, đi đến Tôn giả Sāriputta; sau khi đến, đảnh lễ Tôn giả Sāriputta rồi đứng một bên. Rồi Tôn giả Sāriputta cùng với các nam cư sĩ ở Campā đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Sāriputta bạch Thế Tôn:

- Có thể, bạch Thế Tôn, ở đây có hạng người bố thí như vậy, không được quả lớn, không được lợi ích lớn. Nhưng bạch Thế Tôn, có thể ở đây có hạng người bố thí như vậy, được quả lớn, được lợi ích lớn.

- Này Sāriputta, có thể ở đây có hạng người bố thí như vậy, không được quả lớn, không được lợi ích lớn. Có thể, này Sāriputta, ở đây có hạng người bố thí như vậy, được quả lớn, được lợi ích lớn.

- Bạch Thế Tôn, do nhân gì, do duyên gì, ở đây có hạng người bố thí như vậy, không được quả lớn, không được lợi ích lớn? Bạch Thế Tôn, do nhân gì, do duyên gì, ở đây có hạng người bố thí như vậy, được quả lớn, được lợi ích lớn?

- Ở đây, này Sāriputta, có người bố thí với tâm mong cầu, bố thí với tâm trói buộc [về kết quả],83 bố thí với tâm mong cầu được chất chứa, bố thí với ý nghĩ: “Tôi sẽ hưởng thọ cái này trong đời sau.” Vị ấy bố thí như vậy cho các Sa- môn, Bà-la-môn, bố thí đồ ăn, đồ uống, vải mặc, xe cộ, vòng hoa, hương thơm, hương liệu, giường nằm, trú xứ, đèn đuốc.84 Ông nghĩ thế nào, này Sāriputta, ở đây có thể có hạng người bố thí như vậy không?

- Thưa có, bạch Thế Tôn.

- Ở đây, này Sāriputta, có hạng người bố thí với tâm mong cầu, bố thí với tâm trói buộc, bố thí với tâm mong cầu được chất chứa, bố thí với ý nghĩ: “Ta sẽ hưởng thọ cái này trong đời sau.” Vị ấy bố thí như vậy, khi thân hoại mệnh chung, được sanh cộng trú với chư thiên ở Bốn Thiên Vương. Và vị ấy, khi nghiệp được đoạn tận, thần lực ấy, danh tiếng ấy, uy quyền ấy được đoạn tận, vị ấy trở thành “vị trở lui lại”, trở lui trạng thái này.

Ở đây, này Sāriputta, có người bố thí với tâm không mong cầu, bố thí với tâm không trói buộc, bố thí với tâm không mong cầu được chất chứa, bố thí không với ý nghĩ: “Ta sẽ hưởng thọ cái này trong đời sau”, nhưng bố thí với ý nghĩ: “Lành thay! Sự bố thí.” ...

Bố thí không với ý nghĩ: “Lành thay! Sự bố thí”, nhưng bố thí với ý nghĩ: “Cái này đã được cho trong quá khứ, đã được Tổ tiên làm trong quá khứ, ta không nên để truyền thống gia đình này bị bỏ quên.” ...

Hay là người bố thí không với ý nghĩ: “Cái này đã được cho trong quá khứ, đã được Tổ tiên làm trong quá khứ, ta không nên để truyền thống gia đình này bị bỏ quên”, nhưng bố thí với ý nghĩ: “Ta nấu ăn, các người này không nấu ăn. Ta không nên là người nấu ăn lại không bố thí cho người không nấu ăn.” ...

Bố thí không với ý nghĩ: “Ta nấu ăn, các người này không nấu ăn. Ta không nên là người nấu ăn lại không bố thí cho người không nấu ăn”, nhưng bố thí với ý nghĩ: “Như các vị ẩn sĩ thời xưa có những tế đàn lớn như Aṭṭhaka, Vāmaka, Vāmadeva, Vessāmitta, Yamadaggi, Aṅgīrasa, Bhāradvāja, Vāseṭṭha, Kassapa, Bhagu; cũng vậy, ta sẽ là người san sẻ các vật bố thí.” ...

Vị ấy bố thí không với ý nghĩ: “Như các vị ẩn sĩ thời xưa có những tế đàn lớn như Aṭṭhaka, Vāmaka, Vāmadeva, Vessāmitta, Yamadaggi, Aṅgīrasa, Bhāradvāja, Vāseṭṭha, Kassapa, Bhagu; cũng vậy, ta sẽ san sẻ các vật bố thí này”, nhưng bố thí với ý nghĩ: “Do ta bố thí vật bố thí này, tâm được tịnh tín, hỷ duyệt khởi lên.” ...

Vị ấy bố thí không với ý nghĩ: “Do ta bố thí vật bố thí này, tâm được tịnh tín, hỷ duyệt khởi lên”, nhưng vị ấy bố thí với ý nghĩ để trang nghiêm tâm (cittālaṅkāraṃ), để trang bị tâm (cittaparikkhāraṃ).85 Và đối với Sa-môn hay Bà-la-môn, vị ấy bố thí đồ ăn, đồ uống, vải mặc, xe cộ, vòng hoa, hương thơm, hương liệu, giường nằm, trú xứ, đèn đuốc. Ông nghĩ thế nào, này Sāriputta, ở đây, có hạng người có thể bố thí như vậy không?

- Thưa có, bạch Thế Tôn.

- Này Sāriputta, ở đây, ai bố thí không với tâm cầu mong, bố thí không với tâm trói buộc, bố thí không với mong cầu được chất chứa; bố thí không với ý nghĩ: “Ta sẽ hưởng thọ cái này trong đời sau”; bố thí không với ý nghĩ: “Lành thay! Sự bố thí”; bố thí không với ý nghĩ: “Cái này đã được cho trong đời quá khứ, đã được Tổ tiên làm trong quá khứ, ta không nên để truyền thống gia đình này bị bỏ quên”; bố thí không với ý nghĩ: “Ta nấu ăn, các người này không nấu ăn. Ta không nên là người nấu ăn lại không bố thí cho người không nấu ăn”; bố thí không với ý nghĩ: “Như các vị ẩn sĩ thời xưa có những tế đàn lớn như Aṭṭhaka, Vāmaka, Vāmadeva, Vessāmitta, Yamadaggi, Aṅgīrasa, Bhāradvāja, Vāseṭṭha, Kassapa, Bhagu; cũng vậy, ta sẽ là người san sẻ các vật bố thí”; bố thí không với ý nghĩ: “Do ta bố thí vật bố thí này, tâm được tịnh tín, hỷ duyệt khởi lên”, nhưng vị ấy bố thí với ý nghĩ để trang nghiêm tâm, để trang bị tâm. Do vị ấy bố thí như vậy, sau khi thân hoại mệnh chung, được sanh cộng trú với chư thiên ở Phạm Chúng thiên. Và khi vị ấy, nghiệp được đoạn tận, thần lực ấy, danh tiếng ấy, uy quyền ấy được đoạn tận, vị ấy trở thành vị Bất lai, không trở lui trạng thái này.

Này Sāriputta, đây là nhân, đây là duyên, khiến cho ở đây, một hạng người bố thí như vậy, không được quả lớn, không được lợi ích lớn. Này Sāriputta, nhưng đây cũng là nhân, là duyên khiến cho ở đây, có hạng người bố thí như vậy, được quả lớn, được lợi ích lớn.

Tham khảo:

81 Bản tiếng Anh của PTS: On Giving, nghĩa là Về bố thí.

82 Kinh đô của Aṅga, phía Đông nước Magadha.

83 Patibaddhacitto. AA. IV. 33: Paṭibaddhacittoti vipāke baddhacitto (“Tâm trói buộc” chỉ cho tâm trói buộc về kết quả).

84 Xem A. I. 107; M. III. 205; S. I. 94; It. 65.

85 AA. IV. 33: Cittālaṅkāracittaparikkhāranti samathavipassanācittassa alaṅkārabhūtañceva parivārabhūtañca

(“Để trang nghiêm tâm, để trang bị tâm” nghĩa là trang hoàng và trang bị tâm tu tập thiền chỉ, thiền quán).

 

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.