Viện Nghiên Cứu Phật Học

Phật giáo nguyên thủy/ Kinh tạng Pali/ Kinh Tăng Chi Bộ/ CHƯƠNG VII BẢY PHÁP (SATTAKANIPĀTA)/ V. PHẨM ĐẠI TẾ ĐÀN (MAHĀYAÑÑAVAGGA)

VII. KINH DÂM DỤC (Methunasutta)76 (A. IV. 54)

50. Bấy giờ, có Bà-la-môn Jāṇussoṇi đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói lên với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm... Ngồi xuống một bên, Bà-la-môn Jāṇussoṇi bạch Thế Tôn:

- Thưa Tôn giả Gotama, Tôn giả có tự xem mình là sống Phạm hạnh không?

- Này Bà-la-môn, ai nói một cách chơn chánh phải nói như sau: “Vị ấy sống Phạm hạnh, không có bể vụn, không có khuyết phạm, không có nhiễm ô, không bị điểm chấm, viên mãn thanh tịnh.” Này Bà-la-môn, nếu nói về Ta một cách chơn chánh, thời phải nói như vầy: “Tôn giả Gotama sống Phạm hạnh, không có bể vụn, không có khuyết phạm, không có nhiễm ô, không bị điểm chấm, viên mãn thanh tịnh.”

- Thưa Tôn giả Gotama, Phạm hạnh như thế nào, thưa Tôn giả Gotama, là bị bể vụn, bị khuyết phạm, bị ô nhiễm, bị điểm chấm?

- Ở đây, này Bà-la-môn, có Sa-môn hay Bà-la-môn, tự xem mình sống Phạm hạnh một cách chơn chánh, tuy không có hành dâm với nữ nhân, nhưng hưởng thụ được nữ nhân thoa, bóp, tắm, xức dầu. Vị ấy thích thú, ước muốn, bị kích thích bởi nữ nhân. Này Bà-la-môn, đây gọi là Phạm hạnh bị bể vụn, bị khuyết phạm, bị nhiễm ô, bị điểm chấm. Này Bà-la-môn, đây gọi là hành Phạm hạnh không thanh tịnh, bị liên hệ, bị hệ lụy với dâm dục, không giải thoát khỏi sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não. Ta nói rằng không thoát khỏi khổ.

Lại nữa, này Bà-la-môn, ở đây có Sa-môn hay Bà-la-môn, tự xem mình sống Phạm hạnh một cách chơn chánh, tuy không có hành dâm với nữ nhân, không có hưởng thụ được nữ nhân thoa, bóp, tắm, xức dầu, nhưng cười giỡn, chơi đùa, vui chơi với nữ nhân... tuy không cười giỡn, chơi đùa, vui chơi với nữ nhân, nhưng lấy mắt nhìn mắt, dõi mắt nhìn theo nữ nhân... tuy không lấy mắt nhìn mắt, không dõi mắt nhìn theo nữ nhân, nhưng nghe tiếng của nữ nhân, tiếng cười, tiếng nói, tiếng hát, tiếng khóc ngang qua vách, ngang qua hàng rào... tuy không nghe tiếng của nữ nhân, tiếng cười, tiếng nói, tiếng hát, tiếng khóc ngang qua vách, ngang qua hàng rào, nhưng nhớ đến tiếng cười, tiếng nói, tiếng đùa giỡn trước kia đã có với nữ nhân... tuy không nhớ đến tiếng cười, tiếng nói, tiếng đùa giỡn trước kia đã có với nữ nhân, nhưng xem gia chủ hay con gia chủ thọ hưởng, thưởng thức thích thú trong năm dục công đức77... tuy không xem gia chủ hay con gia chủ thọ hưởng, thưởng thức thích thú trong năm dục công đức, nhưng sống Phạm hạnh với tâm nguyện hướng đến một thân chư thiên, nguyện rằng: “Với giới này hay với giới cấm này, hay với khổ hạnh này, hay với Phạm hạnh này, ta sẽ thành một thiên nhân này hay một thiên nhân khác.”78 Vị ấy thích thú, ước muốn, bị kích thích bởi nữ nhân. Này Bà-la-môn, đấy gọi là Phạm hạnh bị bể vụn, bị khuyết phạm, bị nhiễm ô, bị điểm chấm. Này Bà-la-môn, đấy gọi là hành Phạm hạnh không thanh tịnh, bị liên hệ, bị hệ lụy với dâm dục, không giải thoát khỏi sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não. Ta nói rằng không giải thoát khỏi khổ.

Cho đến khi nào, này Bà-la-môn, Ta còn tiếp tục thấy một hay một trong bảy hệ lụy đến dâm dục này chưa được đoạn tận ở nơi Ta, cho đến khi ấy, này Bà-la-môn, Ta không có xác chứng rằng Ta đã chứng ngộ Vô thượng Chánh đẳng giác trong thế giới chư Thiên với Ma giới, Phạm thiên giới, trong quần chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư thiên và loài người. Và cho đến khi nào, này Bà-la-môn, Ta thấy một hay một trong bảy hệ lụy đến dâm dục này đã được đoạn tận ở nơi Ta, cho đến khi ấy, này Bà-la-môn, Ta mới xác chứng rằng Ta đã chứng ngộ Vô thượng Chánh đẳng giác trong thế giới chư Thiên với Ma giới, Phạm thiên giới, trong quần chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư thiên và loài người. Tri kiến được khởi lên nơi Ta: “Bất động là tâm giải thoát của Ta. Đây là đời sống cuối cùng. Nay không còn tái sanh nữa.”79

Được nói như vậy, Bà-la-môn Jāṇussoṇi bạch Thế Tôn:

– Thật vi diệu thay, thưa Tôn giả Gotama!... Mong Tôn giả Gotama nhận con làm đệ tử cư sĩ, từ nay cho đến mệnh chung, con trọn đời quy ngưỡng.

Tham khảo:

76 Tham chiếu: Tăng. 增 (T.02. 0125.37.9. 0714c15).

77 Xem A. II. 125; D. I. 36; M. I. 505; Vin. I. 15.

78 AA. IV. 32: Devoti eko devarājā. Devaññataroti aññataro devaputto (“Vị thiên” nghĩa là có thể là Thiên chủ hoặc thiên tử). Xem A. V. 18; D. III. 239; M. I. 102; S. IV. 180.

79 Xem A. I. 259; S. II. 171; Vin. I. 11.

 

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.