Viện Nghiên Cứu Phật Học

Phật giáo nguyên thủy/Kinh tạng Pali/Kinh Tăng Chi Bộ/Chương VI Sáu Pháp (Chakkanipāta)/Năm mươi kinh thứ nhất/V. Phẩm Dhammika (Dhammikavagga)

 

XII. KINH DHAMMIKA (Dhammikasutta)78 (A. III. 366) 

     54. Một thời, Thế Tôn trú ở Rājagaha (Vương Xá), tại Gijjhakūṭa (núi Linh Thứu). 

     Lúc bấy giờ, Tôn giả Dhammika trú tại chỗ sanh trưởng của mình và có tất cả bảy trú xứ tại chỗ sanh trưởng ấy. Tại đấy, Tôn giả Dhammika đối với các khách Tỷ-kheo, mắng nhiếc (akkosati), quở trách (paribhāsati), não hại (vihiṃsati), châm biếm (vitudati), khiến họ tức giận với những lời nói. Và các khách Tỷ-kheo ấy bị Tôn giả Dhammika mắng nhiếc, quở trách, não hại, châm biếm, khiến họ tức giận với những lời nói, liền bỏ đi, không có an trú và từ bỏ trú xứ. Rồi các cư sĩ tại chỗ sanh trưởng suy nghĩ như sau: “Chúng ta đã cung cấp cho chúng Tỷ-kheo các vật dụng cần thiết như y áo, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh, nhưng các khách Tỷ-kheo lại bỏ đi, không có an trú, từ bỏ trú xứ. Do nhân gì, do duyên gì, các khách Tỷ-kheo lại bỏ đi, không có an trú, từ bỏ trú xứ?”

     Rồi các cư sĩ tại chỗ sanh trưởng suy nghĩ: “Có Tôn giả Dhammika này mắng nhiếc các khách Tỷ-kheo, quở trách, não hại, châm biếm, làm họ tức giận với những lời nói. Các khách Tỷ-kheo ấy bị Tôn giả Dhammika mắng nhiếc, quở trách, não hại, châm biếm, làm cho tức giận với những lời nói, nên bỏ đi, không có an trú, từ bỏ trú xứ. Vậy chúng ta hãy mời Tôn giả Dhammika đi chỗ khác.” 

     Rồi các cư sĩ tại chỗ sanh trưởng đi đến Tôn giả Dhammika; sau khi đến, thưa với Tôn giả Dhammika: “Thưa Tôn giả, Tôn giả Dhammika hãy từ bỏ trú xứ này, Tôn giả trú ở đây đã vừa đủ rồi.” 

      Rồi Tôn giả Dhammika từ bỏ trú xứ ấy, đi đến một trú xứ khác. Tại đấy, Tôn giả Dhammika mắng nhiếc các khách Tỷ-kheo, quở trách, não hại, châm biếm, làm cho tức giận với những lời nói. Và các khách Tỷ-kheo ấy bị Tôn giả Dhammika mắng nhiếc, quở trách, não hại, châm biếm, làm cho tức giận với những lời nói, liền bỏ đi, không an trú, từ bỏ trú xứ. Rồi các cư sĩ tại chỗ sanh trưởng suy nghĩ như sau: “Chúng ta đã cung cấp cho chúng Tỷ-kheo các vật dụng cần thiết như y áo, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh, nhưng các khách Tỷ-kheo lại bỏ đi, không có an trú, từ bỏ trú xứ. Do nhân gì, do duyên gì, các khách Tỷ-kheo lại bỏ đi, không có an trú, từ bỏ trú xứ?” 

     Rồi các cư sĩ tại chỗ sanh trưởng suy nghĩ: “Có Tôn giả Dhammika này mắng nhiếc các khách Tỷ-kheo, quở trách, não hại, châm biếm, làm họ tức giận với những lời nói. Các khách Tỷ-kheo ấy bị Tôn giả Dhammika mắng nhiếc, quở trách, não hại, châm biếm, làm họ tức giận với những lời nói, nên bỏ đi, không có an trú, từ bỏ trú xứ. Vậy chúng ta hãy mời Tôn giả Dhammika đi đến chỗ khác.” Rồi các cư sĩ tại chỗ sanh trưởng đi đến Tôn giả Dhammika; sau khi đến, thưa với Tôn giả Dhammika: “Thưa Tôn giả, Tôn giả Dhammika hãy từ bỏ trú xứ này, Tôn giả trú ở đây đã vừa đủ rồi.” 

      Rồi Tôn giả Dhammika từ bỏ trú xứ ấy, đi đến một xứ khác. Tại đấy, Tôn giả Dhammika mắng nhiếc các khách Tỷ-kheo, quở trách, não hại, châm biếm, làm họ tức giận với những lời nói. Và các khách Tỷ-kheo ấy bị Tôn giả Dhammika mắng nhiếc, quở trách, não hại, châm biếm, làm cho tức giận với những lời nói, liền bỏ đi, không có an trú, từ bỏ trú xứ. Rồi các cư sĩ tại chỗ sanh trưởng suy nghĩ như sau: “Chúng ta đã cung cấp cho chúng Tỷ-kheo các vật dụng cần thiết như y áo, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh, nhưng các khách Tỷ-kheo lại bỏ đi, không có an trú, từ bỏ trú xứ. Do nhân gì, do duyên gì, các khách Tỷ-kheo lại bỏ đi, không có an trú, từ bỏ trú xứ?” 

     Rồi các cư sĩ tại chỗ sanh trưởng suy nghĩ: “Có Tôn giả Dhammika này mắng nhiếc, quở trách, não hại, châm biếm, làm họ tức giận với những lời nói. Các khách Tỷ-kheo ấy bị Tôn giả Dhammika mắng nhiếc, quở trách, não hại, châm biếm, làm họ tức giận với những lời nói, nên bỏ đi, không có an trú, từ bỏ trú xứ. Vậy chúng ta hãy mời Tôn giả Dhammika rời bỏ hoàn toàn bảy trú xứ tại chỗ sanh trưởng.” 

    Rồi các cư sĩ tại chỗ sanh trưởng đi đến Tôn giả Dhammika; sau khi đến, nói với Tôn giả Dhammika: “Thưa Tôn giả, Tôn giả Dhammika hãy rời bỏ hoàn toàn bảy trú xứ tại chỗ sanh trưởng.” 

    Rồi Tôn giả Dhammika suy nghĩ: “Ta đã bị các cư sĩ tại chỗ sanh trưởng mời rời bỏ hoàn toàn bảy trú xứ tại chỗ sanh trưởng. Nay ta sẽ đi đến chỗ nào? Ta hãy đi đến Thế Tôn.” Rồi Tôn giả Dhammika cầm y bát ra đi, hướng đến Rājagaha, dần dần đi đến Gijjhakūṭa tại Rājagaha; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với Tôn giả Dhammika đang ngồi một bên: 

      – Này Bà-la-môn Dhammika, ông đi từ đâu đến?

     – Bạch Thế Tôn, con bị các cư sĩ tại chỗ sanh trưởng mời rời bỏ hoàn toàn bảy trú xứ tại chỗ sanh trưởng. 

    – Thôi vừa rồi, này Bà-la-môn Dhammika. Sự việc này, đối với ông có hề hấn gì. Dầu họ có mời ông từ bỏ tại chỗ nào, chỗ nào, sau khi đã từ bỏ chỗ ấy, chỗ ấy, ông đã đi đến gần Ta. Trong quá khứ, này Bà-la-môn Dhammika, các nhà buôn đường biển đem theo một con chim để tìm bờ, khi họ đi tàu ra biển. Khi chiếc tàu ra xa, không thấy bờ, họ thả con chim đi tìm bờ. Con chim bay về hướng Đông, bay về hướng Tây, bay về hướng Bắc, bay về hướng Nam, bay về hướng trên, bay về hướng gió. Nếu nó thấy bờ xung quanh, nó liền bay luôn; nếu nó không thấy bờ xung quanh, nó bay trở lại tàu. Cũng vậy, này Bà-la-môn Dhammika, dầu họ có mời ông từ bỏ tại chỗ nào, chỗ nào, sau khi đã từ bỏ chỗ ấy, chỗ ấy, ông đã đi đến gần Ta. 

     Thuở xưa, này Bà-la-môn Dhammika, Vua Koravya có một cây bàng chúa tên là Suppatiṭṭha, cây này có năm cành, có bóng mát dịu, rất là khả ý. Này Bà-la-môn Dhammika, cây bàng chúa Suppatiṭṭha tỏa rộng ra đến mười hai do-tuần, các rễ mọc lan rộng đến năm do-tuần. Này Bà-la-môn Dhammika, cây bàng chúa Suppatiṭṭha có những trái cây to lớn, lớn như những cái nồi con, những trái cây ngọt lịm như vậy trong sáng và ngọt như mật ong. Này Bà-la môn Dhammika, vua với các cung nữ hưởng thụ một cành cây của cây bàng chúa Suppatiṭṭha; quân đội hưởng thụ một cành; các dân chúng và quốc độ hưởng thụ một cành; các Sa-môn, Bà-la-môn hưởng thụ một cành; các loài thú, loài chim hưởng thụ một cành. Này Bà-la-môn Dhammika, không có ai phòng hộ các trái của cây bàng chúa Suppatiṭṭha, và không có ai hại nhau vì trái cây. Rồi này Bà-la-môn Dhammika, một người sau khi đã ăn hết cho đến thỏa thích những trái của cây bàng chúa Suppatiṭṭha, liền bẻ gãy một cành rồi bỏ đi. 

      Rồi này Bà-la-môn Dhammika, vị thiên trú ở cây bàng chúa Suppatiṭṭha suy nghĩ như sau: “Thật kỳ lạ thay, thưa Tôn giả! Thật hy hữu thay, thưa Tôn giả! Con người lại ác cho đến như vậy. Sau khi ăn cho đến thỏa thích các trái của cây bàng chúa Suppatiṭṭha, lại bẻ một cành rồi bỏ đi. Vậy cây bàng chúa Suppatiṭṭha hãy đừng sanh trái nữa trong tương lai.” Rồi này Bà-la-môn Dhammika, cây bàng chúa Suppatiṭṭha không sanh trái nữa trong tương lai. 

     Rồi này Bà-la-môn Dhammika, Vua Koravya đi đến Thiên chủ Sakka; sau khi đến, thưa với Thiên chủ Sakka: “Tôn giả có biết không, cây bàng chúa Suppatiṭṭha không sanh trái nữa!” Rồi này Bà-la-môn Dhammika, Thiên chủ Sakka thực hiện thần thông khiến cho mưa to gió lớn khởi lên, làm cây bàng chúa Suppatiṭṭha ngã xuống và bật gốc rễ. Này Bà-la-môn Dhammika, vị thiên trú ở cây bàng chúa Suppatiṭṭha khổ đau, sầu muộn, nước mắt đầy mặt, khóc lóc, đứng một bên. 

     Này Bà-la-môn Dhammika, rồi Thiên chủ Sakka đi đến vị thiên trú ở cây bàng chúa Suppatiṭṭha; sau khi đến, nói với vị thiên trú ở cây bàng chúa Suppatiṭṭha như sau:

     “Vì sao, này vị thiên kia, ông lại khổ đau, sầu muộn, nước mắt đầy mặt, khóc lóc, đứng một bên?” 

      “Thưa Tôn giả, có cơn mưa to, gió lớn khởi lên, làm cho chỗ trú xứ của con bị ngã xuống và bật gốc rễ lên.” 

     “Này vị thiên kia, có phải ông đang gìn giữ cây pháp (rukkhadhamma), nhưng cơn mưa to lớn ấy nổi lên làm trú xứ của ông bị ngã xuống và bật gốc rễ lên?” 

     “Làm thế nào, thưa Tôn giả, một cây được gìn giữ như một cây pháp?” 

    “Ở đây, này vị thiên kia, những người cần rễ đến lấy rễ cây đi, những người cần vỏ đến lấy vỏ cây đi, những người cần lá đến lấy lá đi, những người cần bông đến lấy bông đi, những người cần trái đến lấy trái đi; như vậy, không có gì để khiến cho một vị thiên phải không hoan hỷ, không vui vẻ. Như vậy là một cây được gìn giữ như một cây pháp.” 

     “Thưa Tôn giả, con không gìn giữ một cây pháp, khi cơn mưa to lớn ấy nổi lên, làm chỗ trú xứ của con ngã xuống và bật gốc rễ lên.” 

     “Này vị thiên kia, nếu ông gìn giữ cây pháp, thời trú xứ của ông sẽ trở lại như xưa.” 

     “Thưa Tôn giả, con sẽ gìn giữ cây pháp, mong rằng trú xứ của con trở lại như xưa.” 

     Rồi Thiên chủ Sakka thực hiện thần thông khiến cho mưa to, gió lớn đến dựng đứng lại cây bàng chúa và chữa lành những rễ cây. 

    Cũng vậy, này Bà-la-môn Dhammika, ông có gìn giữ Sa-môn pháp khi các người cư sĩ tại chỗ sanh trưởng mời ông đi khỏi bảy trú xứ tại chỗ sanh trưởng không? – Như thế nào, thưa Tôn giả, là một Sa-môn gìn giữ Sa-môn pháp? 

    – Như thế này, này Bà-la-môn Dhammika, ở đây, một Sa-môn không có mắng nhiếc lại người đã mắng nhiếc mình, không có tức giận người đã tức giận mình, không có quở trách79 người đã quở trách mình. Như vậy, này Bà-la-môn Dhammika, là vị Sa-môn gìn giữ Sa-môn pháp.

     – Thưa Tôn giả, con không gìn giữ Sa-môn pháp khi những người cư sĩ ở tại chỗ sanh trưởng mời con đi khỏi hoàn toàn bảy trú xứ trong chỗ được sanh trưởng.

     – Thuở xưa, này Bà-la-môn Dhammika, có một ngoại đạo sư tên là Sunetta (Diệu Nhãn) đã viễn ly các dục. Này Bà-la-môn Dhammika, ngoại đạo sư Sunetta có hàng trăm đệ tử. Ngoại đạo sư Sunetta thuyết pháp về cộng trú tại Phạm thiên giới cho các đệ tử. Những ai nghe ngoại đạo sư Sunetta thuyết giảng về cộng trú tại Phạm thiên giới, này Bà-la-môn Dhammika, tâm không được hoan hỷ, các người ấy sau khi thân hoại mệnh chung, bị sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Còn những ai, này Bà-la-môn Dhammika, nghe ngoại đạo sư Sunetta thuyết giảng về cộng trú tại Phạm thiên giới, tâm được hoan hỷ, các người ấy sau khi thân hoại mệnh chung, được sanh vào thiện thú, thiên giới, cõi đời này. 

     Thuở xưa, này Bà-la-môn Dhammika, có ngoại đạo sư tên là Mūgapakkha... có ngoại đạo sư tên là Aranemi... có ngoại đạo sư tên là Kuddālaka... có ngoại đạo sư tên là Hatthipāla... có ngoại đạo sư tên là Jotipāla đã viễn ly các dục... được sanh vào thiện thú, thiên giới, cõi đời này. Ông nghĩ thế nào, này Bà-la môn Dhammika, đối với sáu ngoại đạo sư này đã viễn ly các dục, hay đối với chúng đệ tử hàng trăm hội chúng của những vị ấy, ai với tâm uế nhiễm, mắng nhiếc, quở trách, như vậy có sanh khởi ra nhiều vô phước không? 

     – Thưa có, bạch Thế Tôn.

    – Thật vậy, này Bà-la-môn Dhammika, đối với sáu ngoại đạo sư này đã viễn ly các dục, hay đối với chúng đệ tử hàng trăm hội chúng của những vị ấy, ai với tâm uế nhiễm, mắng nhiếc, quở trách, có sanh khởi ra nhiều vô phước. Còn ai, đối với vị đầy đủ chánh kiến, với tâm uế nhiễm, mắng nhiếc, quở trách, như vậy sanh khởi ra nhiều vô phước hơn nữa. Vì cớ sao? Ta tuyên bố rằng, này Bà-la môn Dhammika, sự tổn hại đối với các ngoại đạo sư như vậy không bằng sự tổn hại nếu đối xử với các vị đồng Phạm hạnh. Do vậy, này Bà-la-môn Dhammika, cần phải học tập như sau: 

      “Chúng tôi sẽ không có tâm uế nhiễm đối với vị đồng Phạm hạnh.” Này Bà-la-môn Dhammika, các ông cần phải học tập như vậy. 

Các vị Bà-la-môn, 

Như Sư Sunetta, 

Sư Mūgapakkha, 

Và Aranemi, 

Sư Kuddālaka, 

Và Hatthipāla, 

Sư Jotipāla, 

Và Sư Govinda, 

Là Quốc sư thứ bảy. 

Sáu sư bạn vị này, 

Là những vị danh tiếng, 

Quá khứ không hại ai, 

Thoát hôi hám, từ bi, 

Giải thoát dục kiết sử, 

Thoát ly tham ái dục, 

Đạt được Phạm thiên giới. 

Và các hàng đệ tử, 

Con số lên hàng trăm, 

Thoát hôi hám, từ bi, 

Giải thoát dục kiết sử,

Thoát ly tham ái dục, 

Đạt được Phạm thiên giới. 

Ẩn sĩ ngoại đạo ấy, 

Ly tham, tâm thiền định, 

Nếu với tâm uế nhiễm,

Có ai mắng nhiếc họ, 

Người như vậy tạo ra, 

Rất nhiều sự vô phước. 

Đối một đệ tử Phật, 

Tỷ-kheo có chánh kiến, 

Nếu với tâm uế nhiễm, 

Có ai mắng vị ấy, 

Người như vậy tạo ra, 

Nhiều vô phước hơn nữa. 

Chớ phật lòng bậc thiện, 

Hãy từ bỏ kiến xứ,80 

Tối thượng trong Thánh chúng, 

Vị ấy được gọi vậy. 

Ai chưa ly các dục,81 

Năm căn còn mềm dịu,82 

Tín, niệm và tinh tấn, 

Với chỉ và với quán, 

Nếu phật ý vị ấy, 

Trước hết tự hại mình, 

Sau khi tự hại mình, 

Lại hại đến người khác. 

Ai tự bảo vệ mình, 

Bề ngoài cũng bảo vệ,83 

Do vậy bảo vệ mình, 

Bậc trí không tổn hại. 

 

Tham khảo

 78 Tham chiếu: A-lan-na kinh 阿蘭那經 (T.01. 0026.160. 0682b10).

79 Paṭibhaṇḍati. Xem A. II. 215.

80 Chỉ cho bậc A-la-hán. 

81 Chỉ cho bậc Bất lai. 

82 A. II. 151, chỉ cho bậc Nhất lai. 

83 A. III. 373: Akkhato. AA. III. 388: Akkhatoti guṇakhaṇanena akkhato anupahato hutvā (“Không tổn hại” nghĩa là không bị phá hoại, không bị chỉ trích do sự soi mói về đức hạnh).

 

 

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.