Viện Nghiên Cứu Phật Học

Phật giáo nguyên thủy/Kinh tạng Pali/Kinh Tăng Chi Bộ/Chương VI Sáu Pháp (Chakkanipāta)/Năm mươi kinh thứ nhất/V. Phẩm Dhammika (Dhammikavagga)

 

V. KINH CHO ĐỜI NÀY THỨ NHẤT 

(Paṭhamasandiṭṭhikasutta) (A. III. 356) 

     47. Rồi du sĩ ngoại đạo Moḷiyasīvaka đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm; sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, liền ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, du sĩ ngoại đạo Moḷiyasīvaka bạch Thế Tôn: 

    – Pháp là thiết thực hiện tại, pháp là thiết thực hiện tại, bạch Thế Tôn, được nói đến như vậy. Cho đến như thế nào, bạch Thế Tôn, pháp là thiết thực hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí tự mình giác hiểu? 

    – Vậy này Sīvaka, ở đây Ta sẽ hỏi ông, nếu ông có thể kham nhẫn thời hãy trả lời. Ông nghĩ thế nào, này Sīvaka? Nội tâm có tham, ông có biết: “Nội tâm ta có tham”; nội tâm không có tham, ông có biết: “Nội tâm ta không có tham” không? 

      – Thưa có, bạch Thế Tôn.

     – Này Sīvaka, nội tâm có tham, ông có biết: “Nội tâm ta có tham”; nội tâm không có tham, ông có biết: “Nội tâm ta không có tham.” Như vậy, này Sīvaka, pháp là thiết thực hiện tại... Ông nghĩ thế nào, này Sīvaka? Nội tâm có sân... Ông nghĩ thế nào, này Sīvaka? Nội tâm có si, ông có biết: “Nội tâm ta có si”; nội tâm không si, ông có biết: “Nội tâm ta không si” không?

    – Thưa có, bạch Thế Tôn.

    – Này Sīvaka, nội tâm có si, ông có biết: “Nội tâm ta có si”; nội tâm không có si, ông có biết: “Nội tâm ta không si.” Như vậy, này Sīvaka, pháp là thiết thực hiện tại... Ông nghĩ thế nào, này Sīvaka? Nội tâm có tham pháp61... hay nội tâm có sân pháp... hay nội tâm có si pháp, ông có biết: “Nội tâm ta có si pháp” không? 

    – Thưa có, bạch Thế Tôn.

    – Hay nội tâm không có si pháp, ông có biết: “Nội tâm ta không có si pháp” không? 

    – Thưa có, bạch Thế Tôn.

   – Này Sīvaka, nội tâm có si pháp, ông có biết: “Nội tâm ta có si pháp”; hay nội tâm không có si pháp, ông có biết: “Nội tâm ta không có si pháp.” Như vậy, này Sīvaka, pháp là thiết thực hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người có trí tự mình giác hiểu.

    – Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn... Mong Thế Tôn nhận con làm đệ tử cư sĩ, từ nay cho đến mệnh chung, con trọn đời quy ngưỡng.

 

Tham khảo

61 Lobhadhamma: Tham pháp. Đây có nghĩa là có khả năng bị tham chi phối.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.