Viện Nghiên Cứu Phật Học

Phật giáo nguyên thủy/Kinh tạng Pali/Kinh Tăng Chi Bộ/Chương VI Sáu Pháp (Chakkanipāta)/Năm mươi kinh thứ nhất/V. Phẩm Dhammika (Dhammikavagga)

 

II. KINH MIGASĀLĀ (Migasālāsutta)56 (A. III. 347) 

        44. Rồi Tôn giả Ānanda vào buổi sáng, đắp y, cầm y bát, đi đến trú xứ của nữ cư sĩ Migasālā; sau khi đến, ngồi trên ghế đã soạn sẵn. Ngồi xuống một bên, nữ cư sĩ Migasālā thưa với Tôn giả Ānanda: 

        – Như thế nào, thế nào, thưa Tôn giả Ānanda, cần phải hiểu pháp này do Thế Tôn tuyên thuyết: “Cả hai sống Phạm hạnh và sống không Phạm hạnh đều đồng đẳng về sanh thú trong tương lai”? Purāṇa, thân phụ của con, thưa Tôn giả, sống Phạm hạnh, sống biệt lập, tránh xa dâm dục hạ liệt, khi mệnh chung được Thế Tôn trả lời: “Là bậc Dự lưu sanh với thân ở Tusita (Đâu-suất).” Còn Isidatta, cậu của con, thưa Tôn giả, sống không Phạm hạnh, tự bằng lòng với vợ mình, sau khi mệnh chung được Thế Tôn trả lời: “Là bậc Dự lưu, sanh với thân ở Tusita.” Như thế nào, thế nào, thưa Tôn giả Ānanda, cần phải hiểu pháp này do Thế Tôn tuyên thuyết: “Cả hai sống Phạm hạnh và sống không Phạm hạnh đều đồng đẳng về sanh thú trong tương lai”?

     – Này chị, như vậy là câu trả lời của Thế Tôn. 

   Tôn giả Ānanda sau khi nhận đồ ăn khất thực tại nhà của nữ cư sĩ Migasālā, từ chỗ ngồi đứng dậy rồi ra đi. Rồi Tôn giả Ānanda, sau bữa ăn, trên con đường trở về, đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Ānanda bạch Thế Tôn: 

     – Ở đây, bạch Thế Tôn, vào buổi sáng, con đắp y, cầm y bát, đi đến trú xứ của nữ cư sĩ Migasālā; sau khi đến, con ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn. Nữ cư sĩ Migasālā đi đến con; sau khi đến, đảnh lễ con rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, bạch Thế Tôn, nữ cư sĩ Migasālā thưa với con: 

     “Như thế nào, thế nào, thưa Tôn giả Ānanda, cần phải hiểu pháp này do Thế Tôn tuyên thuyết: ‘Cả hai sống Phạm hạnh và sống không Phạm hạnh đều đồng đẳng về sanh thú trong tương lai’? Purāṇa, thân phụ của con, thưa Tôn giả, sống Phạm hạnh, sống biệt lập, tránh xa dâm dục hạ liệt, khi mệnh chung được Thế Tôn trả lời: ‘Là bậc Dự lưu sanh với thân ở Tusita.’ Còn Isidatta, cậu của con, thưa Tôn giả, sống không Phạm hạnh, tự bằng lòng với vợ mình, sau khi mệnh chung được Thế Tôn trả lời: ‘Là bậc Dự lưu, sanh với thân ở Tusita.’ Như thế nào, thế nào, thưa Tôn giả Ānanda, cần phải hiểu pháp này do Thế Tôn tuyên thuyết: ‘Cả hai sống Phạm hạnh và sống không Phạm hạnh đều đồng đẳng về sanh thú trong tương lai’? 

       Được hỏi vậy, bạch Thế Tôn, con nói với nữ cư sĩ Migasālā: ‘Này chị, như vậy là câu trả lời của Thế Tôn.’”

      – Nhưng này Ānanda, ai là nữ cư sĩ Migasālā lại ngu si, kém thông minh, với thân như bà mẹ, với trí như bà mẹ, để có thể hiểu biết sự thắng liệt giữa các hạng người? Này Ānanda, có sáu hạng người có mặt hiện hữu ở đời. Thế nào là sáu? 

     Ở đây, này Ānanda, có người khéo tự chế ngự, dễ chung sống, các vị đồng Phạm hạnh hoan hỷ sống chung. Vị ấy nghe pháp không có tác động, học nhiều không có tác động, không thể nhập vào tri kiến, không chứng đắc thời giải thoát. Người ấy sau khi thân hoại mệnh chung, hướng về thối đọa, không hướng về thù thắng, chỉ đi đến thối đọa, không đi về thù thắng. Ở đây, này Ānanda, có người khéo tự chế ngự, dễ chung sống, các vị đồng Phạm hạnh hoan hỷ sống chung. Vị ấy nghe pháp có tác động, học nhiều có tác động, có thể nhập vào tri kiến, có chứng đắc thời giải thoát. Người ấy sau khi thân hoại mệnh chung, hướng về thù thắng, không hướng về thối đọa, chỉ đi đến thù thắng, không đi về thối đọa.

      Ở đây, này Ānanda, những kẻ đo lường, đo lường như sau: “Những pháp ấy của vị này là như vậy, những pháp ấy của vị kia là như vậy, làm sao trong những hạng người này, có người hạ liệt, có người là thắng diệu?” Và do sự đo lường ấy, này Ānanda, đối với những người đo lường là không hạnh phúc, là đau khổ lâu dài. Ở đây, này Ānanda, hạng người này, khéo tự chế ngự, dễ chung sống, các vị đồng Phạm hạnh hoan hỷ sống chung. Vị này nghe pháp có tác động, học nhiều có tác động, thể nhập được vào tri kiến, chứng được thời giải thoát. Hạng người này, này Ānanda, so sánh với hạng người trước là tiến bộ hơn, là thắng diệu hơn. Vì cớ sao? Vì dòng pháp đưa người này ra phía trước. Nhưng ai ngoài Như Lai có thể biết được sự khác biệt? Do vậy, này Ānanda, chớ có làm người đo lường các hạng người, chớ có lấy sự đo lường của các hạng người. Này Ānanda, tự đào hố cho mình là người đi lấy sự đo lường của các hạng người. Chỉ có Ta, này Ānanda, mới có thể lấy sự đo lường của các hạng người, hay là người như Ta. 

     Ở đây, này Ānanda có hạng người đã chinh phục được phẫn nộ và kiêu mạn, nhưng thỉnh thoảng các tham pháp khởi lên; với người này, nghe pháp không có tác động, học nhiều không có tác động, không thể nhập tri kiến, không chứng được thời giải thoát. Hạng người này sau khi thân hoại mệnh chung, hướng về thối đọa, không hướng về thù thắng, chỉ đi đến thối đọa, không đi về thù thắng. Ở đây, này Ānanda, có hạng người đã chinh phục được phẫn nộ và kiêu mạn, nhưng thỉnh thoảng các tham pháp khởi lên; với người này, nghe pháp có tác động, học nhiều có tác động, có thể nhập tri kiến, có chứng được thời giải thoát. Người ấy sau khi thân hoại mệnh chung, hướng về thù thắng, không hướng về thối đọa, chỉ đi đến thù thắng, không đi đến thối đọa. 

       Nhưng ở đây, này Ānanda, có hạng người đã chinh phục được phẫn nộ và kiêu mạn, nhưng thỉnh thoảng khẩu hành khởi lên; với người này, nghe pháp không có tác động, học nhiều không có tác động, không thể nhập tri kiến, không chứng được thời giải thoát. Hạng người này sau khi thân hoại mệnh chung, hướng về thối đọa, không hướng về thù thắng, chỉ đi đến thối đọa, không đi đến thù thắng. 

      Ở đây, này Ānanda, có hạng người đã chinh phục được phẫn nộ và kiêu mạn, nhưng thỉnh thoảng khẩu hành khởi lên; với người này, nghe pháp có tác động, học nhiều có tác động, có thể nhập tri kiến, chứng được thời giải thoát. Hạng người này, sau khi thân hoại mệnh chung, hướng về thù thắng, không hướng về thối đọa, chỉ đi đến thù thắng, không đi đến thối đọa. 

     Ở đây, này Ānanda, những kẻ đo lường, đo lường như sau: “Những pháp ấy của vị này là như vậy, những pháp ấy của vị kia là như vậy, làm sao trong những hạng người này, có người là hạ liệt, có người là thắng diệu?” Và sự đo lường ấy, này Ānanda, đối với những người đo lường là không hạnh phúc, là đau khổ lâu dài. Ở đây, này Ānanda, hạng người này khéo tự chế ngự, dễ chung sống, các vị đồng Phạm hạnh hoan hỷ sống chung. Vị này nghe pháp có tác động, học nhiều có tác động, thể nhập được vào tri kiến, chứng được thời giải thoát. Hạng người này, này Ānanda, so sánh với hạng người trước là tiến bộ hơn, là thắng diệu hơn. Vì cớ sao? Vì dòng pháp đưa người này ra phía trước. Nhưng ai ngoài Như Lai có thể biết được sự khác biệt? Do vậy, này Ānanda, chớ có làm người đo lường các hạng người, chớ có lấy sự đo lường của các hạng người. Này Ānanda, tự đào hố cho mình là người đi lấy sự đo lường của các hạng người. Chỉ có Ta, này Ānanda, mới có thể lấy sự đo lường của các hạng người này, hay là người như Ta. 

     Và này Ānanda, ai là nữ cư sĩ Migasālā lại ngu si, kém thông minh, với thân như bà mẹ, với trí như bà mẹ, để có thể biết sự thắng liệt giữa các người? 

      Này Ānanda, có sáu hạng người này có mặt hiện hữu ở đời. Giới như thế nào, này Ānanda, Purāṇa được thành tựu, giới ấy Isidatta chưa thành tựu; do vậy ở đây, Purāṇa có sanh thú khác với sanh thú của Isidatta. Tuệ như thế nào, này Ānanda, Isidatta được thành tựu, tuệ ấy Purāṇa chưa thành tựu; do vậy, ở đây, Isidatta có sanh thú khác với sanh thú của Purāṇa. Như vậy, này Ānanda, cả hai người này đều có thiếu sót một chi phần.

 

Tham khảo

56 Xem A. V. 137ff.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.