Viện Nghiên Cứu Phật Học

Phật giáo nguyên thủy/Kinh tạng Pali/Kinh Tăng Chi Bộ/Chương VI Sáu Pháp (Chakkanipāta)/Năm mươi kinh thứ nhất/IV. Phẩm Chư thiên (Devatāvagga)

 

X. KINH TÔN GIẢ KIMBILA (Kimilasutta) (A. III. 339) 

     40. Như vầy tôi nghe. 

    Một thời, Thế Tôn trú ở Kimbilā, tại rừng Trúc.47 Rồi Tôn giả Kimbila48 đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Kimbila bạch Thế Tôn: 

   – Bạch Thế Tôn, do nhân gì, do duyên gì, sau khi Như Lai nhập diệt, Diệu pháp không còn tồn tại lâu dài? 

   – Ở đây, này Kimbila, sau khi Như Lai nhập diệt, các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo-ni, nam cư sĩ, nữ cư sĩ sống không cung kính, không tùy thuận bậc Đạo sư; sống không cung kính, không tùy thuận Pháp; sống không cung kính, không tùy thuận chúng Tăng; sống không cung kính, không tùy thuận học pháp; sống không cung kính, không tùy thuận không phóng dật; sống không cung kính, không tùy thuận tiếp đón. Này Kimbila, đây là nhân, đây là duyên khiến cho sau khi Như Lai nhập diệt, Diệu pháp không tồn tại lâu dài.

    – Do nhân gì, do duyên gì, sau khi Như Lai nhập diệt, Diệu pháp được tồn tại lâu dài? 

   – Ở đây, này Kimbila, sau khi Thế Tôn nhập diệt, các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo-ni, nam cư sĩ, nữ cư sĩ sống cung kính, tùy thuận bậc Đạo sư; sống cung kính, tùy thuận Pháp; sống cung kính, tùy thuận chúng Tăng; sống cung kính, tùy thuận học pháp; sống cung kính, tùy thuận không phóng dật; sống cung kính, tùy thuận tiếp đón. Đây là nhân, đây là duyên, sau khi Như Lai nhập diệt, Diệu pháp được tồn tại lâu dài.

 

Tham khảo

47 Xem S. V. 322. 

48 Bản Tích Lan và PTS viết Kimbila. Tôn giả cũng thuộc dòng họ Thích, đi xuất gia cùng lúc với Tôn giả Ānanda. Xem Vin. II. 182.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.