Viện Nghiên Cứu Phật Học

Phật giáo nguyên thủy/Kinh tạng Pali/Kinh Tăng Chi Bộ/Chương VI Sáu Pháp (Chakkanipāta)/Năm mươi kinh thứ nhất/III. Phẩm Trên tất cả (Anuttariyavagga)

 

IX. KINH UDĀYĪ (Udāyīsutta) (A. III. 322) 

     29. Rồi Thế Tôn gọi Tôn giả Udāyī: 

    – Này Udāyī, có bao nhiêu chỗ để tùy niệm? 

    Được nghe nói vậy, Tôn giả Udāyī giữ im lặng. Lần thứ hai, Thế Tôn bảo Tôn giả Udāyī:

     – Này Udāyī, có bao nhiêu chỗ để tùy niệm? 

    Lần thứ hai, Tôn giả Udāyī giữ im lặng. Lần thứ ba, Thế Tôn bảo Tôn giả Udāyī: 

    – Này Udāyī, có bao nhiêu chỗ để tùy niệm? Lần thứ ba, Tôn giả Udāyī giữ im lặng. Rồi Tôn giả Ānanda nói với Tôn giả Udāyī: 

    – Này Hiền giả Udāyī, Thế Tôn gọi Hiền giả! 

    – Thưa Hiền giả Ānanda, tôi có nghe Thế Tôn gọi. Bạch Thế Tôn, khi Tỷ kheo nhớ đến nhiều đời trước ở quá khứ như một đời, hai đời... vị ấy nhớ nhiều đời trước với các nét đại cương và các chi tiết. Bạch Thế Tôn, đây là chỗ để tùy niệm. 

    Rồi Thế Tôn bảo Tôn giả Ānanda: 

     – Ta đã biết, này Ānanda, kẻ ngu Udāyī này không sống chuyên tâm vào tăng thượng tâm.24 Này Ānanda, có bao nhiêu chỗ để tùy niệm? 

    – Bạch Thế Tôn, có năm chỗ để tùy niệm. Thế nào là năm? 

    Ở đây, bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo ly dục, ly pháp bất thiện... chứng đạt và an trú Thiền thứ ba.25 Bạch Thế Tôn, đây là chỗ để tùy niệm, như vậy tu tập, như vậy làm cho sung mãn, đưa đến hiện tại lạc trú. 

      Lại nữa, bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo tác ý với tưởng ánh sáng, trú vào tưởng ban ngày. Ngày như thế nào thời đêm như vậy. Đêm như thế nào thời ngày như vậy. Như vậy với tâm rộng mở, không có hạn chế, vị ấy tu tập tâm với ánh sáng chiếu sáng. Bạch Thế Tôn, đây là chỗ để tùy niệm, như vậy tu tập, như vậy làm cho sung mãn, đưa đến chứng đắc tri kiến. 

      Lại nữa, bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo quán sát thân này26 từ bàn chân trở lên trên, từ đảnh tóc trở xuống, được bao bọc bởi da và chứa đầy những vật bất tịnh sai biệt. Trong thân này, đây là tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương, tủy, thận, tim, gan, hoành cách mô, lá lách, phổi, ruột, màng ruột, bụng, phân, mật, đàm, mủ, máu, mồ hôi, mỡ, nước mắt, mỡ da, nước miếng, nước mũi, nước ở khớp xương, nước tiểu. Bạch Thế Tôn, đây là chỗ để tùy niệm, như vậy tu tập, như vậy làm cho sung mãn, đưa đến đoạn tận tham dục. 

       Lại nữa, bạch Thế Tôn, ví như vị Tỷ-kheo thấy một thi thể bị quăng bỏ trong nghĩa địa, một ngày hay hai ngày, ba ngày, thi thể ấy trương phồng lên, xanh ứ lại, thối ra mủ chảy,27 Tỷ-kheo ấy đem so sánh với thân này như sau: “Thân này tánh chất là như vậy, bản tánh là như vậy, không vượt khỏi tánh chất ấy.” Ví như vị ấy thấy một thi thể quăng bỏ trong nghĩa địa, bị các loại quạ ăn, hay bị các loài diều hâu ăn, hay bị các chim kên ăn, hay bị các loài chó ăn, hay bị các loài dã can ăn, hay bị các loài côn trùng ăn, Tỷ-kheo ấy đem so sánh với thân này như sau: “Thân này tánh chất là như vậy, bản tánh là như vậy, không vượt khỏi tánh chất ấy.” Ví như vị ấy thấy một thi thể quăng bỏ trong nghĩa địa với các xương còn liên kết với nhau, còn dính thịt và máu, còn được các đường gân cột lại; với các bộ xương còn liên kết với nhau, không còn dính thịt nhưng còn dính máu, còn được các đường gân cột lại; với các bộ xương còn liên kết với nhau, không còn thịt và máu, còn được các đường gân cột lại; chỉ còn xương không dính lại với nhau, rải rác chỗ này chỗ kia, ở đây là xương tay, ở đây là xương chân, ở đây là xương ống, ở đây là xương bắp vế, ở đây là xương mông, ở đây là xương sống, ở đây là xương đầu, Tỷ-kheo ấy đem so sánh với thân này như sau: “Thân này bản chất là như vậy, bản tánh là như vậy, không vượt khỏi tánh chất ấy.” Hay ví như vị ấy thấy một thi thể bị quăng bỏ trong nghĩa địa, chỉ còn toàn xương trắng màu vỏ ốc, chỉ còn một đống xương lâu hơn một năm, chỉ còn là xương thối trở thành bột, Tỷ-kheo ấy đem so sánh với thân này như sau: “Thân này bản chất là như vậy, bản tánh là như vậy, không vượt khỏi tánh chất ấy.” Đây là chỗ để tùy niệm, bạch Thế Tôn, như vậy tu tập, như vậy làm cho sung mãn, đưa đến nhổ tận gốc kiêu mạn: “Tôi là.” 

      Lại nữa, bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo bỏ lạc bỏ khổ... chứng đạt và an trú Thiền thứ tư. Đây là chỗ để tùy niệm, bạch Thế Tôn, như vậy tu tập, như vậy làm cho sung mãn, đưa đến sự thể nhập hoàn toàn các giới sai khác nhau. 

     Bạch Thế Tôn, đây là năm chỗ để tùy niệm.

     – Lành thay! Lành thay! Này Ānanda, đây là chỗ tùy niệm thứ sáu, hãy thọ trì ở đây, này Ānanda, Tỷ-kheo chánh niệm đi ra, chánh niệm đi vào, chánh niệm ngồi, chánh niệm nằm, chánh niệm trong khi làm việc. Này Ānanda, đây là chỗ để tùy niệm, như vậy tu tập, như vậy làm cho sung mãn, đưa đến chánh niệm tỉnh giác.

 

Tham khảo

 24 Adhicitta: Tăng thượng tâm, tâm cao thượng (tâm an trụ trong thiền định). AA. III. 357: Adhicittanti samādhivipassanācittaṃ (“Tăng thượng tâm” tức chỉ cho tâm an trụ trong thiền chỉ và thiền quán). 

25 Thiền thứ tư không được đề cập vì vượt khỏi lạc (sukha). 

26 Xem A. V. 109; D. II. 293; M. I. 57; S. V. 278; Vism. 285-303. 

27 Xem M. III. 91.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.