Tam tạng Thánh điển PGVN 04 » Tam tạng Thượng Tọa bộ 04 »
Kinh Tăng Chi Bộ
HT. Thích Minh Châu dịch
Phật giáo nguyên thủy/ Kinh tạng Pali/ Kinh Tăng Chi Bộ/ CHƯƠNG V NĂM PHÁP (PAÑCAKANIPĀTA)/ XX. PHẨM BÀ-LA-MÔN (BRĀHMAṆAVAGGA)
IV.KINH BÀ-LA-MÔN KĀRAṆAPĀLĪ (Kāraṇapālīsutta) (A. III. 236)
194.Một thời, Thế Tôn trú ở Vesāli, tại Mahāvana, chỗ giảng đường có nóc nhọn. Lúc bấy giờ, Bà-la-môn Kāraṇapālī đang xây dựng nhà cho người Licchavi. Bà-la-môn Kāraṇapālī thấy Bà-la-môn Piṅgiyānī196 từ đường xa đi đến; sau khi thấy, liền nói với Bà-la-môn Piṅgiyānī:
– Tôn giả Piṅgiyānī đi từ đâu đến sớm như vậy?197
– Thưa Tôn giả, tôi đi từ chỗ Sa-môn Gotama về.
– Tôn giả Piṅgiyānī nghĩ thế nào về trí tuệ sáng suốt của Sa-môn Gotama?
Ngài có nghĩ vị ấy là một bậc Hiền trí chăng?
– Tôi là ai, thưa Tôn giả, lại có thể biết được trí tuệ sáng suốt của Sa-môn Gotama. Chỉ có ai như vị ấy, mới có thể biết được trí tuệ sáng suốt của Sa-môn Gotama.
Thật là cao thượng lời Tôn giả Piṅgiyānī tán thán Sa-môn Gotama: “Tôi là ai, thưa Tôn giả, lại có thể nói lời tán thán Sa-môn Gotama.” Được tán thán bởi những bậc được tán thán là Tôn giả Gotama, bậc Tối Thắng giữa chư thiên và loài người. Tôn giả Piṅgiyānī thấy những lợi ích gì lại hết lòng tin tưởng Sa- môn Gotama như vậy?
– Thưa Tôn giả, ví như một người đã thỏa mãn với vị ngọt tối thượng sẽ không còn thèm muốn các vị ngọt hạ liệt khác. Cũng vậy, thưa Tôn giả, khi đã nghe pháp của Tôn giả Gotama như Khế kinh, Phúng tụng, Ký thuyết, Vị tằng hữu pháp... thời không còn thèm muốn các lý thuyết của những người khác, của các Sa-môn, Bà-la-môn thấp kém. Ví như,198 thưa Tôn giả, một người bị đói lả và mệt mỏi, tìm được một bánh mật, cứ mỗi miếng vị ấy được nếm, cứ mỗi miếng vị ấy được thưởng thức vị ngọt thuần nhất. Cũng vậy, thưa Tôn giả, khi đã được nghe pháp của Tôn giả Gotama như Khế kinh, Phúng tụng, Ký thuyết, Vị tằng hữu pháp... vị ấy được hoan hỷ (attamanataṃ), tâm được tịnh tín. Ví như, thưa Tôn giả, một người tìm được một cành cây Chiên-đàn (Candanaghaṭikaṃ), Chiên-đàn vàng hay Chiên-đàn đỏ, chỗ nào người ấy ngửi hoặc từ nơi rễ, hoặc từ nơi chặng giữa, hoặc từ nơi ngọn, người ấy được hương thơm thuần diệu (surabhigandhaṃ). Cũng vậy, thưa Tôn giả, khi đã được nghe pháp của Tôn giả Gotama như Khế kinh, Phúng tụng, Ký thuyết, Vị tằng hữu pháp... thời vị ấy được thưởng thức hân hoan, được thưởng thức hoan hỷ. Ví như,199 thưa Tôn giả, một người bị bệnh, khổ đau, bị trọng bệnh, rồi có vị lương y lập tức chữa cho khỏi bệnh. Cũng vậy, thưa Tôn giả, khi đã được nghe pháp của Tôn giả Gotama, như Khế kinh, Phúng tụng, Ký thuyết, Vị tằng hữu pháp... khi ấy, sầu, bi, khổ, ưu, não đi đến tiêu diệt. Ví như, thưa Tôn giả, một hồ sen có nước trong, có nước ngọt, có nước mát, sạch sẽ có bờ hồ khéo sắp đặt, đẹp đẽ, rồi một người đi đến, bị nóng nhiệt não, bị nóng bức bách, mệt mỏi, thèm uống nước, khát nước. Người ấy, sau khi lặn xuống trong hồ sen ấy, sau khi tắm rửa, uống nước, tất cả khổ cực, mệt mỏi, nhiệt não đều được lắng dịu. Cũng vậy, thưa Tôn giả, khi đã được nghe pháp của Tôn giả Gotama như Khế kinh, Phúng tụng, Ký thuyết, Vị tằng hữu pháp... khi ấy tất cả khổ cực, mệt mỏi, nhiệt não đều được lặng dịu.
Khi được nói vậy, Bà-la-môn Kāraṇapālī từ chỗ ngồi đứng dậy, đắp thượng y qua một bên vai, đầu gối bên phải quỳ trên mặt đất, chắp tay hướng đến Thế Tôn, và ba lần thốt lên lời cảm hứng sau đây:200
– Đảnh lễ Thế Tôn, bậc A-la-hán Chánh Đẳng Giác! Đảnh lễ Thế Tôn, bậc A-la-hán Chánh Đẳng Giác! Đảnh lễ Thế Tôn, bậc A-la-hán Chánh Đẳng Giác!
Thật vi diệu thay, Tôn giả Piṅgiyānī! Thật hy hữu thay, Tôn giả Piṅgiyānī! Thưa Tôn giả Piṅgiyānī, như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho kẻ bị lạc hướng, hay cầm đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc; cũng vậy, Chánh pháp đã được Tôn giả Piṅgiyānī dùng nhiều phương tiện trình bày giải thích. Thưa Tôn giả Piṅgiyānī, con nay xin quy y Tôn giả Gotama, quy y Pháp và chúng Tỷ-kheo. Tôn giả Piṅgiyānī hãy chấp nhận con làm đệ tử cư sĩ, từ nay cho đến mệnh chung, con trọn đời quy ngưỡng.
Tham khảo:
196 . Trong AA. II. 636, Buddhaghosa giải thích Tôn giả Piṅgiyānī vốn là một vị Bà-la-môn ở Vesāli nhưng là đệ tử của đức Phật, đã chứng quả Bất lai. Mỗi ngày Tôn giả mang hoa và nước thơm đến đảnh lễ cúng dường đức Phật.
197 Xem M. I. 175; II. 208.
198 Xem M. I. 114.
199 Xem A. III. 185; GS. III. 137 (kinh 162 ở trước).
200 Xem D. II. 288; M. II. 209.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.