Tam tạng Thánh điển PGVN 04 » Tam tạng Thượng Tọa bộ 04 »
Kinh Tăng Chi Bộ
HT. Thích Minh Châu dịch
Phật giáo nguyên thủy/ Kinh tạng Pali/ Kinh Tăng Chi Bộ/ CHƯƠNG V NĂM PHÁP (PAÑCAKANIPĀTA)/ XVII. PHẨM HIỀM HẬN (ĀGHĀTAVAGGA)
X.KINH BHADDAJI (Bhaddajisutta)177 (A. III. 202)
170.Một thời, Tôn giả Ānanda trú ở Kosambī, tại khu vườn Ghosita. Rồi Tôn giả Bhaddaji đi đến Tôn giả Ānanda; sau khi đi đến, nói với Tôn giả Ānanda những lời chào đón hỏi thăm; sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, liền ngồi xuống một bên. Tôn giả Ānanda nói với Tôn giả Bhaddaji đang ngồi một bên:
– Thưa Hiền giả Bhaddaji, điều gì là tối thượng trong những điều được thấy? Điều gì là tối thượng trong những điều được nghe? Điều gì là tối thượng trong các lạc? Điều gì là tối thượng trong những điều được tưởng? Điều gì là tối thượng trong các hữu?
– Thưa Hiền giả, có Phạm thiên là bậc Tối thắng (Abhibhū), là bậc Vô địch, bậc Biến nhãn, tự tại đối với tất cả loại hữu tình; thấy Phạm thiên là tối thượng trong những điều được thấy.
Thưa Hiền giả, có chư thiên Quang Âm (Ābhassara) tràn đầy và biến mãn an lạc; khi nào và chỗ nào họ thốt lên lời cảm hứng ngữ: “Ôi, sung sướng thay! Ôi, sung sướng thay!” Ai nghe tiếng ấy, đó là sự nghe tối thượng.
Thưa Hiền giả, có chư thiên Biến Tịnh (Subhakiṇha) họ sống thoải mái trong tịch tịnh, họ cảm giác lạc thọ, đây là lạc tối thượng.
Thưa Hiền giả, có chư thiên đạt được Vô sở hữu xứ, đây là tưởng vô thượng.
Thưa Hiền giả, có chư thiên đạt được Phi tưởng phi phi tưởng xứ, đây là hữu tối thượng.
– Lời nói của Tôn giả Bhaddaji, đây là lời của quần chúng.
– Tôn giả Ānanda là vị nghe nhiều. Tôn giả Ānanda hãy nói lên.
– Vậy này Hiền giả Bhaddaji, hãy nghe và khéo tác ý, tôi sẽ nói.
– Thưa vâng, Hiền giả.
Tôn giả Bhaddaji vâng đáp Tôn giả Ānanda. Tôn giả Ānanda nói như sau:
– Khi người ta nhìn, này Hiền giả, không có gián đoạn, các lậu hoặc được đoạn trừ, như vậy là sự thấy tối thượng. Khi người ta nghe không có gián đoạn, các lậu hoặc được đoạn trừ, như vậy là sự nghe tối thượng. Khi người ta cảm giác lạc thọ không có gián đoạn, các lậu hoặc được đoạn trừ, như vậy là an lạc tối thượng. Khi người ta cảm tưởng không có gián đoạn, các lậu hoặc được đoạn trừ, như vậy là tưởng tối thượng. Khi người ta hiện hữu không có gián đoạn, các lậu hoặc được đoạn trừ, như vậy là hữu tối thượng.
Tham khảo:
177 Tạp. 雜 (T.02. 0099.484. 0123b20).
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.