Tam tạng Thánh điển PGVN 04 » Tam tạng Thượng Tọa bộ 04 »
Kinh Tăng Chi Bộ
HT. Thích Minh Châu dịch
Phật giáo nguyên thủy/ Kinh tạng Pali/ Kinh Tăng Chi Bộ/ CHƯƠNG V NĂM PHÁP (PAÑCAKANIPĀTA)/ XVII. PHẨM HIỀM HẬN (ĀGHĀTAVAGGA)
VI.KINH DIỆT THỌ TƯỞNG ĐỊNH (Nirodhasutta)166 (A. III. 192)
166.Tại đấy, Tôn giả Sāriputta bảo các Tỷ-kheo... (như trên).
Ở đây, này các Hiền giả, Tỷ-kheo đầy đủ giới, đầy đủ định, đầy đủ tuệ, có thể nhập vào một cách hoàn toàn và xuất khỏi Diệt thọ tưởng định, sự kiện này có xảy ra. Nếu ngay trong hiện tại, vị ấy không đạt được chánh trí thời vị ấy chắc chắn vượt khỏi cộng trú với chư thiên, ăn các món ăn đoàn thực, được sanh với thân do ý làm ra, [với điều kiện] vị ấy có thể nhập vào và xuất khỏi Diệt thọ tưởng định, sự kiện này có xảy ra.
Khi được nói vậy, Tôn giả Udāyī nói với Tôn giả Sāriputta:
– Không có sự kiện này, thưa Hiền giả Sāriputta, không có trường hợp rằng: “Vị Tỷ-kheo chắc chắn vượt khỏi cộng trú với chư thiên, ăn các món ăn đoàn thực, được sanh với thân do ý làm ra, vị ấy có thể nhập vào và xuất khỏi Diệt thọ tưởng định”, sự kiện này không xảy ra.
Lần thứ hai... Lần thứ ba, Tôn giả Sāriputta bảo các Tỷ-kheo:
– Ở đây, này các Hiền giả, Tỷ-kheo đầy đủ giới, đầy đủ định, đầy đủ tuệ có thể nhập vào một cách hoàn toàn và xuất khỏi Diệt thọ tưởng định, sự kiện này có xảy ra. Nếu ngay trong hiện tại, vị ấy không đạt được chánh trí thời vị ấy chắc chắn vượt khỏi cộng trú với chư thiên, ăn các món ăn đoàn thực, được sanh với thân do ý làm ra, [với điều kiện] vị ấy có thể nhập vào và xuất khỏi Diệt thọ tưởng định, sự kiện này có xảy ra.
Lần thứ ba, Tôn giả Udāyī nói với Tôn giả Sāriputta:
– Không có sự kiện này, thưa Hiền giả Sāriputta, không có trường hợp rằng: “Vị Tỷ-kheo chắc chắn vượt khỏi cộng trú với chư thiên, ăn các món ăn đoàn thực và được sanh với thân do ý làm ra, [với điều kiện] vị ấy có thể nhập vào và xuất khỏi Diệt thọ tưởng định”, sự kiện này không xảy ra.
Rồi Tôn giả Sāriputta suy nghĩ như sau: “Cho đến lần thứ ba, Tôn giả Udāyī phản kháng ta và không một Tỷ-kheo nào tùy hỷ ta, vậy ta hãy đi đến Thế Tôn.” Rồi Tôn giả Sāriputta đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn, rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Sāriputta bảo các Tỷ-kheo:
– Ở đây, này chư Hiền, Tỷ-kheo đầy đủ giới, đầy đủ định, đầy đủ tuệ... [với điều kiện] vị ấy có thể nhập vào và xuất khỏi Diệt thọ tưởng định, sự kiện này có xảy ra...
Lần thứ ba, Tôn giả Udāyī nói với Tôn giả Sāriputta:
– Không có sự kiện này, thưa Hiền giả Sāriputta, không có trường hợp rằng: “Tỷ-kheo chắc chắn vượt khỏi cộng trú với chư thiên, ăn các món ăn đoàn thực và được sanh với thân do ý làm ra, [với điều kiện] vị ấy có thể nhập vào và xuất khỏi Diệt thọ tưởng định”, sự kiện này không xảy ra.
Rồi Tôn giả Sāriputta suy nghĩ như sau: “Trước mặt Thế Tôn, Tôn giả Udāyī cho đến ba lần phản kháng ta và không một Tỷ-kheo nào tùy hỷ ta, vậy ta hãy im lặng.” Rồi Tôn giả Sāriputta giữ im lặng.
Rồi Thế Tôn bảo Tôn giả Udāyī:
– Này Udāyī, ông đi đến kết luận, ai có thân do ý làm ra?
– Bạch Thế Tôn, có chư thiên vô sắc, do tưởng làm ra.
– Này Udāyī, ông nghĩ thế nào mà nói lên câu nói của kẻ ngu không thông minh sáng suốt?
Rồi Thế Tôn bảo Tôn giả Ānanda:
– Này Ānanda, các ông có thể nhìn một cách thản nhiên khi một Tỷ-kheo trưởng lão bị làm phiền não như vậy. Này Ānanda, lòng từ bi không thể khởi lên khi một Tỷ-kheo trưởng lão bị làm phiền não [mà các ông không có phản ứng].
Rồi Thế Tôn bảo các Tỷ-kheo:
– Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đầy đủ giới, đầy đủ định, đầy đủ tuệ có thể nhập vào một cách hoàn toàn và xuất khỏi Diệt thọ tưởng định, sự kiện này có thể xảy ra. Nếu ngay trong hiện tại, không thể đạt được chánh trí, vị ấy chắc chắn vượt khỏi cộng trú với chư thiên, ăn các món ăn đoàn thực, được sanh với thân do ý làm ra, [với điều kiện] vị ấy có thể nhập vào và xuất khỏi Diệt thọ tưởng định, sự kiện này có xảy ra.
Thế Tôn nói như vậy. Sau khi nói như vậy, bậc Thiện Thệ từ chỗ ngồi đứng dậy, đi vào tinh xá.
Rồi Tôn giả Ānanda, sau khi Thế Tôn đi không bao lâu, đi đến Tôn giả Upavāṇa; sau khi đến, nói với Tôn giả Upavāṇa:
– Ở đây, này Hiền giả Upavāṇa, một số người làm phiền não Tỷ-kheo trưởng lão và chúng ta không ai đặt câu hỏi. Do vậy, thật không có gì kỳ lạ, thưa Hiền giả, rằng Thế Tôn vào buổi chiều, sau khi từ chỗ thiền tịnh đứng dậy, nêu lên vấn đề này và sự việc như thế nào, kể lại cho Tôn giả Upavāṇa nghe tất cả. Nay chúng ta cảm thấy sợ hãi.
Rồi Thế Tôn, vào buổi chiều, từ chỗ ngồi đứng dậy, đi đến ngôi giảng đường; sau khi đến, liền ngồi trên chỗ đã soạn sẵn. Sau khi ngồi, Thế Tôn nói với Tôn giả Upavāṇa:
– Này Upavāṇa, thành tựu bao nhiêu pháp, vị Tỷ-kheo trưởng lão được các vị đồng Phạm hạnh ái mộ, thích ý, tôn trọng và noi gương tu tập?
– Bạch Thế Tôn, thành tựu năm pháp, vị Tỷ-kheo trưởng lão được các vị đồng Phạm hạnh ái mộ, thích ý, tôn trọng và được noi gương tu tập. Thế nào là năm?
Ở đây, bạch Thế Tôn, vị Tỷ-kheo trưởng lão giữ giới, sống được bảo vệ với sự bảo vệ của Giới bổn,167 đầy đủ oai nghi chánh hạnh, thấy sự sợ hãi trong các lỗi nhỏ nhặt, chấp nhận và học tập các học pháp. Vị ấy nghe nhiều, thọ trì điều được nghe, tích tập điều được nghe; các pháp nào sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có văn, có nghĩa, đề cao đời sống Phạm hạnh hoàn toàn đầy đủ, thanh tịnh; những pháp ấy, vị ấy đã nghe nhiều, đã nắm giữ, đã ghi nhớ nhờ đọc nhiều lần, chuyên ý quán sát, khéo thành tựu nhờ chánh kiến. Vị ấy thiện ngôn, dùng lời thiện ngôn, nói lời tao nhã, ý nghĩa minh bạch, giọng nói không bập bẹ, không phều phào, giải thích nghĩa lý minh xác.168 Vị ấy chứng được không khó khăn, chứng được không mệt nhọc, chứng được không phí sức bốn thiền thuộc tăng thượng tâm, đem đến hiện tại lạc trú. Do đoạn tận các lậu hoặc, vị ấy tự mình với thắng trí chứng ngộ, chứng đạt và an trú ngay trong hiện tại Vô lậu tâm giải thoát, Tuệ giải thoát.
Thành tựu năm pháp này, bạch Thế Tôn, vị Tỷ-kheo trưởng lão được các đồng Phạm hạnh ái mộ, ưa thích, tôn trọng và được noi gương tu tập.
– Lành thay, lành thay, này Upavāṇa! Thành tựu năm pháp này, vị Tỷ-kheo trưởng lão đối với các đồng Phạm hạnh được ái mộ, ưa thích, tôn trọng và được noi gương tu tập. Nếu vị Tỷ-kheo trưởng lão không có được năm pháp này, thời có phải các đồng Phạm hạnh cung kính, tôn trọng, đảnh lễ, cúng dường vị ấy vì răng rụng, tóc bạc và da nhăn chăng? Do vậy, này Upavāṇa, do năm pháp này có hiện hữu trong vị Tỷ-kheo trưởng lão, cho nên các đồng Phạm hạnh cung kính, tôn trọng, đảnh lễ, cúng dường vị ấy.
Tham khảo:
166 Tham chiếu: Thành tựu giới kinh 成就戒經 (T.01. 0026.22. 0449c07).
167 Xem A. III. 111; GS. III. 89 (kinh 87 ở trước).
168 Xem A. IV. 279; D. III. 115; M. II. 166.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.