Tam tạng Thánh điển PGVN 04 » Tam tạng Thượng Tọa bộ 04 »
Kinh Tăng Chi Bộ
HT. Thích Minh Châu dịch
Phật giáo nguyên thủy/ Kinh tạng Pali/ Kinh Tăng Chi Bộ/ CHƯƠNG V NĂM PHÁP (PAÑCAKANIPĀTA)/ XVII. PHẨM HIỀM HẬN (ĀGHĀTAVAGGA)
(Paṭhamaāghātapaṭivinayasutta) (A. III. 185)
161.Có năm pháp trừ khử hiềm hận,158 này các Tỷ-kheo, ở đây, vị Tỷ- kheo có hiềm hận khởi lên cần phải được trừ khử một cách hoàn toàn. Thế nào là năm?
Trong người nào, này các Tỷ-kheo, hiềm hận được sanh, trong người ấy, từ cần phải tu tập. Như vậy, trong người ấy, hiềm hận cần phải trừ khử.
Trong người nào, này các Tỷ-kheo, hiềm hận được sanh, trong người ấy, bi cần phải tu tập. Như vậy, trong người ấy, hiềm hận cần phải trừ khử.
Trong người nào, này các Tỷ-kheo, hiềm hận được sanh, trong người ấy, xả cần phải tu tập. Như vậy, trong người ấy, hiềm hận cần phải trừ khử.
Trong người nào, này các Tỷ-kheo, hiềm hận được sanh, trong người ấy, vô niệm, vô tác ý cần được thực hiện. Như vậy, trong người ấy, hiềm hận cần phải trừ khử.
Trong người nào, này các Tỷ-kheo, hiềm hận được sanh, trong người ấy, sự kiện nghiệp do mình tạo159 cần phải được an lập là: “Tôn giả là chủ của nghiệp, là thừa tự của nghiệp, là khởi nguyên của nghiệp, là bà con của nghiệp, là chỗ nương tựa của nghiệp. Phàm nghiệp thiện hay ác được làm, Tôn giả sẽ là người thừa tự nghiệp ấy.” Như vậy, trong người ấy, hiềm hận cần phải được trừ khử.
Này các Tỷ-kheo, có năm pháp trừ khử hiềm hận này, ở đây, hiềm hận khởi lên cho Tỷ-kheo cần phải được trừ khử một cách hoàn toàn.
Tham khảo:
158 Xem A. IV. 408; V. 151; D. III. 262.
159 Xem A. III. 71; GS. III. 50 (kinh 57 ở trước).
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.