Tam tạng Thánh điển PGVN 04 » Tam tạng Thượng Tọa bộ 04 »
Kinh Tăng Chi Bộ
HT. Thích Minh Châu dịch
Phật giáo nguyên thủy/ Kinh tạng Pali/ Kinh Tăng Chi Bộ/ CHƯƠNG V NĂM PHÁP (PAÑCAKANIPĀTA)/ XV. PHẨM TIKAṆḌAKĪ (TIKAṆḌAKĪVAGGA)
I.KINH KHINH RẺ (Avajānātisutta) (A. III. 164)
141.Năm hạng người, này các Tỷ-kheo, có mặt hiện hữu ở đời. Thế nào là năm? Sau khi cho, khinh rẻ; sau khi cùng sống, khinh rẻ; miệng nuốt tất cả;142 người không vững chắc; người ám độn ngu si.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là người sau khi cho, khinh rẻ?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người cho người khác các đồ nhu yếu như y áo, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh. Vị ấy suy nghĩ: “Ta là người cho, người này là người nhận.” Sau khi cho, vị ấy khinh rẻ [người nhận]. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người sau khi cho, khinh rẻ.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người sau khi sống chung, khinh rẻ?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người cùng sống với người, hai hay ba năm. Do sống với người ấy, vị ấy khinh rẻ người ấy. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người sau khi sống chung, khinh rẻ.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người miệng nuốt tất cả?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người khi nghe người ta tán thán hay chỉ trích người khác, liền mau mắn thích thú. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người miệng nuốt tất cả.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người không vững chắc?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người có lòng tin nhỏ bé,143 có lòng tín ngưỡng (bhatti) nhỏ bé, có lòng ái mộ nhỏ bé, có lòng tịnh tín nhỏ bé. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người không vững chắc.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người ám độn ngu si?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người không biết các pháp thiện, bất thiện; không biết các pháp tội, không tội; không biết các pháp hạ liệt, thù thắng; không biết các pháp dự phần đen trắng.144 Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người ám độn ngu si.
Năm hạng người này, này các Tỷ-kheo, có mặt hiện hữu ở đời.
Tham khảo:
142 Ādiyanamukha. AA. III. 288: Ādeyyamukhoti ādiyanamukho, gahaṇamukhoti attho (“Người có miệng nuốt tất cả” nghĩa là người miệng lưỡi, người dễ tin lời).
143 Ittara. AA. III. 288: Ittarasaddho = Parittakasaddho (người ít có lòng tin).
144 Xem Miln. 379.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.