Tam tạng Thánh điển PGVN 04 » Tam tạng Thượng Tọa bộ 04 »
Kinh Tăng Chi Bộ
HT. Thích Minh Châu dịch
Phật giáo nguyên thủy/ Kinh tạng Pali/ Kinh Tăng Chi Bộ/ CHƯƠNG V NĂM PHÁP (PAÑCAKANIPĀTA)/ I. PHẨM SỨC MẠNH HỮU HỌC (SEKHABALAVAGGA)
II. KINH QUẢNG THUYẾT (Vitthatasutta)2 (A. III. 2)
2. Này các Tỷ-kheo, có năm sức mạnh này của bậc Hữu học. Thế nào là năm? Tín lực, tàm lực, quý lực, tinh tấn lực, tuệ lực.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tín lực?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử có lòng tin, tin tưởng sự giác ngộ của Như Lai: “Đây là Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật, Thế Tôn.” Như vậy, này các Tỷ-kheo, được gọi là tín lực.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tàm lực?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử có lòng hổ thẹn; hổ thẹn đối với thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác; hổ thẹn đối với các pháp ác, bất thiện được thực hiện. Như vậy, này các Tỷ-kheo, được gọi là tàm lực.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là quý lực?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử có lòng sợ hãi tội lỗi; sợ hãi tội lỗi đối với thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác; sợ hãi tội lỗi đối với các pháp ác,bất thiện được thực hiện. Như vậy, này các Tỷ-kheo, được gọi là quý lực.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tinh tấn lực?Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử sống tinh cần tinh tấn, từ bỏ các pháp bất thiện, thành tựu các pháp thiện; nỗ lực kiên trì, tinh tấn, không từ bỏ gánh nặng đối với pháp thiện. Như vậy, này các Tỷ-kheo, được gọi là tinh tấn lực.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tuệ lực?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử có trí tuệ, thành tựu trí tuệ về sanh diệt, với sự thể nhập bậc Thánh vào con đường đoạn tận khổ đau. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là tuệ lực.
Những pháp này, này các Tỷ-kheo, là năm sức mạnh của bậc Hữu học. Do vậy, này các Tỷ-kheo, cần phải học tập như sau:
“Ta sẽ thành tựu tín lực, được gọi là Hữu học lực... tàm lực... quý lực... tinh tấn lực... Ta sẽ thành tựu tuệ lực, được gọi là Hữu học lực.” Như vậy, này các Tỷ-kheo, các ông cần phải học tập.
Tham khảo:
2 Tăng. 增 (T.02. 0125.32.1. 0673c20)
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.