Tam tạng Thánh điển PGVN 04 » Tam tạng Thượng Tọa bộ 04 »
Kinh Tăng Chi Bộ
HT. Thích Minh Châu dịch
Phật giáo nguyên thủy/ Kinh tạng Pali/ Kinh Tăng Chi Bộ/ CHƯƠNG IV BỐN PHÁP (CATUKKANIPĀTA)/ XXV. PHẨM SỢ HÃI PHẠM TỘI (ĀPATTIBHAYAVAGGA)
II. KINH SỢ HÃI PHẠM TỘI (Āpattibhayasutta) (A. II. 240)
244. Này các Tỷ-kheo, có bốn sự sợ hãi phạm tội này. Thế nào là bốn?
Ví như, này các Tỷ-kheo, người ta bắt được một người ăn trộm, một người phạm tội, dắt đến cho nhà vua và thưa: “Thưa Đại vương, đây là người ăn trộm, người phạm tội. Đại vương hãy gia phạt người ấy theo hình phạt nào như Đại vương muốn.” Vua ấy nói như sau: “Các ông hãy đem người này, lấy dây thật chắc trói cánh tay người này thật chặt về phía sau, cạo đầu người ấy đi, dắt người ấy đi xung quanh với một cái trống có tiếng chát tai, đi từ đường này đến đường khác, từ ngã ba này đến ngã ba khác, dắt người ấy ra khỏi cổng thành phía Nam, và hãy chặt đầu người ấy tại thành phía Nam.” Những người của vua lấy dây thật chắc trói cánh tay người ấy thật chặt về phía sau, cạo trọc đầu, dắt người ấy đi xung quanh với một cái trống có tiếng chát tai, đi từ đường này tới đường khác, từ ngã ba này đến ngã ba khác, dắt người ấy ra khỏi cổng thành phía Nam, và chặt đầu người ấy tại thành phía Nam. Tại đấy, có một người đứng một bên287 suy nghĩ như sau: “Thật sự người này đã làm một điều ác đáng bị quở trách, đáng bị chém đầu. Vì rằng những người của vua lấy dây thật chắc trói cánh tay người ấy thật chặt về phía sau, cạo trọc đầu, dắt người ấy đi xung quanh với một cái trống có tiếng chát tai, đi từ đường này tới đường khác, từ ngã ba này đến ngã ba khác, dắt người ấy ra khỏi cổng thành phía Nam, và chặt đầu người ấy tại thành phía Nam. Chắc chắn ta chớ có làm nghiệp ác như vậy, đáng bị quở trách, đáng bị chém đầu.”288 Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, đối với các Tỷ-kheo hay Tỷ-kheo-ni nào, các tưởng sợ hãi sắc bén như vậy được an trú, thời trong những pháp, tội Ba-la-di (Pārājikā) được chờ đợi như sau về vị ấy:
Nếu không phạm tội thời không rơi vào tội Ba-la-di; nếu đã phạm tội thời sẽ như pháp sám hối pháp Ba-la-di.
Ví như, này các Tỷ-kheo, có người mang áo vải đen, xả búi tóc xuống, mang trên vai một cái hèo và đi đến trước đại chúng và nói như sau: “Thưa quý vị, tôi đã làm một nghiệp ác đáng bị quở trách, đáng bị đánh hèo (assāhaṃ). Do vậy, tôi xin đặt mình theo ý muốn của quý vị.” Rồi một người đứng một bên suy nghĩ như sau: “Thật sự, người này đã làm một điều ác đáng bị quở trách, đáng bị đánh hèo. Vì rằng, người ấy đã mang áo vải đen, xả búi tóc xuống, mang trên vai một cái hèo và đi đến trước đại chúng và nói như sau: ‘Thưa quý vị, tôi đã làm một nghiệp ác đáng bị quở trách, đáng bị đánh hèo. Do vậy, tôi xin đặt mình theo ý muốn của quý vị.’ Vậy chắc chắn ta chớ có làm nghiệp ác như vậy, đáng bị quở trách, đáng bị đánh hèo.” Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, đối với các Tỷ-kheo hay Tỷ-kheo-ni nào, các tưởng sợ hãi sắc bén như vậy được an trú, thời trong những pháp Tăng tàn (Saṅghādisesa), được chờ đợi như sau về vị ấy: Nếu không phạm tội thời sẽ không rơi vào phạm tội Tăng tàn; nếu đã phạm tội thời sẽ như pháp phát lộ tội Tăng tàn.
Ví như, này các Tỷ-kheo, có người mang áo vải đen, xả búi tóc xuống, mang theo trên vai một túi đồ ăn289 đi đến trước đại chúng và nói như sau: “Thưa quý vị, tôi đã làm một nghiệp ác đáng bị quở trách, đáng bị hình phạt. Do vậy, tôi xin đặt mình theo ý muốn của quý vị.” Rồi một người đứng một bên suy nghĩ như sau: “Thật sự, người này đã làm một điều ác đáng bị quở trách, đáng bị hình phạt. Vì rằng người này đã mang áo vải đen, xả búi tóc xuống, mang theo trên vai một túi đồ ăn, đi đến trước đại chúng và nói như sau: ‘Thưa quý vị, tôi đã làm một nghiệp ác đáng bị quở trách, đáng bị hình phạt. Do vậy, tôi xin đặt mình theo ý muốn của quý vị.’ Vậy chắc chắn ta chớ có làm nghiệp như vậy, đáng bị quở trách, đáng bị hình phạt.” Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, đối với các Tỷ-kheo hay Tỷ-kheo-ni nào, các tưởng sợ hãi sắc bén như vậy được an trú, thời trong những pháp Ba-dật-đề (Pācittiya) được chờ đợi như sau: Nếu không phạm tội thời sẽ không rơi vào tội Ba-dật-đề; nếu phạm tội thời sẽ như pháp phát lộ tội Ba-dật-đề.
Ví như, này các Tỷ-kheo, có người mang áo vải đen, xả búi tóc xuống, đi đến trước đại chúng và nói như sau: “Thưa quý vị, tôi đã làm một nghiệp ác đáng bị quở trách, đáng bị phê bình. Do vậy, tôi xin đặt mình theo ý muốn của quý vị.” Tại đấy, một người đứng một bên suy nghĩ như sau: “Thật sự người này đã làm một điều ác đáng bị quở trách, đáng bị phê bình. Vì rằng người này mang áo vải đen, xả búi tóc xuống, đi đến trước đại chúng và nói như sau: ‘Thưa quý vị, tôi đã làm một nghiệp ác đáng bị quở trách, đáng bị phê bình.
Do vậy, tôi xin đặt mình theo ý muốn của quý vị.’ Vậy chắc chắn ta chớ có làm nghiệp như vậy, đáng bị quở trách, đáng bị phê bình.” Cũng vậy, này các Tỷ- kheo, đối với các Tỷ-kheo hay Tỷ-kheo-ni nào, các tưởng sợ hãi sắc bén như vậy, được an trú, thời trong những pháp Cần phải phát lộ (Pāṭidesanīya) được chờ đợi như sau: Nếu không phạm tội thời sẽ không rơi vào phạm tội Cần phải phát lộ; nếu phạm tội thời sẽ như pháp sám hối pháp Cần phải phát lộ.
Này các Tỷ-kheo, có bốn sự sợ hãi phạm tội này.
Tham khảo
287 AA. III. 216: Thalaṭṭhassāti ekamante ṭhitassa (“Đứng trên đất bằng” nghĩa là đứng một bên).
288 Ví dụ này được nói đến ở S. II. 100, 128; IV. 343.
289 Bhasmapuṭaṃ = Assapuṭaṃ. Xem D. I. 98 viết bhassapuṭena vadhitvā, nghĩa là giết người ấy với cái bị tro. Thật sự, assupuṭaṃ nghĩa là phạt người ấy bằng cách tẩn xuất, do vậy người ấy cần phải mang đồ ăn mà đi. Chú giải cũng giải thích là cái bị tro. Có thể chữ assa từ chữ assu như đã giải thích và nên dịch như vậy. Hay dịch chữ assapuṭaṃ là miếng vải của người ấy, chữ puṭaṃ có nghĩa là miếng vải. Đặt miếng vải trên vai để tỏ sự khiêm nhường. Xem GS. II. 247.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.