Tam tạng Thánh điển PGVN 04 » Tam tạng Thượng Tọa bộ 04 »
Kinh Tăng Chi Bộ
HT. Thích Minh Châu dịch
Phật giáo nguyên thủy/ Kinh tạng Pali/ Kinh Tăng Chi Bộ/ CHƯƠNG IV BỐN PHÁP (CATUKKANIPĀTA)/ XXV. PHẨM SỢ HÃI PHẠM TỘI (ĀPATTIBHAYAVAGGA)
I. KINH PHÁ HÒA HỢP TĂNG (Saṅghabhedakasutta)282 (A. II. 239)
243. Một thời, Thế Tôn trú ở Kosambī, tại khu vườn Ghosita. Rồi Tôn giả Ānanda đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với Tôn giả Ānanda đang ngồi một bên:
- Này Ānanda, sự tranh chấp ấy đã được chấm dứt chưa?
- Từ đâu, bạch Thế Tôn, sự tranh chấp ấy sẽ chấm dứt được? Bāhiya, vị đồng trú với Tôn giả Anuruddha hoàn toàn đứng về phía phá hòa hợp Tăng. Do vậy, Tôn giả Anuruddha nghĩ rằng không nên nói một lời nào.
- Này Ānanda, có khi nào Anuruddha lại can thiệp283 vào những vấn đề tranh chấp giữa chúng Tăng? Phải chăng, này Ānanda, khi nào có vấn đề tranh chấp gì khởi lên, chính hai vị Sāriputta và Moggallāna làm chấm dứt tất cả tranh chấp ấy?
Này Ānanda, do thấy bốn lợi ích này, kẻ ác Tỷ-kheo thích thú với phá hòa hợp Tăng. Thế nào là bốn?
Ở đây, này Ānanda, kẻ ác Tỷ-kheo, do theo ác giới, theo ác pháp không trong sạch, sở hành đáng nghi ngờ, có hành động che giấu,284 không phải Sa- môn nhưng tự xưng là Sa-môn, không hành Phạm hạnh nhưng tự xưng là hành Phạm hạnh, nội tâm mục nát, đầy ứ dục vọng, một đống rác nhơ bẩn. Vị ấy nghĩ như sau: “Nếu các Tỷ-kheo sẽ biết ta là ác giới, theo ác pháp, không thanh tịnh, sở hành đáng nghi ngờ, có hành động che giấu, không phải Sa-môn nhưng tự xưng là Sa-môn, không hành Phạm hạnh nhưng tự xưng là hành Phạm hạnh, nội tâm mục nát, đầy ứ dục vọng, một đống rác nhơ bẩn; nếu họ hòa hợp, họ sẽ làm hại ta; nếu họ chia rẽ,285 họ sẽ không làm hại được ta.” Này Ānanda, do thấy lợi ích thứ nhất này, ác Tỷ-kheo thích thú với phá hòa hợp Tăng.
Lại nữa, này Ānanda, Tỷ-kheo có tà kiến, thành tựu với chấp thủ biên kiến.286 Vị ấy nghĩ như sau: “Nếu các Tỷ-kheo sẽ biết ta có ác tri kiến, chấp thủ biên kiến; nếu họ hòa hợp, họ sẽ làm hại ta; nếu họ chia rẽ, họ sẽ không làm hại được ta.” Này Ānanda, do thấy lợi ích thứ hai này, ác Tỷ-kheo thích thú với phá hòa hợp Tăng.
Lại nữa, này Ānanda, ác Tỷ-kheo có tà mạng, nuôi sống mình với tà mạng. Vị ấy suy nghĩ như sau: “Nếu các Tỷ-kheo sẽ biết ta có tà mạng, nuôi sống mình với tà mạng; nếu họ hòa hợp, họ sẽ làm hại ta; nếu họ chia rẽ, họ sẽ không làm hại được ta.” Này Ānanda, do thấy lợi ích thứ ba này, ác Tỷ-kheo thích thú với phá hòa hợp Tăng.
Lại nữa, này Ānanda, ác Tỷ-kheo tham muốn lợi dưỡng, tham muốn cung kính, tham muốn không bị khinh miệt. Vị ấy suy nghĩ như sau: “Nếu các Tỷ- kheo sẽ biết ta có tham muốn lợi dưỡng, tham muốn cung kính, tham muốn không bị khinh miệt; nếu họ hòa hợp, họ sẽ làm hại ta; nếu họ chia rẽ, họ sẽ không làm hại được ta.” Này Ānanda, do thấy lợi ích thứ tư này, ác Tỷ-kheo thích thú với phá hòa hợp Tăng.
Do thấy bốn lợi ích này, này Ānanda, kẻ ác Tỷ-kheo thích thú với phá hòa hợp Tăng.
Tham khảo
282 Tênkinh này và kinh kế tiếp trong bản tiếng Anh của PTS dịch: Offence, nghĩa là Phạm tội.
283 Yuñjati: Can thiệp, giải hòa. AA. III. 215: Voyuñjatīti anuyuñjati anuyogaṃ āpajjati (“Can thiệp vào” có nghĩa là dự vào, tham dự một cách nhiệt tình).
284Xem S. IV. 181; Ud. 52.
285 Vaggā trái với samaggā.
286 Antaggāhikāya diṭṭhiyā. Xem A. I. 154.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.