Viện Nghiên Cứu Phật Học

Phật giáo nguyên thủy/ Kinh tạng Pali/ Kinh Tăng Chi Bộ/ CHƯƠNG IV BỐN PHÁP (CATUKKANIPĀTA)/ XX. PHẨM LỚN (MAHĀVAGGA) 

VI. KINH SĀḶHA (Sāḷhasutta) (A. II. 200)

196. Một thời, Thế Tôn trú ở Vesāli (Tỳ-xá-ly), tại Đại Lâm, trong ngôi nhà có nóc nhọn. Rồi Licchavi Sāḷha và Licchavi Abhaya đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Licchavi Sāḷha bạch Thế Tôn:

- Bạch Thế Tôn, có những Sa-môn, Bà-la-môn trình bày sự vượt qua dòng nước mạnh với hai pháp môn: Nhân giới thanh tịnh và nhân khổ hạnh nhàm chán. Ở đây, bạch Thế Tôn, Thế Tôn có nói gì?

- Này Sāḷha, Ta nói rằng Giới thanh tịnh là một chi phần của Sa-môn hạnh.

Các vị Sa-môn, Bà-la-môn nào, này Sāḷha, sống chủ trương nhân khổ hạnh nhàm chán, xem khổ hạnh nhàm chán là lõi cây, chấp chặt vào khổ hạnh nhàm chán, những vị ấy không thể nào vượt qua dòng nước mạnh. Các vị Sa-môn, Bà-la-môn nào, này Sāḷha, thân hành không thanh tịnh, lời nói không thanh tịnh, ý hành không thanh tịnh, sanh sống không thanh tịnh, những vị ấy không thể đạt được Tri kiến Vô thượng Bồ-đề.

Ví như, này Sāḷha, một người muốn vượt qua sông, cầm một cây búa sắc bén đi vào rừng. Tại đấy, người ấy thấy một cây Sāla lớn, cao thẳng, tươi tốt, không có lồi lõm.257 Người ấy chặt cây ấy tại gốc. Sau khi chặt ở gốc, người ấy đốn ngọn. Sau khi đốn ngọn, người ấy tỉa cành lá và làm cho thân cây trơn tru. Sau khi tỉa cành lá và làm cho thân cây trơn tru, người ấy gọt đẽo với cái búa. Sau khi gọt đẽo với cái búa, người ấy gọt đẽo với con dao. Sau khi gọt đẽo với con dao, người ấy bào sạch với cái bào. Sau khi bào sạch với cái bào, người ấy bào sạch với hòn đá mài. Sau khi bào sạch với hòn đá mài, người ấy đem cây ấy xuống sông. Ý ông nghĩ thế nào, này Sāḷha, người ấy có thể vượt qua sông được không?

- Thưa không, bạch Thế Tôn.

Vì sao? Bạch Thế Tôn, vì cây Sāla ấy, tuy bề ngoài rất khéo làm, nhưng bề trong không được làm sạch. Do vậy, sự việc chờ đợi rằng: “Cây Sāla ấy chìm xuống và người ấy rơi vào ách nạn.”

- Cũng vậy, này Sāḷha, những Sa-môn, Bà-la-môn nào chủ trương sống khổ hạnh nhàm chán, xem khổ hạnh nhàm chán là lõi cây, chấp chặt lấy khổ hạnh nhàm chán, những vị ấy không thể vượt qua dòng nước mạnh. Này Sāḷha, những vị Sa-môn, Bà-la-môn nào, thân hành không thanh tịnh, lời nói không thanh tịnh, ý hành không thanh tịnh, sinh sống không thanh tịnh, không thể chứng được Tri kiến Vô thượng Bồ-đề.

Này Sāḷha, những Sa-môn, Bà-la-môn nào không chủ trương sống khổ hạnh nhàm chán, không xem khổ hạnh nhàm chán là lõi cây, không chấp chặt lấy khổ hạnh nhàm chán, những vị ấy có thể vượt qua dòng nước mạnh. Này Sāḷha, những vị Sa-môn, Bà-la-môn nào, thân hành thanh tịnh, lời nói thanh tịnh, ý hành thanh tịnh, sinh sống thanh tịnh, những vị ấy có thể chứng được Tri kiến Vô thượng Bồ-đề.

Ví như, này Sāḷha, một người muốn vượt qua sông, cầm một cây búa sắc bén đi vào rừng. Tại đấy, người ấy thấy một cây Sāla lớn, cao thẳng, tươi tốt, không có lồi lõm. Người ấy chặt cây ấy tại gốc. Sau khi chặt ở gốc, người ấy đốn ngọn. Sau khi đốn ngọn, người ấy tỉa cành lá và làm cho thân cây trơn tru. Sau khi tỉa  cành lá và làm cho thân cây trơn tru, người ấy gọt đẽo với cái búa. Sau khi gọt đẽo với cái búa, người ấy gọt đẽo với con dao.258 Sau khi gọt đẽo với con dao, người ấy lấy cái đục, khéo đục sạch nội phần. Sau khi khéo đục sạch nội phần, người ấy bào sạch với cái bào. Sau khi bào sạch với cái bào, người ấy bào sạch với hòn đá mài (pāsāṇagulena). Sau khi bào sạch với hòn đá mài, người ấy làm thành chiếc thuyền, cột với cái chèo và bánh lái (phiyārittaṃ), rồi cuối cùng người ấy thả xuống sông. Ý ông nghĩ thế nào, này Sāḷha, người ấy có thể vượt qua sông được không?

- Thưa được, bạch Thế Tôn.

Vì sao? Bạch Thế Tôn, vì cây Sāla ấy, bề ngoài rất khéo làm, bề trong được làm sạch, được cột với cái chèo và bánh lái. Do vậy, sự việc chờ đợi rằng: “Chiếc thuyền ấy không chìm và người ấy sẽ đến bờ bên kia an toàn.”259

- Cũng vậy, này Sāḷha, những Sa-môn, Bà-la-môn nào không chủ trương khổ hạnh nhàm chán, những vị ấy có thể vượt qua dòng nước mạnh. Này Sāḷha, những Sa-môn, Bà-la-môn nào thân hành thanh tịnh, lời nói thanh tịnh, ý hành thanh tịnh, sinh sống thanh tịnh, những vị ấy có thể chứng được Tri kiến Vô thượng Bồ-đề.

Ví như, này Sāḷha, một chiến sĩ dầu người đó biết được nhiều cung thuật,260 nhưng về ba phương diện người đó xứng đáng là của vua, thuộc sở hữu của vua, đi đến làm biểu tượng của vua.261 Thế nào là ba?

Bắn xa, bắn nhanh như chớp nhoáng và bắn thủng được vật lớn.

Ví như, này Sāḷha, người chiến sĩ bắn xa, cũng vậy, này Sāḷha, là Thánh đệ tử có chánh định. Phàm có sắc gì thuộc quá khứ, vị lai, hiện tại, hoặc nội hay ngoại, hoặc thô hay tế, hoặc liệt hay thắng, hoặc xa hay gần, cần phải như thật thấy với trí tuệ rằng: “Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải là tự ngã của tôi.” Phàm có thọ gì... Phàm có tưởng gì... Phàm có hành gì... Phàm có thức gì thuộc quá khứ, vị lai, hiện tại, hoặc nội hay ngoại, hoặc thô hay tế, hoặc liệt hay thắng, hoặc xa hay gần, cần phải như thật thấy với trí tuệ rằng: “Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải là tự ngã của tôi.”

Ví như, này Sāḷha, người chiến sĩ bắn như chớp nhoáng; cũng vậy, này Sāḷha, là vị Thánh đệ tử có chánh tri kiến. Vị Thánh đệ tử, này Sāḷha, có chánh tri kiến như thật quán tri: “Đây là khổ... Đây là khổ tập... Đây là khổ diệt... Đây là con đường đưa đến khổ diệt.”

Ví như, này Sāḷha, người chiến sĩ đâm thủng được thân hình lớn; cũng vậy, này Sāḷha, là vị Thánh đệ tử có chánh giải thoát. Vị Thánh đệ tử, này Sāḷha, có chánh giải thoát đâm thủng được vô minh uẩn to lớn.

Tham khảo

257 Chữ này có nhiều giải thích khác nhau. AA. III. 181: Akukkuccakajātanti ‘‘bhaveyya nu kho, na bhaveyyā’’ti ajanetabbakukkuccaṃ (“Không sanh đắn đo” nghĩa là không sanh chút đắn đo rằng “phải hay không phải?”). Bản Tích Lan viết Akukkukka, nghĩa là không thể đo lường bằng kukka, một đơn vị đo lường. Và như vậy có thể dịch là cao vút, như trong S. III. 119; IV. 104. Cũng có thể dịch là không có hư hỏng. Có chỗ lại dịch từ chữ uju (thẳng), akujjaka nghĩa là thẳng, không có lồi lõm.

258Lekhaṇiya. AA. III. 181: Lekhaṇiyā likheyyāti avalekhanamattakena avalikheyya (“Đục bằng cây đục” nghĩa là nạo ra bằng đồ nạo).

259Chú giải giải thích ví dụ như sau: (a) Cây gỗ là tự tánh con người; con sông là sông sanh tử; người muốn vượt qua là người có tà kiến; bề ngoài của cái cây là khổ hạnh; cái cây trước khi được làm cho trống không bên trong là thời gian người ấy sống không đạo đức; cái cây ấy bị chìm là người ấy tái sinh sang đời khác. (b) Người muốn vượt qua sông là người tu hành (yogācara). Phần ngoài của cái cây là khi tu người ấy tự chế ngự, làm cho thân cây trống không là khi người ấy sống đạo đức; chèo và bánh lái là sự nỗ lực tinh tấn của thân và tâm; vượt qua là Niết-bàn.

260Kaṇḍacittakāni: Nhiều màu sắc, hình thái khác nhau. Gittaka hay citraka là hình thức đánh nhau đặc biệt. A. III. 182 viết một danh sách có sáu điểm: Saralaṭṭhi; sararajju; sarapāsāda; sarasāṇi; pokkharaṇī; padumāni citrāni, tạm dịch là: Sara có nghĩa là dàn trận; dàn trận với côn gậy; với một cái thòng lọng; từ nơi một sân thượng; từ nơi tấm bình phong; từ nơi hầm hố; hay từ nơi dàn trận theo hình hoa sen. Từ cuối này cũng được dùng ở JA. II. 406, v.v…

261 Bốn đặc tánh được đề cập trong A. II. 170; GS. II. 177 (kinh 181 ở trước).

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.