Tam tạng Thánh điển PGVN 04 » Tam tạng Thượng Tọa bộ 04 »
Kinh Tăng Chi Bộ
HT. Thích Minh Châu dịch
Phật giáo nguyên thủy/ Kinh tạng Pali/ Kinh Tăng Chi Bộ/ CHƯƠNG IV BỐN PHÁP (CATUKKANIPĀTA)/ XX. PHẨM LỚN (MAHĀVAGGA)
V. KINH VAPPA (Vappasutta)253 (A. II. 196)
195. Một thời, Thế Tôn ở giữa dân chúng Sakka, tại Kapilavatthu, khu vườn Nigrodha. Rồi Thích tử Vappa, đệ tử của Nigaṇṭhā, đi đến Tôn giả Mahāmoggallāna; sau khi đến, đảnh lễ Tôn giả Mahāmoggallāna rồi ngồi xuống một bên. Tôn giả Mahāmoggallāna nói với Thích tử Vappa, đệ tử của Nigaṇṭhā, đang ngồi một bên:
- Ở đây, này Vappa, có thể có người với thân chế ngự, với lời chế ngự, với ý chế ngự, vô minh được viễn ly, minh được sanh khởi. Ông có thấy người ấy, do một nhân duyên nào, các lậu hoặc khiến cảm thọ khổ đau có thể khởi lên cho người ấy trong tương lai?
- Thưa Tôn giả, con có thể thấy trường hợp ấy. Ở đây, thưa Tôn giả, do ác nghiệp tạo ra về trước chưa đưa đến quả dị thục, do nhân duyên ấy, các lậu hoặc khiến cảm thọ khổ đau có thể khởi lên cho người ấy trong tương lai.
Và câu chuyện này giữa Tôn giả Mahāmoggallāna và Thích tử Vappa, đệ tử của Nigaṇṭhā, bị bỏ dở.
Rồi Thế Tôn, vào buổi chiều từ thiền tịnh đứng dậy đi đến hội trường; sau khi đến, ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn. Ngồi xuống, Thế Tôn nói với Tôn giả Mahāmoggallāna:
- Này Mahāmoggallāna, câu chuyện gì được nói đến, khi các ông ngồi tụ họp ở đây? Và câu chuyện gì giữa các ông chưa được nói xong?
- Ở đây, bạch Thế Tôn, con nói với Thích tử Vappa, đệ tử của Nigaṇṭhā: “Ở đây, này Vappa, có thể có người với thân chế ngự, với lời chế ngự, với ý chế ngự, vô minh được viễn ly, minh được sanh khởi. Ông có thấy người ấy, do một nhân duyên nào, các lậu hoặc khiến cảm thọ khổ đau có thể khởi lên cho người ấy trong tương lai?” Bạch Thế Tôn, khi được nói như vậy, Thích tử Vappa, đệ tử của Nigaṇṭhā, nói với con như sau: “Thưa Tôn giả, con có thể thấy trường hợp ấy. Ở đây, thưa Tôn giả, do ác nghiệp tạo ra về trước chưa đưa đến quả dị thục, do nhân duyên ấy, các lậu hoặc khiến cảm thọ khổ đau có thể khởi lên cho người ấy trong tương lai!” Bạch Thế Tôn, đây là câu chuyện giữa Thích tử Vappa, đệ tử của Nigaṇṭhā và chúng con, câu chuyện bị bỏ dở khi Thế Tôn đến.
Rồi Thế Tôn nói với Thích tử Vappa, đệ tử của Nigaṇṭhā:
- Này Vappa, nếu ông có thể chấp nhận điều ông có thể chấp nhận, có thể bác bỏ điều đáng được bác bỏ, và trong trường hợp ông không có thể biết được ý nghĩa lời nói của Ta, ông hãy hỏi Ta thêm về vấn đề ấy: “Bạch Thế Tôn, lời nói này, ý nghĩa là gì?”, thời có thể có cuộc nói chuyện giữa chúng ta.
- Bạch Thế Tôn, con có thể chấp nhận điều con có thể chấp nhận, có thể bác bỏ điều đáng được bác bỏ, và trong trường hợp con không có thể biết được ý nghĩa lời nói của Thế Tôn, con sẽ hỏi Thế Tôn thêm về vấn đề ấy: “Bạch Thế Tôn, lời nói này, ý nghĩa là gì?” Mong rằng ở đây có cuộc nói chuyện giữa chúng ta.
- Ý ông nghĩ thế nào, này Vappa? Nếu do nhân duyên thân khởi động, các lậu hoặc tàn hại, nhiệt não khởi lên; với người chế ngự được thân khởi động, như vậy, các lậu hoặc tàn hại, nhiệt não ấy không có nơi người ấy nữa. Người ấy không làm nghiệp mới, còn hành động trước của người ấy, do cảm xúc thường xuyên, được chấm dứt; con đường đưa đến sự héo mòn các phiền não là thiết thực hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí tự mình giác hiểu.
Này Vappa, ông có thấy trường hợp ấy, do nhân duyên này, các lậu hoặc khiến cảm thọ khổ đau có thể khởi lên cho người ấy trong tương lai không?
- Thưa không, bạch Thế Tôn!
- Ý ông nghĩ thế nào, này Vappa? Nếu do nhân duyên lời nói khởi động, các lậu hoặc tàn hại, nhiệt não khởi lên; với người chế ngự được lời khởi động, như vậy, các lậu hoặc tàn hại, nhiệt não ấy không có với người ấy nữa. Người ấy không làm nghiệp mới. Còn hành động trước của người ấy, do cảm xúc thường xuyên, được chấm dứt; con đường đưa đến sự héo mòn các phiền não là thiết thực hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí tự mình giác hiểu.
Này Vappa, ông có thấy trường hợp ấy, do nhân duyên này, các lậu hoặc khiến cảm thọ khổ đau có thể khởi lên cho người ấy trong tương lai không?
- Thưa không, bạch Thế Tôn!
- Ý ông nghĩ thế nào, này Vappa? Nếu do nhân duyên ý khởi động, các lậu hoặc tàn hại, nhiệt não khởi lên; với người chế ngự được ý khởi động, như vậy các lậu hoặc tàn hại, nhiệt não ấy không có với người ấy nữa. Người ấy không làm nghiệp mới. Còn hành động trước của người ấy, do cảm xúc thường xuyên, được chấm dứt; con đường đưa đến sự héo mòn các phiền não là thiết thực hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí tự mình giác hiểu.
Này Vappa, ông có thấy trường hợp ấy, do nhân duyên này, các lậu hoặc khiến cảm thọ khổ đau có thể khởi lên cho người ấy trong tương lai không?
- Thưa không, bạch Thế Tôn!
- Ý ông nghĩ thế nào, này Vappa? Đối với các lậu hoặc tàn hại, nhiệt não ấy do duyên vô minh khởi lên, vô minh được ly tham, minh được khởi lên, như vậy các lậu hoặc tàn hại, nhiệt não ấy không có với người ấy nữa. Người ấy không làm nghiệp mới. Còn hành động trước của người ấy, do cảm xúc thường xuyên được chấm dứt; con đường đưa đến sự héo mòn các phiền não là thiết thực hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí tự mình giác hiểu.
Này Vappa, ông có thấy do lý do nào, các lậu hoặc khiến cảm thọ khổ đau có thể khởi lên cho người ấy trong tương lai không?
- Thưa không, bạch Thế Tôn!
- Như vậy, này Vappa, với vị Tỷ-kheo có tâm được chơn chánh giải thoát, sáu an trú thường hằng được chứng đắc. Vị ấy, khi mắt thấy sắc, không có đẹp ý, không có phật ý, trú xả, chánh niệm tỉnh giác; khi tai nghe tiếng... khi mũi ngửi hương... khi lưỡi nếm vị... khi thân cảm xúc... khi ý thức tri pháp, không có đẹp ý, không có phật ý, trú xả, chánh niệm tỉnh giác. Khi vị ấy cảm giác một cảm thọ tận cùng của thân,254 vị ấy quán tri: “Ta cảm giác một cảm thọ tận cùng của thân.” Khi vị ấy cảm giác một cảm thọ tận cùng của sinh mạng, vị ấy quán tri: “Ta cảm giác một cảm thọ tận cùng của sinh mạng.” Vị ấy quán tri: “Sau khi thân hoại mệnh chung, ở đây tất cả các cảm thọ không còn có hỷ lạc, sẽ trở thành vắng lặng.”
Ví như, này Vappa, duyên một thân cây,255 bóng cây hiện ra. Rồi có người đến cầm cái cuốc và cái giỏ, chặt thân cây ấy ở nơi rễ. Sau khi chặt ở nơi rễ, người ấy đào cái mương. Sau khi đào cái mương, người ấy nhổ lên các rễ lớn cho đến các rễ con và rễ phụ. Rồi người ấy chặt cây ấy thành từng khúc, sau khi chặt từng khúc, người ấy bửa. Sau khi bửa, người ấy chẻ thành từng miếng nhỏ. Sau khi chẻ thành từng miếng nhỏ, người ấy phơi giữa gió và nắng, người ấy lấy lửa đốt. Sau khi lấy lửa đốt, người ấy vun thành đống tro. Sau khi người ấy vun thành đống tro, người ấy sàng tro ấy giữa gió lớn, hay để tro ấy vào dòng nước mạnh cho nước cuốn đi. Như vậy, này Vappa, do duyên thân cây nên có bóng cây. Bóng cây ấy, rễ bị chấm dứt, làm thành như thân cây Sāla, làm cho không thể tái sanh trong tương lai, không thể sống lại được. Cũng vậy, này Vappa, vị Tỷ-kheo có tâm được chơn chánh giải thoát, sáu an trú thường hằng được chứng đắc. Vị ấy, khi mắt thấy sắc, không có đẹp ý, không có phật ý, trú xả, chánh niệm tỉnh giác; khi tai nghe tiếng... khi mũi ngửi hương... khi lưỡi nếm vị... khi thân cảm xúc... khi ý thức tri pháp, không có đẹp ý, không có phật ý, trú xả, chánh niệm tỉnh giác. Khi vị ấy cảm giác một cảm thọ tận cùng của thân, vị ấy biết: “Ta cảm giác một cảm thọ tận cùng của thân.” Khi vị ấy cảm giác một cảm thọ tận cùng của sinh mạng, vị ấy biết: “Ta cảm giác một cảm thọ tận cùng của sinh mạng.” Vị ấy biết: “Sau khi thân hoại mệnh chung, ở đây tất cả các cảm thọ không còn hỷ lạc, sẽ trở thành vắng lặng.”
Khi được nói như vậy, Thích tử Vappa, đệ tử của Nigaṇṭhā, bạch Thế Tôn:
- Ví như, bạch Thế Tôn, một người mong ước được tài sản, lo nuôi dưỡng tài sản của mình,256 nhưng không được tăng trưởng gì; trái lại, chỉ được thêm mệt nhọc và dự phần vào phiền muộn. Cũng vậy, bạch Thế Tôn, con cầu mong được lợi ích khi con hầu hạ kẻ ngu Nigaṇṭhā này, nhưng con đã không được lợi ích gì; trái lại, con chỉ được thêm mệt nhọc và dự phần vào phiền muộn. Bắt đầu từ hôm nay, bạch Thế Tôn, với lòng tin gì con đã có với kẻ ngu Nigaṇṭhā, con sẽ đặt lòng tin ấy giữa gió lớn, hay để lòng tin ấy vào dòng nước lạnh cho nước cuốn đi.
Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Thật hy hữu thay, bạch Thế Tôn! Như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho kẻ bị lạc hướng, hay cầm đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc; cũng vậy, pháp được Thế Tôn dùng nhiều phương tiện trình bày, giải thích. Con nay xin quy y Thế Tôn, quy y Pháp, quy y chúng Tỷ-kheo. Mong Thế Tôn nhận con làm đệ tử cư sĩ, từ nay cho đến mệnh chung, con trọn đời quy ngưỡng.
Tham khảo
253 Tham chiếu: Hòa phá kinh 惒破經 (T.01. 0026.12. 0434a12).
254 Kāyapariyantikaṃ vedanaṃ. AA. III. 176: Kāyapariyantikanti kāyantikaṃ kāyaparicchinnaṃ, yāva pañcadvārakāyo pavattati, tāva pavattaṃ pañcadvārikavedananti attho (“Tận cùng của thân” nghĩa là toàn thân, đến giới hạn của thân, cho đến toàn bộ ngũ môn đang diễn tiến thế nào, thì cảm thọ từ ngũ môn đang diễn ra như vậy).
255 Xem S. II. 88, 90, 91, 93. Thūṇa có thể có nghĩa là thân cây, cây cột không có rễ.
256 Assapaṇiyaṃ: Hàng hóa của người ấy. AA. III. 180 giải thích với nghĩa ngựa là tài sản.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.