Tam tạng Thánh điển PGVN 04 » Tam tạng Thượng Tọa bộ 04 »
Kinh Tăng Chi Bộ
HT. Thích Minh Châu dịch
Phật giáo nguyên thủy/ Kinh tạng Pali/ Kinh Tăng Chi Bộ/ CHƯƠNG IV BỐN PHÁP (CATUKKANIPĀTA)/ XX. PHẨM LỚN (MAHĀVAGGA)
III. KINH BHADDIYA (Bhaddiyasutta) (A. II. 190)
193. Một thời, Thế Tôn trú ở Vesāli, tại Mahāvana, trong ngôi nhà có nóc nhọn. Rồi Licchavi Bhaddiya đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Licchavi Bhaddiya bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, con nghe như sau: “Là một nhà huyễn thuật, Sa-môn Gotama biết được huyễn thuật lôi cuốn những đệ tử ngoại đạo.”247 Bạch Thế Tôn, những ai nói như sau: “Sa-môn Gotama là một huyễn thuật sư, biết được huyễn thuật lôi cuốn những đệ tử ngoại đạo, những người ấy, bạch Thế Tôn, có phải nói đúng ý kiến của Thế Tôn, không có xuyên tạc Thế Tôn với điều không thật? Có phải họ trả lời về pháp hợp với Chánh pháp? Và ai là vị đồng pháp, theo đồng một quan điểm, không có lý do để chỉ trích? Bạch Thế Tôn, chúng con không muốn xuyên tạc Thế Tôn.”248
- Này Bhaddiya, chớ có tin vì nghe truyền thuyết; chớ có tin vì theo truyền thống; chớ có tin vì nghe người ta nói; chớ có tin vì được kinh tạng truyền tụng; chớ có tin vì nhân lý luận siêu hình; chớ có tin vì đúng theo một lập trường; chớ có tin vì đánh giá hời hợt những dữ kiện; chớ có tin vì phù hợp với định kiến; chớ có tin vì phát xuất từ nơi có uy quyền;249 chớ có tin vì vị Sa-môn là bậc Đạo sư của mình. Nhưng này Bhaddiya, khi nào ông tự mình biết rõ như sau: “Các pháp này là bất thiện; các pháp này là có tội; các pháp này bị người có trí quở trách; các pháp này nếu được thực hiện và chấp nhận, đưa đến bất hạnh và khổ đau”; thời này Bhaddiya, ông hãy từ bỏ chúng!
Ông nghĩ như thế nào, này Bhaddiya, lòng tham khi khởi lên trong nội tâm người nào, khởi lên như vậy là đưa lại hạnh phúc hay bất hạnh?
- Bất hạnh, bạch Thế Tôn.
- Người này có tham, này Bhaddiya, bị tham chinh phục, tâm mất tự chủ, giết loài hữu tình, lấy của không cho, đi đến vợ người, nói láo, khích lệ người khác cùng làm như vậy, như vậy có làm cho người ấy bất hạnh, đau khổ lâu dài hay không?
- Thưa có, bạch Thế Tôn.
- Ông nghĩ như thế nào, này Bhaddiya, lòng sân... lòng si... lòng hung bạo khi khởi lên trong nội tâm người nào, khởi lên như vậy là đưa lại hạnh phúc hay bất hạnh?
- Bất hạnh, bạch Thế Tôn.
- Người này có lòng hung bạo, này Bhaddiya, bị hung bạo chinh phục, tâm mất tự chủ, giết loài hữu tình, lấy của không cho, đi đến vợ người, nói láo, khích lệ người khác cùng làm như vậy, như vậy có làm cho người ấy bất hạnh, đau khổ lâu dài hay không?
- Thưa có, bạch Thế Tôn.
- Ông nghĩ như thế nào, này Bhaddiya, các pháp này là thiện hay bất thiện?
- Là bất thiện, bạch Thế Tôn.
- Có tội hay không có tội?
- Có tội, bạch Thế Tôn.
- Bị người có trí quở trách hay không bị người có trí quở trách?
- Bị người có trí quở trách, bạch Thế Tôn.
- Nếu được thực hiện, được chấp nhận, chúng có đưa đến bất hạnh, đau khổ không? Hay ở đây là như thế nào?
- Được thực hiện, được chấp nhận, bạch Thế Tôn, chúng đưa đến bất hạnh, đau khổ. Ở đây đối với chúng con là vậy.
- Như vậy, này Bhaddiya, điều ta vừa nói với các ông: “Chớ có tin vì nghe truyền thuyết; chớ có tin vì theo truyền thống; chớ có tin vì nghe người ta nói; chớ có tin vì được kinh tạng truyền tụng; chớ có tin vì nhân lý luận siêu hình; chớ có tin vì đúng theo một lập trường; chớ có tin vì đánh giá hời hợt những dữ kiện; chớ có tin vì phù hợp với định kiến; chớ có tin vì phát xuất từ nơi có uy quyền; chớ có tin vì vị Sa-môn là bậc Đạo sư của mình. Nhưng này Bhaddiya, khi nào ông tự mình biết rõ như sau: ‘Các pháp này là bất thiện; các pháp này là có tội; các pháp này bị người có trí quở trách; các pháp này nếu được thực hiện và chấp nhận, đưa đến bất hạnh và đau khổ’; thời này Bhaddiya, ông hãy từ bỏ chúng!” Như vậy đã được nói lên, chính do duyên này được nói lên như vậy.
Này Bhaddiya, chớ có tin vì nghe truyền thuyết... chớ có tin vì vị Sa-môn là bậc Đạo sư của mình. Nhưng này Bhaddiya, khi nào ông tự mình biết rõ như sau: “Các pháp này là thiện; các pháp này là không có tội; các pháp này không bị người có trí quở trách; các pháp này nếu được thực hiện và chấp nhận, đưa đến hạnh phúc, an lạc”; thời này Bhaddiya, ông hãy chứng đạt và an trú.
Ông nghĩ như thế nào, này Bhaddiya, không tham khi khởi lên trong nội tâm người nào, khởi lên như vậy là đưa lại hạnh phúc hay bất hạnh?
- Hạnh phúc, bạch Thế Tôn.
- Người này không tham, này Bhaddiya, không bị tham chinh phục, tâm không mất tự chủ, không giết loài hữu tình, không lấy của không cho, không đi đến vợ người, không nói láo, không khích lệ người khác làm như vậy, như vậy có làm cho người ấy hạnh phúc, an lạc lâu dài hay không?
- Thưa có, bạch Thế Tôn.
- Ông nghĩ như thế nào, này Bhaddiya, không sân... không si... không hung bạo khi khởi lên trong nội tâm người nào, khởi lên như vậy là đưa lại hạnh phúc hay bất hạnh?
- Hạnh phúc, bạch Thế Tôn.
- Người này không có lòng hung bạo, này Bhaddiya, không bị hung bạo chinh phục, tâm không mất tự chủ, không giết loài hữu tình, không nói láo, không khích lệ người khác làm như vậy, như vậy có làm cho người ấy hạnh phúc, an lạc lâu dài hay không?
- Thưa có, bạch Thế Tôn.
- Ông nghĩ như thế nào, này Bhaddiya, các pháp này là thiện hay bất thiện?
- Là thiện, bạch Thế Tôn.
- Có tội hay không có tội?
- Không có tội, bạch Thế Tôn.
- Bị người có trí quở trách hay không bị người có trí quở trách?
- Được người có trí tán thán, bạch Thế Tôn.
- Nếu được thực hiện, được chấp nhận, chúng có đưa đến hạnh phúc, an lạc không? Hay ở đây là như thế nào?
- Được thực hiện, được chấp nhận, bạch Thế Tôn, chúng đưa đến hạnh phúc, an lạc. Ở đây đối với chúng con là vậy.
- Như vậy, này Bhaddiya, điều Ta vừa nói với các ông: “Chớ có tin vì nghe truyền thuyết; chớ có tin vì theo truyền thống; chớ có tin vì nghe người ta nói; chớ có tin vì được kinh tạng truyền tụng; chớ có tin vì nhân lý luận siêu hình; chớ có tin vì đúng theo một lập trường; chớ có tin vì đánh giá hời hợt những dữ kiện; chớ có tin vì phù hợp với định kiến; chớ có tin vì phát xuất từ nơi có uy quyền; chớ có tin vì vị Sa-môn là bậc Đạo sư của mình. Nhưng này Bhaddiya, khi nào ông tự mình biết rõ như sau: ‘Các pháp này là thiện; các pháp này là không có tội; các pháp này được người có trí tán thán; các pháp này nếu được thực hiện và chấp nhận, đưa đến hạnh phúc và an lạc’; thời này Bhaddiya, ông hãy chứng đạt và an trú.” Điều đã được nói lên như vậy, chính do duyên này được nói lên như vậy.
Này Bhaddiya, tất cả những bậc chân nhân tịch tịnh ở đời, khích lệ đệ tử như sau: “Hãy đến, này ngươi! Hãy nhiếp phục tham, hãy sống nhiếp phục tham! Do sống nhiếp phục tham, ngươi sẽ không làm nghiệp do tham sanh về thân, về lời, về ý. Hãy nhiếp phục sân, hãy sống nhiếp phục sân! Do sống nhiếp phục sân, ngươi sẽ không làm nghiệp do sân sanh về thân, về lời, về ý. Hãy nhiếp phục si, hãy sống nhiếp phục si! Do sống nhiếp phục si, ngươi sẽ không làm nghiệp do si sanh về thân, về lời, về ý. Hãy nhiếp phục hung bạo (sārambho), hãy sống nhiếp phục hung bạo! Do sống nhiếp phục hung bạo, ngươi sẽ không làm nghiệp do hung bạo sanh về thân, về lời, về ý.”
Khi được nói như vậy, Bhaddiya người Licchavi bạch Thế Tôn:
- Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Thật hy hữu thay, bạch Thế Tôn! Như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho kẻ bị lạc hướng, hay cầm đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc; cũng vậy, pháp được Thế Tôn dùng nhiều phương tiện trình bày, giải thích. Con nay xin quy y Thế Tôn, quy y Pháp, quy y chúng Tỷ-kheo. Mong Thế Tôn nhận con làm đệ tử cư sĩ, từ nay cho đến mệnh chung, con trọn đời quy ngưỡng.
- Này Bhaddiya, Ta có nói với ông như sau: “Hãy đến này Bhaddiya! Hãy làm đệ tử của Ta, này Bhaddiya! Ta sẽ là Đạo sư [của ông]” không?
- Thưa không, bạch Thế Tôn.
- Như vậy, này Bhaddiya, những Sa-môn, Bà-la-môn nói như sau, tuyên bố như sau, những vị ấy là không thiện, trống không, nói láo, xuyên tạc với điều không thật: “Là một huyễn thuật sư, Sa-môn Gotama biết được huyễn thuật lôi cuốn những đệ tử ngoại đạo!”
- Bạch Thế Tôn, hiền thiện là huyễn thuật dụ dỗ này. Bạch Thế Tôn, hiền lành là huyễn thuật dụ dỗ này. Con mong rằng, bạch Thế Tôn, các bà con huyết thống thân ái của con được huyễn thuật dụ dỗ này cám dỗ. Như vậy, những bà con huyết thống của con tất cả được hạnh phúc, an lạc lâu dài! Bạch Thế Tôn, nếu tất cả những người Sát-đế-lỵ được huyễn thuật dụ dỗ này cám dỗ, tất cả các Sát-đế-lỵ được hạnh phúc, an lạc trong một thời gian dài! Bạch Thế Tôn, nếu tất cả người Bà-la-môn... tất cả người Phệ-xá... tất cả người Thủ-đà được huyễn thuật dụ dỗ này cám dỗ, tất cả các người Thủ-đà ấy được hạnh phúc, an lạc trong một thời gian dài!
- Như vậy là phải, này Bhaddiya! Như vậy là phải, này Bhaddiya! Này Bhadiya, nếu tất cả những người Sát-đế-lỵ được cám dỗ [với sự dụ dỗ này] để đoạn tận các pháp bất thiện, để đầy đủ các pháp thiện, như vậy tất cả các hàng Sát-đế-lỵ được hạnh phúc, an lạc trong một thời gian dài! Này Bhaddiya, nếu tất cả người Bà-la-môn... tất cả người Phệ-xá... tất cả người Thủ-đà được cám dỗ [với sự dụ dỗ này] để đoạn tận các pháp bất thiện, để đầy đủ các pháp thiện, như vậy tất cả các Thủ-đà được hạnh phúc an lạc trong một thời gian dài!
Này Bhaddiya, nếu thế giới cùng với chư Thiên, Māra, Phạm thiên, với quần chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư thiên và loài người được huyễn thuật dụ dỗ này cám dỗ để đoạn tận các pháp bất thiện, để đầy đủ các pháp thiện, như vậy họ được hạnh phúc, an lạc trong một thời gian dài!
Này Bhaddiya, nếu các cây Sāla to lớn này được huyễn thuật dụ dỗ này cám dỗ để đoạn tận các pháp bất thiện, để đầy đủ các pháp thiện, như vậy tất cả cây Sāla to lớn này được hạnh phúc, an lạc trong một thời gian dài nếu chúng có thể suy nghĩ được, còn nói gì với con người.
Tham khảo
247 Đức Phật cũng bị buộc tội tương tự. Xem M. 56, Upāli Sutta (Kinh Upāli), M. I. 375.
248 Xem S. II. 33, 41, v.v...
249 Bhabbarūpatāya: Không phải vì ngươi nghĩ rằng nó hợp với lý thuyết của Ta về tái sanh.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.