Viện Nghiên Cứu Phật Học

Phật giáo nguyên thủy/ Kinh tạng Pali/ Kinh Tăng Chi Bộ/ CHƯƠNG IV BỐN PHÁP (CATUKKANIPĀTA)/ XX. PHẨM LỚN (MAHĀVAGGA) 

II. KINH CÁC TRƯỜNG HỢP (Ṭhānasutta) (A. II. 187)

192. Này các Tỷ-kheo, có bốn trường hợp này, cần phải được hiểu với bốn trường hợp. Thế nào là bốn?

Này các Tỷ-kheo, với cộng trú, giới cần phải được hiểu biết, như vậy trong một thời gian dài, không thể khác được; có tác ý, không có không tác ý; với trí tuệ, không phải với liệt tuệ.

Này các Tỷ-kheo, với cùng chung làm một nghề, thanh tịnh liêm khiết cần phải được hiểu biết, như vậy trong một thời gian dài, không thể khác được; có tác ý, không có không tác ý; với trí tuệ, không phải với liệt tuệ.

Này các Tỷ-kheo, trong những hoạn nạn, sức kiên trì cần phải được hiểu biết, như vậy trong một thời gian dài, không thể khác được; có tác ý, không có không tác ý; với trí tuệ, không phải với liệt tuệ.

Này các Tỷ-kheo, với đàm luận, trí tuệ cần phải được hiểu biết, như vậy trong một thời gian dài, không thể khác được; có tác ý, không có không tác ý; với trí tuệ, không phải với liệt tuệ.

Này các Tỷ-kheo, với cộng trú, giới cần phải được hiểu biết, như vậy trong một thời gian dài, không thể khác được; có tác ý, không có không tác ý; với trí tuệ, không phải với liệt tuệ, như vậy được nói đến. Do duyên gì được nói đến như vậy?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người do cộng trú với một người khác, biết được như sau: “Trong một thời gian dài, vị Tôn giả này làm giới bị bể vụn, làm giới bị cắt xén, làm giới bị vết nhơ, làm giới bị chấm đen, việc làm không có liên tục, hạnh kiểm không có liên tục trong các giới. Ác giới là Tôn giả này, Tôn giả này không giữ giới.”

Nhưng ở đây, này các Tỷ-kheo, người này do cộng trú với người kia, biết như sau: “Trong một thời gian dài, vị Tôn giả này không làm giới bị bể vụn, không làm giới bị cắt xén, không làm giới bị vết nhơ, không làm giới bị chấm đen, việc làm có liên tục, hạnh kiểm có liên tục trong các giới. Giữ giới là Tôn giả này, Tôn giả này không phải ác giới.”

Này các Tỷ-kheo, với cộng trú, giới cần phải được hiểu biết, như vậy trong một thời gian dài, không thể khác được; có tác ý, không có không tác ý; với trí tuệ, không phải với liệt tuệ, như vậy được nói đến. Do duyên này được nói đến như vậy.

Này các Tỷ-kheo, với cùng chung làm một nghề, thanh tịnh liêm khiết cần phải được hiểu biết, như vậy trong một thời gian dài, không thể khác được; có tác ý, không có không tác ý; với trí tuệ, không phải với liệt tuệ, như vậy được nói đến. Do duyên gì được nói đến như vậy?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, một người do cùng làm một nghề với một người khác, biết được như sau: “Khác thay, vị Tôn giả này khi làm việc với một người; khác thay với hai người; khác thay với ba người; khác thay với nhiều người; làm trái ngược là vị Tôn giả này, các sở hành trước khác với sở hành sau. Không thanh tịnh là sở hành của vị Tôn giả này. Vị Tôn giả này có sở hành không thanh tịnh.” Nhưng ở đây, này các Tỷ-kheo, một người do cùng làm một nghề với một người khác, biết được như sau: “Như thế nào, Tôn giả này khi làm việc với một người; như thế ấy với hai người; như thế ấy với ba người; như thế ấy với nhiều người; không làm trái ngược là vị Tôn giả này, các sở hành trước giống với sở hành sau. Thanh tịnh là sở hành của vị Tôn giả này. Tôn giả này có sở hành thanh tịnh.”

Này các Tỷ-kheo, với cùng chung làm một nghề, thanh tịnh liêm khiết cần phải được hiểu biết, như vậy trong một thời gian dài... với liệt tuệ, như vậy được nói đến. Do duyên này, được nói đến như vậy.

Này các Tỷ-kheo, trong các hoạn nạn, sức kiên trì cần phải được hiểu biết, như vậy trong một thời gian dài, không thể khác được; có tác ý, không có không tác ý; với trí tuệ, không phải với liệt tuệ, như vậy được nói đến. Do duyên gì được nói đến như vậy?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người cảm thọ bà con bị ách nạn, cảm thọ tài sản bị ách nạn, cảm thọ sức khỏe bị ách nạn, suy nghĩ như sau: “Bản chất như vậy là sự an trú thế giới này; bản chất như vậy là bản tánh tự ngã có được này; bản chất như vậy là sự an trú thế giới; bản chất như vậy là có được bản tánh tự ngã. Tám thế giới pháp này vận chuyển thế giới, và thế giới vận chuyển tám pháp, tức là lợi và bất lợi, không danh tiếng và danh tiếng, chê và khen, lạc và khổ.” Người ấy cảm thọ bà con bị ách nạn, cảm thọ tài sản bị ách nạn, cảm thọ sức khỏe bị ách nạn, sầu muộn, than van, khóc lóc, đập ngực, rơi vào bất tỉnh.

Nhưng ở đây, này các Tỷ-kheo, có người cảm thọ bà con bị ách nạn, cảm thọ tài sản bị ách nạn, cảm thọ sức khỏe bị ách nạn, suy nghĩ như sau: “Bản chất như vậy là sự an trú thế giới; bản chất như vậy là bản tánh tự ngã có được này; bản chất như vậy là sự an trú thế giới; bản chất như vậy là có được bản tánh tự ngã. Tám thế giới pháp này vận chuyển thế giới, và thế giới vận chuyển tám pháp, tức là lợi và bất lợi, không danh tiếng và danh tiếng, chê và khen, lạc và khổ.” Người ấy cảm thọ bà con bị ách nạn, cảm thọ tài sản bị ách nạn, cảm thọ sức khỏe bị ách nạn, không có sầu muộn, không có than van, không có khóc lóc, không có đập ngực, không có rơi vào bất tỉnh.

Này các Tỷ-kheo, trong các hoạn nạn, sức mạnh kiên trì cần phải được hiểu biết, như vậy trong một thời gian dài... với liệt tuệ, như vậy được nói đến. Do duyên này được nói đến như vậy.

Này các Tỷ-kheo, trong đàm luận, trí tuệ cần phải được hiểu biết, như vậy trong một thời gian dài, không thể khác được; có tác ý, không có không tác ý; với trí tuệ, không phải với liệt tuệ, như vậy được nói đến. Do duyên gì được nói đến như vậy?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người do đàm luận với một người khác, biết như vầy: “Vị Tôn giả này, đối ứng với một câu hỏi như vậy,246 phản ứng là như vậy, giải đáp câu hỏi là như vậy, thời liệt tuệ là Tôn giả này, Tôn giả này không có trí tuệ. Vì sao? Vì rằng Tôn giả này không nói lên câu nghĩa sâu sắc an tịnh, thù thắng, vượt ngoài lý luận suông, tế nhị, được người hiền trí cảm thọ. Còn về pháp vị này thuyết giảng, vị ấy không có khả năng hoặc tóm tắt, hoặc rộng rãi, nói lên ý nghĩa, thuyết giảng, trình bày, an lập, mở rộng, phân tích, phát lộ. Liệt tuệ là vị Tôn giả này, vị Tôn giả này không có trí tuệ.” Ví như, này các Tỷ- kheo, một người có mắt đứng trên bờ một hồ nước, thấy một con cá nhỏ nổi lên, người ấy suy nghĩ như sau: “Như vậy con cá này nổi lên, như vậy làm cho gợn sóng, như vậy là độ nhanh của nó. Nhỏ bé là con cá này, con cá này không lớn.” Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, có người do đàm luận với một người khác, biết như vầy: “Vị Tôn giả này, đối ứng với một câu hỏi như vậy, phản ứng là như vậy, giải đáp câu hỏi là như vậy, thời liệt tuệ là Tôn giả này, Tôn giả này không có trí tuệ. Vì sao? Vì Tôn giả này không nói lên câu nghĩa sâu sắc an tịnh, thù thắng, vượt ngoài luận lý suông, tế nhị, được người hiền trí cảm thọ. Còn về pháp, vị này thuyết giảng, vị này không có khả năng, hoặc tóm tắt, hoặc rộng rãi, nói lên ý nghĩa, thuyết giảng, trình bày, an lập, mở rộng, phân tích, phát lộ. Liệt tuệ là Tôn giả này, Tôn giả này không có trí tuệ.”

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người do đàm luận với một người khác, biết như sau: “Vị Tôn giả này, đối ứng với một câu hỏi như vậy, phản ứng như vậy, giải đáp câu hỏi như vậy, thời có trí tuệ là Tôn giả này, Tôn giả này không phải là liệt tuệ. Vì sao? Vì rằng Tôn giả này nói lên câu nghĩa sâu sắc, an tịnh, thù thắng, vượt ngoài luận lý suông, tế nhị, được người hiền trí cảm thọ. Còn về pháp vị này thuyết giảng, vị này có khả năng hoặc tóm tắt, hoặc rộng rãi nói lên ý nghĩa, thuyết giảng, trình bày, an lập, mở rộng, phân tích, phát lộ. Có trí tuệ là Tôn giả này, Tôn giả này không phải là liệt tuệ.” Ví như, này các Tỷ-kheo, một người có mắt đứng trên bờ một hồ nước, thấy một con cá lớn này nổi lên. Người ấy nghĩ như sau: “Như vậy con cá này nổi lên, như vậy con cá này làm cho gợn sóng, như vậy là độ nhanh của nó. To lớn là con cá này, con cá này không nhỏ.” Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, có người do đàm luận với một người khác, biết như sau: “Vị Tôn giả này đối ứng một câu hỏi như vậy, phản ứng như vậy, giải đáp câu hỏi như vậy, thời có trí tuệ là vị Tôn giả này, vị Tôn giả này không phải là liệt tuệ. Vì sao? Vì rằng vị Tôn giả này nói lên câu nghĩa sâu sắc, an tịnh, thù thắng, vượt ngoài luận lý suông, tế nhị, được người hiền trí cảm thọ. Còn về pháp vị này thuyết giảng, vị này có khả năng hoặc tóm tắt, hoặc rộng rãi, nói lên ý nghĩa, thuyết giảng, trình bày, an lập, mở rộng, phân tích, phát lộ. Có trí tuệ là vị Tôn giả này, vị Tôn giả này không phải là liệt tuệ.”

Này các Tỷ-kheo, trong đàm luận, trí tuệ cần phải được hiểu biết, như vậy trong một thời gian dài, không thể khác được; có tác ý, không phải không tác ý; với trí tuệ, không phải với liệt tuệ, như vậy được nói đến. Do duyên này được nói đến như vậy.

Có bốn trường hợp này, này các Tỷ-kheo, cần phải được hiểu với bốn trường hợp này.

Tham khảo

246 Ummaggo. Xem A. II. 177; GS. II. 184 (kinh 186 ở trước). Chữ này có hai nghĩa: Cách ứng đối một câu hỏi và đặt vấn đề một câu hỏi; ví dụ sự nổi lên của một con cá. SnA. I. 50: Ussāho ummaṅgo avatthānaṃ hitacariyā. (Sự nỗ lực, trí tuệ, thái độ, đời sống hữu ích mang lại hạnh phúc).

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.