Tam tạng Thánh điển PGVN 04 » Tam tạng Thượng Tọa bộ 04 »
Kinh Tăng Chi Bộ
HT. Thích Minh Châu dịch
Phật giáo nguyên thủy/ Kinh tạng Pali/ Kinh Tăng Chi Bộ/ CHƯƠNG IV BỐN PHÁP (CATUKKANIPĀTA)/ XIX. PHẨM BÀ-LA-MÔN (BRĀHMAṆAVAGGA)
VIII. KINH UPAKA (Upakasutta) (A. II. 181)
183. Một thời, Thế Tôn trú ở Rājagaha (Vương Xá), tại Gijjhakūṭa (núi Linh Thứu). Rồi Upaka Maṇḍikāputta239 đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Upaka Maṇḍikāputta bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, con thấy như sau, con nói như sau: “Ai bắt đầu mắng nhiếc người khác và tiếp tục như vậy, người ấy về mọi phương diện không thể bênh vực lập trường của mình; do không thể bênh vực lập trường của mình, người ấy đáng bị quở trách, đáng bị phạm tội.”
- Này Upaka, ai bắt đầu mắng nhiếc người khác và tiếp tục như vậy, người ấy về mọi phương diện không thể bênh vực lập trường của mình; do không thể bênh vực lập trường của mình, người ấy đáng bị quở trách, đáng bị phạm tội. Này Upaka, ông bắt đầu mắng nhiếc người khác và tiếp tục như vậy, ông về mọi phương diện không thể bênh vực lập trường của mình; do không thể bênh vực lập trường của mình, ông đáng bị quở trách, đáng bị phạm tội.
- Ví như, bạch Thế Tôn, một người bắt con vật của mình săn với một bẫy sập lớn khi con vật thò đầu ra. Cũng vậy, con bị Thế Tôn bắt với cái bẫy sập lớn bằng chữ khi con vừa mới mở miệng [khi con vừa mới thò đầu ra].
- Này Upaka, “đây là bất thiện”, Ta nêu rõ như vậy với vô lượng câu, với vô lượng chữ, với vô lượng thuyết pháp của Như Lai: “Đây là pháp bất thiện.” Này Upaka, “bất thiện này cần phải đoạn tận”, Ta nêu rõ như vậy với vô lượng câu, với vô lượng chữ, với vô lượng thuyết pháp của Như Lai: “Đây, pháp bất thiện này cần phải đoạn tận.”
Này Upaka, “đây là thiện”, Ta nêu rõ như vậy với vô lượng câu, với vô lượng chữ, với vô lượng thuyết pháp của Như Lai: “Đây là pháp thiện.”
Này Upaka, “thiện này cần phải tu tập”, Ta nêu rõ như vậy với vô lượng câu, với vô lượng chữ, với vô lượng thuyết pháp của Như Lai: “Đây, pháp thiện này cần phải tu tập.”
Rồi Upaka Maṇḍikāputta hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân phía hữu hướng về Ngài, rồi đi đến Ajātasattu Vedehiputta,240 vua nước Magadha. Sau khi đến, Upaka tường thuật lại cho Ajātasattu Vedehiputta, vua nước Magadha, nghe tất cả cuộc đàm luận với Thế Tôn.
Được nghe nói như vậy, Ajātasattu Vedehiputta, vua nước Magadha, phẫn nộ, không hoan hỷ nói với Upaka Maṇḍikāputta:
- Thật là độc hại,241 đứa trẻ làm muối này! Thật là lắm mồm, thật là kẻ liều mạng, nghĩ rằng nó có thể nhiếc mắng Thế Tôn, bậc A-la-hán Chánh Đẳng Giác. Hãy đi đi, này Upaka! Chớ để ta thấy ngươi nữa!242
Tham khảo
239 Xem Vin. I. 8; M. I. 170. Chú giải giải thích tên của vị ấy là Upaka, con trai của Maṇḍikā, người ủng hộ Devadatta. Upaka đến gặp đức Phật vì muốn biết đức Phật có chỉ trích hay tán thán mình. Có chỗ viết Upaka đến để mắng nhiếc Phật vì đức Phật đã làm cho Devadatta rơi vào địa ngục.
240 Vedehiputto là con của một công chúa nước Kosaka. Xem DB. II. 78; DA. I. 139. Vedehi còn là tên gọi cho một người sáng suốt.
241 Yāva dhaṃsī. Xem M. I. 326. Nhìn vẻ ngoài, người ấy thuộc giai cấp hạ tiện.
242 Chú giải thêm ý “người ấy bị túm cổ kéo ra ngoài”.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.