Viện Nghiên Cứu Phật Học

Phật giáo nguyên thủy/ Kinh tạng Pali/ Kinh Tăng Chi Bộ/ CHƯƠNG IV BỐN PHÁP (CATUKKANIPĀTA)/ XIX. PHẨM BÀ-LA-MÔN (BRĀHMAṆAVAGGA)

VI. KINH CON ĐƯỜNG SAI LẠC (Ummaggasutta)236 (A. II. 177)

186. Rồi một Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:

- Bạch Thế Tôn, thế giới do cái gì hướng dẫn, thế giới do cái gì được diễn tiến,237 đi đến sự thuần phục của cái gì được khởi lên?

- Lành thay! Lành thay! Này Tỷ-kheo, hiền thiện là con đường (ummaggo) ông đặt vấn đề, hiền thiện là sự biện tài, hiền thiện là câu hỏi! Này Tỷ-kheo, có phải ông hỏi như sau: “Bạch Thế Tôn, thế giới do cái gì hướng dẫn, thế giới do cái gì được diễn tiến, đi đến sự thuần phục của cái gì được khởi lên?”

- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

- Này Tỷ-kheo, thế giới do tâm hướng dẫn, thế giới do tâm được diễn tiến, đi đến sự thuần phục của tâm được khởi lên.

- Lành thay! Bạch Thế Tôn.

Tỷ-kheo ấy sau khi hoan hỷ, tín thọ lời Thế Tôn dạy, lại hỏi Thế Tôn một câu khác:

- Bậc nghe nhiều, trì pháp. Bậc nghe nhiều, trì pháp, bạch Thế Tôn, được nói đến như vậy. Cho đến như thế nào, bạch Thế Tôn, là một bậc nghe nhiều, trì pháp?

- Lành thay! Lành thay! Này Tỷ-kheo, hiền thiện là con đường ông đặt vấn đề, hiền thiện là sự biện tài, hiền thiện là câu hỏi! Này Tỷ-kheo, có phải ông hỏi như sau: “Bậc nghe nhiều, trì pháp. Bậc nghe nhiều, trì pháp, bạch Thế Tôn, được nói đến như vậy. Cho đến như thế nào, bạch Thế Tôn, là một bậc nghe nhiều, trì pháp?”

- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

- Nhiều, này Tỷ-kheo, là pháp Ta thuyết giảng: Kinh, Ứng tụng, Ký thuyết, Kệ tụng, Cảm hứng ngữ, Như thị thuyết, Bổn sanh, Vị tằng hữu pháp, Phương quảng. Này Tỷ-kheo, nếu ai hiểu nghĩa một bài kệ có bốn câu, hiểu pháp và thực hành pháp tùy pháp, người ấy được gọi là vị nghe nhiều, trì pháp.

- Lành thay! Bạch Thế Tôn.

Tỷ-kheo sau khi hoan hỷ... lại hỏi thêm câu nữa:

- Bậc có nghe với trí tuệ thể nhập (nibbedhikapañño). Bậc có nghe với trí tuệ thể nhập, bạch Thế Tôn, được nói đến như vậy. Cho đến như thế nào, bạch Thế Tôn, được gọi là bậc có nghe với trí tuệ thể nhập?

- Lành thay! Lành thay! Này Tỷ-kheo, hiền thiện là con đường ông đặt vấn đề, hiền thiện là sự biện tài, hiền thiện là câu hỏi! Này Tỷ-kheo, có phải ông hỏi như sau: “Bậc có nghe với trí tuệ thể nhập. Bậc có nghe với trí tuệ thể nhập, bạch Thế Tôn, được nói đến như vậy. Cho đến như thế nào, bạch Thế Tôn, được gọi là bậc có nghe với trí tuệ thể nhập?”

- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

- Ở đây, này Tỷ-kheo, Tỷ-kheo được nghe: “Đây là khổ”, thể nhập và thấy ý nghĩa ấy với trí tuệ; được nghe: “Đây là khổ tập”, thể nhập và thấy ý nghĩa ấy với trí tuệ; được nghe: “Đây là khổ diệt”, thể nhập và thấy ý nghĩa ấy với trí tuệ; được nghe: “Đây là con đường đưa đến khổ diệt”, thể nhập và thấy ý nghĩa ấy với trí tuệ. Như vậy, này Tỷ-kheo, là vị có nghe với trí tuệ thể nhập.

- Lành thay! Bạch Thế Tôn.

Tỷ-kheo ấy sau khi hoan hỷ, tín thọ lời Thế Tôn dạy, lại hỏi thêm một câu khác:

- Bậc Hiền trí, Đại tuệ. Bậc Hiền trí, Đại tuệ, bạch Thế Tôn, được nói đến như vậy. Cho đến như thế nào, bạch Thế Tôn, được gọi là bậc Hiền trí, Đại tuệ?

- Lành thay! Lành thay! Này Tỷ-kheo, hiền thiện là con đường ông đặt vấn đề, hiền thiện là sự biện tài, hiền thiện là câu hỏi! Này Tỷ-kheo, có phải ông hỏi như sau: “Bậc Hiền trí, Đại tuệ. Bậc Hiền trí, Đại tuệ, bạch Thế Tôn, được nói đến như vậy. Cho đến như thế nào, bạch Thế Tôn, được gọi là bậc Hiền trí, Đại tuệ?”

- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

- Ở đây, này Tỷ-kheo, bậc Hiền trí, Đại tuệ, không có nghĩ tự làm hại mình, không có nghĩ tự làm hại người, không có nghĩ tự mình làm hại cả hai; có suy nghĩ điều gì thời suy nghĩ lợi mình, lợi người, lợi cả hai, lợi toàn thể thế giới. Như vậy, này Tỷ-kheo, là bậc Hiền trí, Đại tuệ.

Tham khảo

236UmmaggaVin. V. 144 viết ummaṅgo. Tham chiếu: Tâm kinh 心經 (T.01. 0026.172. 0709a12); Ý kinh 意經 (T.02. 0099.1009. 0264a19); Ý kinh 意經 (T.02. 0100.326. 0459b07); Ý kinh 意經 (T.02. 82. 0901b23).

237 AA. III. 164: Parikassatī = Ākaḍḍhiyati. Trong S. I. 39, câu hỏi này được viết theo thể kệ thơ:

Kenassu nīyati loko, kenassu parikassati

Kissassu ekadhammassa, sabbeva vasamanvagū

(Vật gì dắt dẫn đời? Vật gì tự não hại?

Và có một pháp nào, mọi vật đều tùy thuộc?)

 

 

 

 

 

 

 

 

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.