Tam tạng Thánh điển PGVN 04 » Tam tạng Thượng Tọa bộ 04 »
Kinh Tăng Chi Bộ
HT. Thích Minh Châu dịch
Phật giáo nguyên thủy/ Kinh tạng Pali/ Kinh Tăng Chi Bộ/ CHƯƠNG IV BỐN PHÁP (CATUKKANIPĀTA)/ XVIII. PHẨM TƯ TÂM SỞ (SAÑCETANIYAVAGGA)
II. KINH PHÂN TÍCH (Vibhattisutta)216 (A. II. 160)
172. Tại đây, Tôn giả Sāriputta gọi các Tỷ-kheo:
- Thưa các Hiền giả Tỷ-kheo!
- Thưa vâng, Hiền giả.
Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Tôn giả Sāriputta. Tôn giả Sāriputta nói như sau:
- Thưa các Hiền giả, sau khi tôi thọ Đại giới nửa tháng, Nghĩa vô ngại giải217 được chứng ngộ, vừa đặc biệt, vừa theo văn cú.218 Vấn đề ấy, với nhiều pháp môn, tôi nói lên, tôi thuyết giảng, tôi nêu rõ, tôi trình bày, tôi an lập, tôi mở rộng, tôi phân tích, tôi phát lộ. Nếu ai có nghi ngờ gì hay phân vân gì, nào có ích gì người ấy hỏi tôi và tôi trả lời người ấy,219 khi bậc Đạo sư có mặt trước chúng ta, một bậc rất khéo thiện xảo trong các pháp.220
Thưa các Hiền giả, sau khi tôi thọ Đại giới nửa tháng, Pháp vô ngại giải được chứng ngộ, vừa đặc biệt... tôi phát lộ. Nếu ai có nghi ngờ gì hay phân vân gì, nào có ích gì người ấy hỏi tôi và tôi trả lời người ấy, khi bậc Đạo sư có mặt trước chúng ta, một bậc rất khéo thiện xảo trong các pháp.
Thưa các Hiền giả, sau khi tôi thọ Đại giới trong nửa tháng, Từ vô ngại giải được chứng ngộ, vừa đặc biệt... tôi phát lộ. Nếu ai có nghi ngờ gì hay phân vân gì, nào có ích gì người ấy hỏi tôi và tôi trả lời người ấy, khi bậc Đạo sư có mặt trước chúng ta, một bậc rất khéo thiện xảo trong các pháp.
Thưa các Hiền giả, sau khi tôi thọ Đại giới nửa tháng, Biện tài vô ngại giải được chứng ngộ, vừa đặc biệt, vừa theo văn cú. Vấn đề ấy, với nhiều pháp môn, tôi nói lên, tôi thuyết giảng, tôi nêu rõ, tôi trình bày, tôi an lập, tôi mở rộng, tôi phân tích, tôi phát lộ. Nếu ai có nghi ngờ gì hay phân vân gì, nào có ích gì người ấy hỏi tôi và tôi trả lời người ấy, khi bậc Đạo sư có mặt trước chúng ta, một bậc rất khéo thiện xảo trong các pháp.
Tham khảo
216 Tham chiếu: Tăng. 增 (T.02. 0125.29.5. 0656c).
217 Bốn pháp của Vô ngại giải (Atthapaṭisambhidā): Nghĩa (attha), Pháp (Dhammā), Từ (Nirutti: Định nghĩa) và Biện tài (Paṭibhāna).
218 Odhiso byañjanaso. AA. III. 149: Odhisoti kāraṇaso. Byañjanasoti akkharaso (“Vừa đặc trưng” nghĩa là theo bản chất, theo cách thực hiện. “Vừa theo văn cú” nghĩa là theo câu chữ).
219AA. III. 149: So maṃ pañhenāti so maṃ pañhena upagacchatu. Ahaṃ veyyākaraṇenāti ahamassa pañhakathanena cittaṃ ārādhessāmi (“Người ấy hỏi tôi” nghĩa là người ấy lại gần hỏi tôi. “Tôi trả lời người ấy” nghĩa là tôi sẽ làm thỏa mãn câu hỏi từ tâm ý của người ấy). S. III. 110: Ahamovādena ahamanuggahena ahamanusāsaniyā (Ta giáo giới [cho ông], Ta giúp đỡ [cho ông], Ta giảng dạy [cho ông]).
220 Dhammānaṃ sukusalo. Giống như nghĩa bhagavaṃmūlakā no, bhante, dhammā…pe…. Xem S. II. 24, 80, 198; III. 181. Trong AA. III. 150: Yo no dhammānaṃ sukusaloti yo amhākaṃ adhigatadhammānaṃ sukusalo satthā, so esa sammukhībhūto (“Một bậc rất thiện xảo trong các pháp của chúng ta” nghĩa là bậc Đạo sư của chúng ta thiện xảo trong các pháp đã đạt được, người ấy có mặt trước bậc Đạo sư).
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.