Tam tạng Thánh điển PGVN 04 » Tam tạng Thượng Tọa bộ 04 »
Kinh Tăng Chi Bộ
HT. Thích Minh Châu dịch
Phật giáo nguyên thủy/ Kinh tạng Pali/ Kinh Tăng Chi Bộ/ CHƯƠNG IV BỐN PHÁP (CATUKKANIPĀTA)/ XVIII. PHẨM TƯ TÂM SỞ (SAÑCETANIYAVAGGA)
I. KINH VỚI TƯ TÂM SỞ (Cetanāsutta)206 (A. II. 157)
171. Này các Tỷ-kheo, khi nào có hành động về thân,207 do nhân tư tâm sở về thân,208 khởi lên lạc khổ nội tâm. Khi nào có hành động về lời, do nhân tư tâm sở về lời, khởi lên lạc khổ nội tâm. Khi nào có hành động về ý, do nhân tư tâm sở về ý, khởi lên lạc khổ nội tâm. Hay là do vô minh.209
Hoặc này các Tỷ-kheo, do tự mình làm thân hành, do duyên này khởi lên lạc khổ nội tâm cho người ấy. Hoặc này các Tỷ-kheo, do người khác làm thân hành đối với người ấy, do duyên này khởi lên lạc khổ nội tâm cho người ấy. Hoặc này các Tỷ-kheo, tự mình tỉnh giác làm thân hành, do duyên này khởi lên lạc khổ nội tâm cho người ấy. Hoặc này các Tỷ-kheo, không có tỉnh giác làm thân hành, do duyên này khởi lên lạc khổ nội tâm cho người ấy.
Hoặc này các Tỷ-kheo, do tự mình làm khẩu hành, do duyên này khởi lên lạc khổ nội tâm cho người ấy. Hoặc này các Tỷ-kheo, do người khác làm khẩu hành đối với người ấy, do duyên này khởi lên lạc khổ nội tâm cho người ấy. Hoặc này các Tỷ-kheo, tự mình tỉnh giác làm khẩu hành, do duyên này khởi lên lạc khổ nội tâm cho người ấy. Hoặc này các Tỷ-kheo, không có tỉnh giác làm khẩu hành, do duyên này khởi lên lạc khổ nội tâm cho người ấy.
Hoặc này các Tỷ-kheo, do tự mình làm ý hành, do duyên này khởi lên lạc khổ nội tâm cho người ấy. Hoặc này các Tỷ-kheo, do duyên người khác làm ý hành đối với người ấy, do duyên này khởi lên lạc khổ nội tâm cho người ấy. Hoặc này các Tỷ-kheo, tự mình tỉnh giác làm ý hành, do duyên này khởi lên lạc khổ nội tâm cho người ấy. Hoặc này các Tỷ-kheo, không có tỉnh giác làm ý hành, do duyên này khởi lên lạc khổ nội tâm cho người ấy.
Này các Tỷ-kheo, trong những pháp này, có vô minh tháp tùng. Do sự đoạn diệt, ly tham, không có dư tàn của vô minh, thân hành ấy không có, do duyên này khởi lên lạc khổ nội tâm cho người ấy; khẩu hành ấy không có, do duyên này khởi lên lạc khổ nội tâm cho người ấy; ý hành ấy không có, do duyên này khởi lên lạc khổ nội tâm cho người ấy. Thửa ruộng không có, căn cứ không có, xứ không có, duyên sự không có, do duyên này khởi lên lạc khổ nội tâm cho người ấy.
–210 Này các Tỷ-kheo, có bốn cách này để được ngã tánh. Thế nào là bốn?
Có cách được ngã tánh, này các Tỷ-kheo, trong cách được ngã tánh ấy, ngã tư tâm sở hoạt động, không phải do tư tâm sở của người khác. Có cách được ngã tánh, này các Tỷ-kheo, trong cách được ngã tánh ấy, tư tâm sở của người khác hoạt động, không phải ngã tư tâm sở. Có cách được ngã tánh, này các Tỷ-kheo, trong cách được ngã tánh ấy, ngã tư tâm sở và tư tâm sở của người khác cùng hoạt động. Có cách được ngã tánh, này các Tỷ-kheo, trong cách được ngã tánh ấy, ngã tư tâm sở và tư tâm sở của người khác cùng không có hoạt động.
Này các Tỷ-kheo, có bốn cách này để được ngã tánh. Khi được nói vậy, Tôn giả Sāriputta bạch Thế Tôn:
– Bạch Thế Tôn, lời dạy tóm tắt này của Thế Tôn con hiểu ý nghĩa một cách rộng rãi như sau:
Tại đấy, bạch Thế Tôn, có cách được ngã tánh này, do cách được ngã tánh ấy, ngã tư tâm sở hoạt động, không phải do tư tâm sở của người khác; do nhân ngã tư tâm sở, có sự mệnh chung từ bỏ thân ấy211 của các chúng sanh ấy.
Tại đấy, bạch Thế Tôn, có cách được ngã tánh này, do cách được ngã tánh ấy, tư tâm sở của người khác hoạt động, không phải ngã tư tâm sở;212 do nhân tư tâm sở của người khác, có sự mệnh chung, từ bỏ thân ấy của các chúng sanh ấy.
Tại đấy, bạch Thế Tôn, có cách được ngã tánh này, do cách được ngã tánh ấy, ngã tư tâm sở và tư tâm sở của người khác cùng hoạt động; do nhân ngã tư tâm sở và tư tâm sở của người khác, có sự mệnh chung, từ bỏ thân ấy213 của các chúng sanh ấy.
Tại đấy, bạch Thế Tôn, có cách được ngã tánh này, do cách được ngã tánh ấy, ngã tư tâm sở và tư tâm sở của người khác cùng không có hoạt động.
Trong trường hợp ngã tư tâm sở và tư tâm sở của người khác cùng không có hoạt động, thời hạng chư thiên nào cần được xem là trong trường hợp này?
Này Sāriputta, hạng chư thiên đi đến Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ cần được xem là trong trường hợp ấy.
Bạch Thế Tôn, do nhân gì, do duyên gì, ở đây có hạng chúng sanh, sau khi mệnh chung từ bỏ thân ấy, đã trở lui lại, đã trở lui lại trong trạng thái này? Do nhân gì, do duyên gì, ở đây có hạng chúng sanh, sau khi thân hoại mệnh chung, từ bỏ thân ấy, đã không trở lui lại, không trở lui lại trong trạng thái này?
– Ở đây, này Sāriputta, đối với hạng người năm hạ phần kiết sử chưa đoạn tận, vị ấy ngay trong hiện tại, chứng đạt và an trú Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Vị ấy hưởng thọ vị ngọt ấy, có tâm ái luyến, tìm được hạnh phúc trong ấy. An trú ở đây hướng mạnh về đấy, sống nhiều với trạng thái ấy, không có thối đọa, sau khi thân hoại mệnh chung, được sanh cộng trú với chư thiên ở Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ. Vị ấy mệnh chung, từ bỏ [thân ái],214 đã trở lui lại,215 trở lui lại trạng thái này.
Ở đây, này Sāriputta, đối với hạng người năm hạ phần kiết sử đã được đoạn tận, vị ấy ngay trong hiện tại, chứng đạt và an trú Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Vị ấy hưởng thọ vị ngọt ấy, có tâm ái luyến, tìm được hạnh phúc trong ấy. An trú ở đây hướng mạnh về đấy, sống nhiều với trạng thái ấy, không có thối đọa, khi thân hoại mệnh chung được sanh cộng trú với chư thiên ở Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ. Vị ấy mệnh chung, từ bỏ [thân ái] ấy, nhưng không trở lui lại, không trở lui lại trạng thái này.
Này Sāriputta, đây là nhân, đây là duyên, ở đây có hạng chúng sanh, sau khi mệnh chung, từ bỏ thân ấy... đã không trở lui lại, không trở lui lại trạng thái này.
Tham khảo
206 Sañcetanā. Xem M. III. 207.
207 AA. III. 144 viết kāye là kāyadvāre, kāyaviññattiyā, với cử chỉ chân tay.
208 Kāyasañcetanāhetu: Do nhân tư tâm sở, có khả năng làm cho hành động được hình thành.
209 Avijjāpaccayāvā. AA. III. 144: Avijjāpaccayāvāti avijjākāraṇeneva (“Hay là do vô minh” nghĩa là “hay là bởi nhân vô minh”).
210 Trong bản tiếng Anh của PTS, đây là kinh 172, Getting Personality, nghĩa là Được ngã tánh.
211 Chú giải giải thích đây là trường hợp chư thiên được gọi là Khiḍḍāpadosikā, tức chỉ cho chư thiên bị nhiễm lậu hoặc bởi dục lạc. Xem DB. I. 32.
212 Đây là những chư thiên bị nhiễm hoặc bởi tâm trí (Manopadosikā), chỉ cho chư thiên thuộc Bốn Thiên Vương.
213 Chú giải giải thích trường hợp này chỉ cho những người tự tử và bị giết.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.