Viện Nghiên Cứu Phật Học

Phật giáo nguyên thủy/ Kinh tạng Pali/ Kinh Tăng Chi Bộ/ CHƯƠNG IV BỐN PHÁP (CATUKKANIPĀTA)/ XVII. PHẨM ĐẠO HÀNH (PAṬIPADĀVAGGA) 

II. KINH CHI TIẾT (Vitthārasutta)196 (A. II. 149) 

162. Này các Tỷ-kheo, có bốn đạo hành này. Thế nào là bốn? Đạo hành khổ thắng trí chậm; đạo hành khổ thắng trí nhanh; đạo hành lạc thắng trí chậm; đạo hành lạc thắng trí nhanh. 

Này các Tỷ-kheo, thế nào là đạo hành khổ thắng trí chậm? 

Ở đây, có người bản tánh tham dục rất cường thịnh, luôn luôn cảm thọ khổ ưu do tham dục (rāga) sanh; bản tánh sân rất cường thịnh, luôn luôn cảm thọ khổ ưu do sân hận sanh; bản tánh si rất cường thịnh, luôn luôn cảm thọ khổ ưu do si sanh. Với người ấy, năm căn này hiện ra rất mềm yếu, tức là tín căn, tấn căn, niệm căn, định căn, tuệ căn. Do năm căn này mềm yếu, người ấy đạt được vô gián định197 một cách chậm chạp để đoạn diệt các lậu hoặc. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là đạo hành khổ thắng trí chậm. 

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là đạo hành khổ thắng trí nhanh?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người bản tánh tham dục rất cường thịnh, luôn luôn cảm thọ khổ ưu do tham dục sanh; bản tánh sân rất cường thịnh, luôn luôn cảm thọ khổ ưu do sân hận sanh; bản tánh si rất cường thịnh, luôn luôn cảm thọ khổ ưu do si sanh. Với người ấy, năm căn này hiện ra rất dồi dào, tức là tín căn, tấn căn, niệm căn, định căn, tuệ căn. Do năm căn này dồi dào, người ấy đạt được vô gián định một cách nhanh chóng để đoạn diệt các lậu hoặc. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là đạo hành khổ thắng trí nhanh.

Này các Tỷ-kheo, thế nào là đạo hành lạc thắng trí chậm? 

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người bản tánh tham dục không có cường thịnh, luôn luôn không có cảm thọ khổ ưu do tham dục sanh; bản tánh sân không có cường thịnh, luôn luôn không có cảm thọ khổ ưu do sân hận sanh; bản tánh si không có cường thịnh, luôn luôn không có cảm thọ khổ ưu do si sanh. Với người ấy, năm căn này hiện ra rất mềm yếu, tức là tín căn, tấn căn, niệm căn, định căn, tuệ căn. Do năm căn này mềm yếu, người ấy đạt được vô gián định một cách chậm chạp để đoạn diệt các lậu hoặc. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là đạo hành lạc thắng trí chậm. 

Này các Tỷ-kheo, thế nào là đạo hành lạc thắng trí nhanh? 

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người bản tánh tham dục không có cường thịnh, luôn luôn không có cảm thọ khổ ưu do tham dục sanh; bản tánh sân không có cường thịnh, luôn luôn không có cảm thọ khổ ưu do sân sanh; bản tánh si không có cường thịnh, luôn luôn không có cảm thọ khổ ưu do si sanh. Với người ấy, năm căn này hiện ra rất dồi dào, tức là tín căn, tấn căn, niệm căn, định căn, tuệ căn. Do năm căn này dồi dào, người ấy đạt được vô gián định một cách nhanh chóng để đoạn diệt các lậu hoặc. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là đạo hành lạc thắng trí nhanh. 

Này các Tỷ-kheo, có bốn đạo hành này.

Tham khảo

196 Tham chiếu: Tăng. 增 (T.02. 0125.31.3. 0668a12).

197 Ānantariyaṃ samādhiṃ: Vô gián định. Xem Vism. II. 675

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.