Viện Nghiên Cứu Phật Học

Phật giáo nguyên thủy/ Kinh tạng Pali/ Kinh Tăng Chi Bộ/ CHƯƠNG IV BỐN PHÁP (CATUKKANIPĀTA)/ XVI. PHẨM CÁC CĂN (INDRIYAVAGGA)

VII. KINH BỆNH (Rogasutta) (A. II. 142) 

157. Này các Tỷ-kheo, có hai loại bệnh này. Thế nào là hai? Bệnh về thân và bệnh về tâm. 

Này các Tỷ-kheo, chúng ta thấy có chúng sanh tự nhận mình là không thân bệnh được một năm, tự nhận mình là không thân bệnh được hai năm, được ba... được bốn... được năm... được mười... được hai mươi... được ba mươi... được bốn mươi năm, tự nhận mình là không thân bệnh được năm mươi năm, tự nhận mình là không thân bệnh được một trăm năm. Các chúng sanh ấy, này các Tỷkheo, rất khó tìm được ở đời là những chúng sanh tự nhận mình là không tâm bệnh dầu chỉ trong một khoảnh khắc,185 trừ những vị đã đoạn trừ các lậu hoặc. 

Này các Tỷ-kheo, có bốn loại bệnh này cho người xuất gia. Thế nào là bốn? 

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo có dục lớn, bực bội tức tối, không tự bằng lòng với các vật dụng như y, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh. Vị ấy vì nhiều dục lớn, bực bội tức tối, không tự bằng lòng với các vật dụng như y, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh; khởi lên thèm khát, ác dục, muốn được các điều không đáng được tán thán, muốn được các lợi dưỡng, cung kính, danh vọng. Vị ấy nỗ lực, cố gắng, tinh tấn, để được các điều không đáng được tán thán, muốn được các lợi dưỡng, cung kính, danh vọng. Vị ấy sau khi tính toán, đi đến các gia đình; sau khi tính toán, ngồi xuống; sau khi tính toán, thuyết pháp; sau khi tính toán, ngưng nín tiểu tiện, đại tiện. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là bốn chứng bệnh của người xuất gia. 

Do vậy, này các Tỷ-kheo, cần phải học tập như sau: “Ta sẽ không có dục lớn, bực bội tức tối, tự bằng lòng với các vật dụng như y, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh. Ta sẽ không khởi lên thèm khát, ác dục, muốn được các điều không đáng được tán thán, muốn được các lợi dưỡng, cung kính, danh vọng. Ta sẽ không nỗ lực, không cố gắng, không tinh tấn, để được các lợi dưỡng, cung kính, danh vọng. Ta sẽ kham nhẫn lạnh, nóng, đói, khát, sự xúc chạm với ruồi và muỗi, với gió, mưa và các vật bò sát; [kham nhẫn] các hình thức nói thô lỗ khó chịu, khó chấp nhận; ta sẽ chịu đựng các khổ thọ về thân, khởi lên khổ đau, nhói đau, mãnh liệt, kịch liệt, không khả hỷ, không khả ý, đứt mạng sống.” Như vậy, này các Tỷ-kheo, các ông cần phải học tập.

Tham khảo

 

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.