Tam tạng Thánh điển PGVN 04 » Tam tạng Thượng Tọa bộ 04 »
Kinh Tăng Chi Bộ
HT. Thích Minh Châu dịch
Phật giáo nguyên thủy/ Kinh tạng Pali/ Kinh Tăng Chi Bộ/ CHƯƠNG IV BỐN PHÁP (CATUKKANIPĀTA)/XII. PHẨM KESI (KESIVAGGA)
I. KINH KESI (Kesisutta)144 (A. II. 112)
111. Rồi Kesi, người đánh xe điều phục ngựa, đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với Kesi, người đánh xe điều phục ngựa, đang ngồi một bên:
– Này Kesi, ông là người đánh xe điều phục ngựa có chế ngự. Và này Kesi, ông nhiếp phục ngựa như thế nào?
– Bạch Thế Tôn, con nhiếp phục ngựa đáng được điều phục với lời nói mềm mỏng; con nhiếp phục ngựa đáng được điều phục với lời thô ác; con nhiếp phục ngựa đáng được điều phục với lời nói mềm mỏng và thô ác.
– Này Kesi, nếu con ngựa đáng được điều phục không chịu nhiếp phục với lời nói mềm mỏng, không chịu nhiếp phục với lời nói thô ác, không chịu nhiếp phục với lời nói mềm mỏng và thô ác, thời ông làm gì với con ngựa ấy?
– Bạch Thế Tôn, nếu con ngựa đáng được điều phục không chịu nhiếp phục với lời nói mềm mỏng, không chịu nhiếp phục với lời nói thô ác, không chịu nhiếp phục với lời nói mềm mỏng và thô ác của con, thời bạch Thế Tôn, con giết nó. Vì sao? Vì mong rằng nó không làm mất danh dự cho gia đình thầy của con! Nhưng bạch Thế Tôn, Thế Tôn là bậc Vô Thượng, điều ngự những ai đáng được điều ngự, như thế nào Thế Tôn nhiếp phục những ai đáng được điều phục?
– Này Kesi, Ta nhiếp phục người đáng được nhiếp phục với lời nói mềm mỏng; Ta nhiếp phục với lời nói cứng rắn; Ta nhiếp phục với lời nói vừa mềm mỏng, vừa cứng rắn.
Tại đây, này Kesi, đây là với lời nói mềm mỏng: Đây là thân làm thiện, đây là quả báo thân làm thiện; đây là lời nói thiện, đây là quả báo lời nói thiện; đây là ý nghĩ thiện, đây là quả báo ý nghĩ thiện; đây là chư thiên, đây là loài người.
Tại đây, này Kesi, đây là với lời nói cứng rắn: Đây là thân làm ác, đây là quả báo thân làm ác; đây là lời nói ác, đây là quả báo lời nói ác; đây là ý nghĩ ác, đây là quả báo ý nghĩ ác; đây là địa ngục, đây là loài bàng sanh, đây là loài ngạ quỷ.
Tại đây, này Kesi, đây là lời nói vừa mềm mỏng vừa cứng rắn: Đây là thân làm thiện, đây là quả báo thân làm thiện; đây là thân làm ác, đây là quả báo thân làm ác; đây là lời nói thiện, đây là quả báo lời nói thiện; đây là lời nói ác, đây là quả báo lời nói ác; đây là ý nghĩ thiện, đây là quả báo ý nghĩ thiện; đây là ý nghĩ ác, đây là quả báo ý nghĩ ác; đây là chư thiên, đây là loài người; đây là địa ngục, đây là loài bàng sanh, đây là ngạ quỷ.
– Bạch Thế Tôn, nếu người đáng được điều phục không chịu nhiếp phục với lời nói mềm mỏng của Thế Tôn, không chịu nhiếp phục với lời nói cứng rắn, không chịu nhiếp phục với lời nói mềm mỏng và cứng rắn, thời Thế Tôn làm gì với người ấy?
– Này Kesi, nếu người đáng được điều phục không chịu nhiếp phục với lời nói mềm mỏng của Ta, không chịu nhiếp phục với lời nói cứng rắn, không chịu nhiếp phục với lời nói vừa mềm mỏng vừa cứng rắn, này Kesi, thời Ta giết hại người ấy!
– Nhưng bạch Thế Tôn, sát sanh không xứng đáng với Thế Tôn. Tuy vậy, Thế Tôn nói: “Này Kesi, Ta giết hại người ấy.”
– Thật vậy, này Kesi, sát sanh không xứng đáng với Như Lai. Nhưng người đáng được điều phục ấy không chịu nhiếp phục với lời nói mềm mỏng, không chịu nhiếp phục với lời nói cứng rắn, không chịu nhiếp phục với lời nói mềm mỏng và cứng rắn, Như Lai nghĩ rằng người ấy không xứng đáng để được nói đến, để được giáo giới. Và các vị đồng Phạm hạnh có trí nghĩ rằng người ấy không xứng đáng để được nói đến, để được giáo giới. Bị giết hại, này Kesi, là con người này, trong giới luật của bậc Thánh: Bị Như Lai nghĩ rằng không đáng được nói đến, không đáng được giáo giới; bị các vị đồng Phạm hạnh có trí nghĩ rằng không đáng được nói đến, không đáng được giáo giới.
– Bạch Thế Tôn, người bị bậc Thiện Thệ giết hại là người nào bị Như Lai nghĩ rằng không xứng đáng được nói đến, không xứng đáng được giáo giới; bị các vị đồng Phạm hạnh có trí nghĩ rằng không đáng được nói đến, không đáng được giáo giới. Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Thật hy hữu thay, bạch Thế Tôn! Như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho kẻ bị lạc hướng, hay cầm đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc; cũng vậy, pháp được Thế Tôn dùng nhiều phương tiện trình bày, giải thích. Con nay xin quy y Thế Tôn, quy y Pháp, quy y chúng Tỷ-kheo. Mong Thế Tôn nhận con làm đệ tử cư sĩ, từ này cho đến mệnh chung, con xin trọn đời quy ngưỡng.
Tham khảo
126 Tham chiếu: A. II. 57; GS. II. 66 (kinh 53 ở trước).
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.