Tam tạng Thánh điển PGVN 04 » Tam tạng Thượng Tọa bộ 04 »
Kinh Tăng Chi Bộ
HT. Thích Minh Châu dịch
Phật giáo nguyên thủy/ Kinh tạng Pali/ Kinh Tăng Chi Bộ/ CHƯƠNG IV BỐN PHÁP (CATUKKANIPĀTA)/IX. PHẨM KHÔNG CÓ RUNG ĐỘNG (MACALAVAGGA)
VII. KINH ĐỆ TỬ (Puttasutta)122 (A. II. 86)
87. Này các Tỷ-kheo, có bốn hạng người này123 có mặt hiện hữu ở đời.
Thế nào là bốn? Sa-môn bất động, Sa-môn sen trắng, Sa-môn sen hồng, Sa- môn tinh luyện trong các Sa-môn.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Sa-môn bất động?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo là hạng Hữu học, đang đi trên con đường, sống cố gắng hướng đến vô thượng an ổn khỏi các ách nạn. Ví như, này các Tỷ- kheo, vị trưởng nam của vua Sát-đế-lỵ, xứng đáng để được làm lễ quán đảnh, nhưng chưa làm lễ quán đảnh, và đạt đến địa vị bất động.124 Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo Hữu học, đang đi trên con đường, sống cố gắng hướng đến vô thượng an ổn khỏi các ách nạn. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng Sa-môn bất động.
Và như thế nào, này các Tỷ-kheo, là hạng Sa-môn sen trắng?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo do đoạn diệt các lậu hoặc, tự mình với thắng trí chứng ngộ, chứng đạt và an trú Vô lậu tâm giải thoát, Tuệ giải thoát, nhưng chưa an trú với thân cảm giác được Tám giải thoát. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng Sa-môn sen trắng.
Và như thế nào, này các Tỷ-kheo, là hạng Sa-môn sen hồng?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo do đoạn diệt các lậu hoặc, tự mình với thắng trí chứng ngộ, chứng đạt và an trú Tâm giải thoát, Tuệ giải thoát, và an trú với thân cảm giác được Tám giải thoát. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng Sa-môn sen hồng.
Và này các Tỷ-kheo, như thế nào là hạng Sa-môn tinh luyện trong các hàng Sa-môn?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nhiều lần được yêu cầu nhận y, ít khi không được yêu cầu; nhiều lần được yêu cầu nhận đồ ăn khất thực, ít khi không được yêu cầu; nhiều lần được yêu cầu nhận sàng tọa, ít khi không được yêu cầu; nhiều lần được yêu cầu nhận dược phẩm trị bệnh, ít khi không được yêu cầu. Vị ấy sống với những vị đồng Phạm hạnh nào, các vị này đối với vị ấy, xử sự với nhiều thân nghiệp khả ái, với ít thân nghiệp không khả ái; với nhiều khẩu nghiệp khả ái, với ít khẩu nghiệp không khả ái; với nhiều ý nghiệp khả ái, với ít ý nghiệp không khả ái; giúp đỡ với nhiều giúp đỡ khả ái, với ít giúp đỡ không khả ái. Ở đây, một số cảm thọ khởi lên phát sanh từ mật (pittā), hay phát sanh từ đàm (semhā), hay phát sanh từ gió, hay phát sanh từ sự gặp gỡ của các nước trong thân thể, hay phát sanh từ sự thay đổi thời tiết, hay phát sanh từ sự gặp gỡ của các nghịch vận, hay phát sanh từ các công kích thình lình bên ngoài vào, hay do quả dị thục của nghiệp; những cảm thọ ấy không khởi lên nhiều, vị ấy ít bị bệnh tật. Đối với bốn thiền thuộc tăng thượng tâm, hiện tại lạc trú, có được không khó khăn, có được không mệt nhọc, có được không phí sức; do đoạn diệt các lậu hoặc, ngay trong hiện tại với thắng trí chứng ngộ, chứng đạt và an trú Vô lậu tâm giải thoát, Tuệ giải thoát. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng Sa- môn tinh luyện trong các hàng Sa-môn.
Này các Tỷ-kheo, nếu nói một cách chơn chánh, nói về hạng Sa-môn tinh luyện giữa các Sa-môn, thời này các Tỷ-kheo, nói một cách chơn chánh là nói về Ta, là hạng Sa-môn tinh luyện giữa các Sa-môn. Này các Tỷ-kheo, Ta nhiều lần được yêu cầu nhận y, ít khi không được yêu cầu; nhiều lần được yêu cầu nhận đồ ăn khất thực, ít khi không được yêu cầu; nhiều lần được yêu cầu nhận sàng tọa, ít khi không được yêu cầu; nhiều lần được yêu cầu nhận dược phẩm trị bệnh, ít khi không được yêu cầu. Ta sống với các Tỷ-kheo nào, các vị ấy đối với Ta, xử sự với nhiều thân nghiệp khả ái, với ít thân nghiệp không khả ái; với nhiều khẩu nghiệp khả ái, với ít khẩu nghiệp không khả ái; với nhiều ý nghiệp khả ái, với ít ý nghiệp không khả ái; giúp đỡ với nhiều sự giúp đỡ khả ái, với ít sự giúp đỡ không khả ái. Phàm có những cảm thọ nào khởi lên, phát sanh từ mật, hay phát sanh từ đàm, hay phát sanh từ gió, hay phát sanh từ sự gặp gỡ của nước trong thân thể, hay phát sanh từ sự thay đổi thời tiết, hay phát sanh từ sự gặp gỡ của các nghịch vận, hay phát sanh từ sự công kích thình lình bên ngoài vào, hay do quả dị thục các nghiệp; những cảm thọ ấy không khởi lên nhiều nơi Ta, Ta ít bị bệnh tật. Đối với bốn thiền thuộc tăng thượng tâm, hiện tại lạc trú, Ta có được không khó khăn, có được không mệt nhọc, có được không phí sức; do đoạn diệt các lậu hoặc, ngay trong hiện tại với thắng trí, Ta chứng ngộ, chứng đạt và an trú Vô lậu tâm giải thoát, Tuệ giải thoát. Này các Tỷ-kheo, nếu nói một cách chơn chánh, nói về hạng Sa-môn tinh luyện giữa các Sa-môn, thời này các Tỷ-kheo, nói một cách chơn chánh là nói về Ta, là hạng Sa-môn tinh luyện giữa các Sa-môn.
Này các Tỷ-kheo, đây là bốn hạng người có mặt hiện hữu ở đời.
Tham khảo
122 Tên kinh này và 3 kinh kế tiếp (88-90) trong bản tiếng Anh của PTS: Kinds of Recluses, nghĩa là Các hạng Sa-môn.
123 Có sự sai khác trong định nghĩa các hàng Sa-môn qua tập Aṅguttara và Puggalapaññatti. Mới đây là sự sai khác được bản dịch tiếng Anh (GS. II. 96) ghi nhận: 1. Samaṇacalo (Sa-môn bất động). Aṅguttara: Một Hữu học hướng đến an ổn khỏi các khổ ách. Pug.: Một Dự lưu. 2. Samaṇa-puṇḍarika (Sa-môn sen trắng). Aṅguttara: Vị đã đoạn tận các lậu hoặc nhưng thân chưa cảm thọ Tám giải thoát. Vị Bất lai. Pug.: Vị đã đoạn tận năm hạ phần kiết sử. Vị Bất lai. 3. Samaṇa-paduma (Sa-môn sen hồng). Aṅguttara: Vị đã đoạn tận các lậu hoặc, thân cảm thọ được Tám giải thoát. Pug.: Vị đã đoạn tận ba kiết sử, vị Nhất lai. 4. Samaṇa-sukhumālo (Sa-môn tinh luyện): Vị đã hưởng mọi hạnh phúc an lạc ở đời và tự tại lớn, hoàn toàn sung sướng. Pug.: Vị A-la-hán. Như vậy có sự sai khác giữa truyền thống Kinh tạng và Luận tạng. Kinh kế tiếp cũng nói đến bốn hàng Sa-môn này, nhưng theo thứ tự Dự lưu, Nhất lai, Bất lai, A-la-hán.
124 Ābhiseko anabhisitto macalappatto. Xem A. I. 108 viết là chưa làm lễ quán đảnh, nhưng ngôi vị đã chắc chắn, không ai có thể tranh giành được.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.