Viện Nghiên Cứu Phật Học

Phật giáo nguyên thủy/ Kinh tạng Pali/ Kinh Tăng Chi Bộ/ CHƯƠNG IV BỐN PHÁP (CATUKKANIPĀTA)/VIII. PHẨM KHÔNG HÝ LUẬN (APAṆṆAKAVAGGA)

III. KINH BẬC CHÂN NHÂN (Sappurisasutta) (A. II. 77)

73. Thành tựu bốn pháp, này các Tỷ-kheo, cần phải được hiểu không phải bậc chân nhân. Thế nào là bốn?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, không phải bậc chân nhân là người dầu không được hỏi, vẫn nói lên lời không tán thán người khác; còn nói gì nếu được hỏi!

Nhưng nếu được hỏi và phải trả lời, thời không dè dặt, không ngập ngừng, vị này nói lên lời không tán thán người khác, đầy đủ toàn bộ. Này các Tỷ-kheo, cần phải được hiểu, này các Tỷ-kheo, vị này không phải chân nhân.

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, không phải chân nhân là người dầu được hỏi, không nói lên lời tán thán người khác; còn nói gì nếu không được hỏi!

Nhưng nếu được hỏi và phải trả lời, thời dè dặt và ngập ngừng, vị này nói lên lời tán thán người khác, không đầy đủ, không toàn bộ. Này các Tỷ-kheo, cần phải được hiểu, này các Tỷ-kheo, vị này không phải chân nhân.

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, không phải chân nhân là người dầu được hỏi, không nói lên lời không tán thán về mình; còn nói gì nếu không được hỏi!

Nhưng nếu được hỏi và phải trả lời, thời dè dặt và ngập ngừng, vị này nói lên lời không tán thán về mình, không đầy đủ, không toàn bộ. Này các Tỷ-kheo, cần phải được hiểu, vị này không phải chân nhân.

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, không phải là chân nhân là người dầu không được hỏi, cũng nói lên lời tán thán về mình; còn nói gì nếu được hỏi!

Nhưng nếu được hỏi và phải trả lời, không dè dặt, không ngập ngừng, vị này nói lên lời tán thán về mình, đầy đủ và toàn bộ. Này các Tỷ-kheo, cần phải được hiểu vị này không phải chân nhân.

Thành tựu với bốn pháp này, này các Tỷ-kheo, cần phải được hiểu không phải bậc chân nhân.

Thành tựu bốn pháp, này các Tỷ-kheo, cần phải được hiểu là bậc chân nhân. Thế nào là bốn?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, bậc chân nhân là người dầu có được hỏi, không nói lên lời không tán thán người khác; còn nói gì nếu không được hỏi!

Nhưng nếu được hỏi, và phải trả lời, dè dặt và ngập ngừng, vị ấy nói lên lời không tán thán người khác. Cần phải được hiểu, này các Tỷ-kheo, vị này là bậc chân nhân.

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, bậc chân nhân là người dầu không được hỏi, cũng nói lên lời tán thán người khác; còn nói gì nếu được hỏi!

Nếu được hỏi và phải trả lời, không dè dặt, không ngập ngừng, vị ấy nói lời tán thán người khác, đầy đủ và toàn bộ. Cần phải được hiểu, này các Tỷ-kheo, vị này là bậc chân nhân.

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, bậc chân nhân là người nếu không được hỏi, vẫn nói lên lời không tán thán về mình; còn nói gì nếu được hỏi!

Nếu được hỏi và phải trả lời, không dè dặt, không ngập ngừng, vị ấy nói lên lời không tán thán về mình, đầy đủ và toàn bộ. Cần phải được hiểu, này các Tỷ-kheo, vị này là bậc chân nhân.

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, bậc chân nhân dầu có được hỏi cũng không nói lên lời tán thán về mình; còn nói gì nếu không được hỏi!

Nếu được hỏi và phải trả lời, dè dặt và ngập ngừng, vị ấy nói lên lời tán thán về mình, không đầy đủ, không toàn bộ. Cần phải được hiểu, này các Tỷ-kheo, vị này là bậc chân nhân.

Thành tựu với bốn pháp này, này các Tỷ-kheo, cần phải được hiểu là bậc chân nhân.

104Ví như, này các Tỷ-kheo, người vợ trẻ,105 trong đêm hay ngày, được đưa về nhà chồng, nàng cảm thấy hết sức xấu hổ, sợ hãi trước mặt mẹ chồng, cha chồng, trước mặt chồng, cho đến trước mặt các người phục vụ, làm công. Sau một thời gian, do chung sống, do thân mật, nàng có thể nói với mẹ chồng, với cha chồng, với chồng: “Hãy đi đi, các người có thể biết được gì!”

Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ở đây có Tỷ-kheo, trong đêm hay ngày, được xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, cảm thấy hết sức xấu hổ, sợ hãi trước mặt các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo-ni, nam cư sĩ, nữ cư sĩ, cho đến trước những người làm vườn và những Sa-di. Sau một thời gian, do chung sống, do thân mật, vị ấy có thể nói với Sư A-xà-lê, với Sư Giáo thọ: “Hãy đi đi, các người có thể biết được gì!”

Do vậy, này các Tỷ-kheo, các ông cần phải học tập như sau: “Ta sẽ sống với tâm người vợ trẻ khi mới đến nhà chồng.” Như vậy, này các Tỷ-kheo, các ông cần phải học tập.

Tham khảo

104 Trong bản tiếng Anh của PTS, đây là mục IV: The Young Wife, nghĩa là Người vợ trẻ.

105 AA. III. 107: Vadhukāti suṇisā (“Người vợ trẻ” nghĩa là người con dâu). Trong Ud. cũng có đề cập đến kinh này.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.