Viện Nghiên Cứu Phật Học

Phật giáo nguyên thủy/ Kinh tạng Pali/ Kinh Tăng Chi Bộ/ CHƯƠNG IV BỐN PHÁP (CATUKKANIPĀTA)

V. PHẨM ROHITASSA (ROHITASSAVAGGA)/ V. KINH ROHITASSA (Rohitassasutta)73 (A. II. 47)

45. Một thời, Thế Tôn trú ở Sāvatthi, tại Jetavana, khu vườn ông Anāthapiṇḍika.

Rồi thiên tử Rohitassa sau khi đêm gần mãn, với dung sắc thù thắng chói sáng toàn vùng Jetavana, đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên. Đứng một bên, thiên tử Rohitassa bạch Thế Tôn:

– Tại chỗ nào, bạch Thế Tôn, không bị sanh, không bị già, không bị chết, không có từ bỏ [đời này], không có sanh khởi [đời khác], chúng con có thể đi đến để thấy, để biết, để đạt đến chỗ tận cùng của thế giới không?

– Này Hiền giả, tại chỗ nào không bị sanh, không bị già, không bị chết, không có từ bỏ [đời này], không có sanh khởi [đời khác], Ta tuyên bố rằng không có thể đi đến để thấy, để biết, để đạt đến chỗ tận cùng của thế giới.

– Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Thật hy hữu thay, bạch Thế Tôn! Thật là khéo nói, bạch Thế Tôn, lời nói này của Thế Tôn: “Tại chỗ nào không bị sanh, không bị già, không bị chết, không có từ bỏ [đời này], không có sanh khởi [đời khác], Ta tuyên bố rằng không thể đi đến để thấy, để biết, để đạt đến chỗ tận cùng của thế giới.” Thuở xưa, bạch Thế Tôn, con là vị ẩn sĩ tên là Rohitassa, con của Bhoja, có thần thông, đi được trên hư không. Tốc độ của con là như thế này, bạch Thế Tôn; ví dụ như một người bắn cung kiên cường, có huấn luyện, khéo tay, thuần thục (katūpāsano), với một mũi tên nhẹ có thể dễ dàng bắn xuyên qua bóng một cây Sāla. Bước chân của con là như vậy, như khoảng cách từ biển Đông qua biển Tây. Với con, bạch Thế Tôn, thành tựu được với tốc độ như vậy, với bước chân như vậy, con khởi lên ý muốn như sau: “Với bước chân đi, ta sẽ đạt đến chỗ tận cùng của thế giới.” Bạch Thế Tôn, trừ khi ăn uống nhai nếm, trừ khi đi đại tiện, tiểu tiện, trừ khi ngủ để lấy lại sức, dầu thọ đến một trăm tuổi, dầu đã sống một trăm tuổi, dầu đi đến một trăm năm, cũng không thể đạt được tận cùng của thế giới, giữa đường con đã chết. Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Thật hy hữu thay, bạch Thế Tôn! Thật là khéo nói, bạch Thế Tôn, lời nói này của Thế Tôn: “Tại chỗ nào không bị sanh, không bị già, không bị chết, không có từ bỏ [đời này], không có sanh khởi [đời khác], Ta tuyên bố rằng không có thể đi đến để thấy, để biết, để đạt đến chỗ tận cùng của thế giới.”

– Này Hiền giả, Ta tuyên bố rằng: “Tại chỗ nào không bị sanh, không bị già, không bị chết, không có từ bỏ [đời này], không có sanh khởi [đời khác], không thể đi đến để thấy, để biết, để đạt đến chỗ tận cùng của thế giới.” Nhưng này Hiền giả, trong cái thân dài độ mấy tấc này, với những tưởng, những tư duy của nó, Ta tuyên bố về thế giới, về thế giới tập khởi, về thế giới đoạn diệt, về con đường đưa đến thế giới đoạn diệt.

Với đi, không bao giờ,
Đạt tận cùng thế giới.
Nếu không, không đạt được,
Chỗ tận cùng thế giới,
Thời không có giải thoát,
Ra khỏi ngoài khổ đau.
Do vậy, bậc Có Trí,
Hiểu biết rõ thế giới,
Đi tận cùng thế giới,
Với Phạm hạnh thành tựu,
Bậc Đạt Được An Tịnh,
Biết tận cùng thế giới,
Không mong cầu đời này,
Không mong cầu đời sau.

Tham khảo

73 Tham chiếu: S. I. 61; KS. I. 85; Tăng (T.02. 0125.43.1. 0756a07); Tạp (T.02. 0099.1307. 0359a10); Biệt Tạp. 別雜 (T.02. 0100.306. 0477b14).

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.