Tam tạng Thánh điển PGVN 04 » Tam tạng Thượng Tọa bộ 04 »
Kinh Tăng Chi Bộ
HT. Thích Minh Châu dịch
Phật giáo nguyên thủy/ Kinh tạng Pali/ Kinh Tăng Chi Bộ/ CHƯƠNG IV BỐN PHÁP (CATUKKANIPĀTA)/III. PHẨM URUVELĀ (URUVELAVAGGA)/
II. KINH TẠI URUVELĀ THỨ HAI (Dutiyauruvelasutta) (A. II. 22)
22. Một thời, này các Tỷ-kheo, Ta trú ở Uruvelā, trên bờ sông Nerañjarā, dưới cây bàng Ajapāla, khi mới thành Chánh giác. Rồi này các Tỷ-kheo, rất nhiều Bà-la-môn già cả, trưởng lão, các bậc trưởng thượng đã đi quá nửa cuộc đời, đã đạt mức cuối tuổi đời, đi đến Ta; sau khi đến, nói lên với Ta những lời chào đón hỏi thăm; sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, này các Tỷ-kheo, các Bà-la-môn ấy nói với Ta như sau: “Thưa Tôn giả Gotama, chúng tôi được nghe như sau: ‘Sa-môn Gotama không có kính lễ, không có đứng dậy, không có lấy ghế mời ngồi các bậc Bà-la-môn già cả, trưởng lão, các bậc trưởng thượng đã đi quá nửa cuộc đời, đã đạt mức cuối tuổi đời.’ Thưa Tôn giả Gotama, có phải sự tình là như vậy không? Nếu Tôn giả Gotama không có kính lễ, không có đứng dậy, không có lấy ghế mời ngồi các bậc Bà-la-môn già cả, trưởng lão, các bậc trưởng thượng đã đi quá nửa cuộc đời, đã đạt mức cuối tuổi đời, sự tình như vậy, thưa Tôn giả Gotama là không được tốt đẹp.”
Này các Tỷ-kheo, về vấn đề ấy, Ta suy nghĩ như sau: “Các Tôn giả này không hiểu gì về Trưởng lão, hay các pháp tác thành vị Trưởng lão.”
Nếu Trưởng lão, này các Tỷ-kheo, là tám mươi tuổi, hay chín mươi tuổi, hay một trăm tuổi đời, và nếu vị ấy nói phi thời, nói phi chân, nói phi nghĩa, nói phi Pháp, nói phi Luật, nói những lời không đáng giữ gìn, lời nói không hợp thời cơ, không hợp lý, không có giới hạn, không có liên hệ đến mục đích, thời vị ấy chỉ được gọi là vị Trưởng lão ngu. Nếu là một vị tuổi trẻ, này các Tỷ- kheo, một thanh niên còn non trẻ, tóc đen nhánh, trong tuổi hiền thiện của đời, còn trong tuổi thanh xuân, vị ấy nói lời đúng thời, nói lời chân thực, nói lời có nghĩa, nói lời đúng Pháp, nói lời đúng Luật, nói những lời đáng giữ gìn, lời nói hợp thời cơ, hợp lý, có giới hạn, liên hệ đến mục đích, thời vị ấy được gọi là vị Trưởng lão hiền trí.
Này các Tỷ-kheo, có bốn pháp tác thành Trưởng lão này. Thế nào là bốn?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo có giới, sống chế ngự với sự chế ngự của Giới bổn (Pātimokkha), đầy đủ uy nghi chánh hạnh, thấy sợ hãi trong các lỗi nhỏ nhặt, chấp nhận và học tập trong các học pháp; vị nghe nhiều, thọ trì điều đã nghe, tích tụ điều đã nghe, thuyết những pháp sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có văn, có nghĩa, đề cao Phạm hạnh hoàn toàn viên mãn thanh tịnh và các pháp như vậy, vị ấy nghe nhiều, thọ trì đọc tụng bằng lời, quán sát với ý, thể nhập với chánh kiến; đối với bốn thiền thuộc tăng thượng tâm, hiện tại lạc trú, có được không khó khăn, có được không mệt nhọc, có được không phí sức; do đoạn diệt các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí chứng ngộ, chứng đạt và an trú Vô lậu tâm giải thoát, Tuệ giải thoát. Này các Tỷ-kheo, bốn pháp này tác thành vị Trưởng lão.
Ai với tâm cống cao,
Nói nhiều lời phù phiếm,
Với tư duy không định,
Như thú không ưa pháp,
Xa địa vị Trưởng lão,
Ác kiến, không kính trọng.
Và ai đủ giới hạnh,
Nghe nhiều, trí biện tài,
Sống chế ngự, bậc Trí,
Đối với tất cả pháp,
Vị ấy với trí tuệ,
Quán thấy chơn ý nghĩa,
Đạt cứu cánh các pháp,
Không hoang vu, biện tài,
Đoạn tận sanh và chết,
Viên mãn hành Phạm hạnh.
Vị ấy Ta gọi tên,
Trưởng lão không lậu hoặc,
Do đoạn trừ lậu hoặc,
Được gọi là Trưởng lão.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.