Tam tạng Thánh điển PGVN 04 » Tam tạng Thượng Tọa bộ 04 »
Kinh Tăng Chi Bộ
HT. Thích Minh Châu dịch
Phật giáo nguyên thủy/ Kinh tạng Pali/ Kinh Tăng Chi Bộ/ CHƯƠNG IV BỐN PHÁP (CATUKKANIPĀTA)/I. PHẨM BHAṆḌAGĀMA (BHAṆḌAGĀMAVAGGA)
I. KINH GIÁC NGỘ (Anubuddhasutta)1 (A. II. 1)
1. Như vầy tôi nghe.
Một thời, Thế Tôn trú ở giữa dân chúng Vajjī, tại làng Bhaṇḍa. Tại đấy, Thế Tôn bảo các Tỷ-kheo:
– Này các Tỷ-kheo!
– Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:
– Này các Tỷ-kheo, do không giác ngộ, không thể nhập bốn pháp, như vậy phải chạy dài, luân chuyển trong một thời gian dài, đối với Ta và đối với các ông! Thế nào là bốn?
Này các Tỷ-kheo, do không giác ngộ, không thể nhập Thánh giới, như vậy phải chạy dài, phải luân chuyển trong một thời gian dài, đối với Ta và đối với các ông. Này các Tỷ-kheo, do không giác ngộ, không thể nhập Thánh định... Thánh tuệ... Thánh giải thoát, như vậy phải chạy dài, phải luân chuyển trong một thời gian dài, đối với Ta và đối với các ông.
Này các Tỷ-kheo, khi nào Thánh giới này được giác ngộ, được thể nhập; Thánh định được giác ngộ, được thể nhập; Thánh tuệ được giác ngộ, được thể nhập; Thánh giải thoát được giác ngộ, được thể nhập; hữu ái được chặt đứt, dây cột của hữu2 được đoạn tận, nay không còn tái sanh.
Thế Tôn nói như vậy. Thiện Thệ sau khi nói như vậy xong, bậc Đạo Sư lại nói thêm:
Giới, thiền định, trí tuệ,
Với giải thoát vô thượng,
Gotama danh xưng,
Giác ngộ những pháp này.
Đức Phật thắng tri chúng,
Thuyết pháp cho Tỷ-kheo,
Đạo Sư đoạn tận khổ,
Bậc Tuệ Nhãn tịch tịnh
Tham khảo
1 Tham khảo: A. II. 68; GS. II. 77 (kinh 62 ở sau); D. 16, Mahāparinibbāna Sutta (Kinh Đại Bát-niết-bàn).
2 Bhavanetti là dây cột trói (rajju), cũng như dây cột cổ trâu bò để dắt dẫn đi. Xem D. II. 90, phần Koṭigāma, chính là sự thể nhập Bốn sự thật đưa đến kết quả này.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.