Tam tạng Thánh điển PGVN 04 » Tam tạng Thượng Tọa bộ 04 »
Kinh Tăng Chi Bộ
HT. Thích Minh Châu dịch
Phật giáo nguyên thủy/ Kinh tạng Pali/ Kinh Tăng Chi Bộ/CHƯƠNG III BA PHÁP (TIKANIPĀTA)/ XII. PHẨM RƠI VÀO ĐỌA XỨ (ĀPĀYIKAVAGGA)
X. KINH TOÀN HẢO (Moneyyasutta)174 (A. I. 273)
123. Này các Tỷ-kheo, có ba sự toàn hảo. Thế nào là ba? Toàn hảo về thân, toàn hảo về lời nói, toàn hảo về ý.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là toàn hảo về thân?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là thân toàn hảo.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là toàn hảo về lời nói?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người từ bỏ nói láo, từ bỏ nói hai lưỡi, từ bỏ nói lời độc ác, từ bỏ nói lời phù phiếm. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là lời nói toàn hảo.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là toàn hảo về ý? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ- kheo do đoạn trừ các lậu hoặc ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí chứng ngộ, chứng đạt và an trú Vô lậu tâm giải thoát, Tuệ giải thoát. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là ý toàn hảo.
Này các Tỷ-kheo, các pháp này là ba toàn hảo.
Thân và lời toàn hảo, Tâm toàn hảo, vô lậu, Toàn hảo, được toàn hảo Được gọi đoạn tất cả.
Tham khảo:
174 AA. II. 372: Moneyyānī (toàn hảo) = Munibhāvā (trở nên thánh thiện). Bản tiếng Anh của PTS: Munibhāvā (states of silence of a sage), nghĩa là munibhāvā chỉ cho trạng thái tịch mặc của vị ẩn sĩ (GS. I. 251). Xem thêm D. III. 220.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.