Viện Nghiên Cứu Phật Học

Phật giáo nguyên thủy/ Kinh tạng Pali/ Kinh Tăng Chi Bộ/CHƯƠNG III BA PHÁP (TIKANIPĀTA)/XI. PHẨM CHÁNH GIÁC (SAMBODHAVAGGA)

III.KINH VỊ NGỌT THỨ HAI (Dutiyaassādasutta) (A. I. 260)

106. Này các Tỷ-kheo, nếu không có vị ngọt ở đời, thời các loài hữu tình không có tham nhiễm đối với đời; vì rằng, này các Tỷ-kheo, có vị ngọt ở đời nên các loài hữu tình có tham nhiễm ở đời. Này các Tỷ-kheo, nếu không có nguy hại ở đời, thời các loài hữu tình không có nhàm chán đối với đời; vì rằng, này các Tỷ-kheo, có nguy hại ở đời nên các loài hữu tình có nhàm chán đối với đời. Này các Tỷ-kheo, nếu không có xuất ly ra khỏi đời, thời các loài hữu tình không có xuất ly đối với đời; vì rằng, này các Tỷ-kheo, có xuất ly đối với đời nên các loài hữu tình có xuất ly ra khỏi đời.

Và này các Tỷ-kheo, cho đến khi nào các loài hữu tình chưa như thật giác tri vị ngọt ở đời là vị ngọt, nguy hại là nguy hại, xuất ly là xuất ly, cho đến khi ấy, này các Tỷ-kheo, các loài hữu tình không thể an trú với tâm thoát ly, không có hệ phược, giải thoát, không bị hạn cuộc khỏi thế giới gồm có Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới, cùng với quần chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư thiên và loài người. Và này các Tỷ-kheo, cho đến khi nào các loài hữu tình đã như thật giác tri vị ngọt ở đời là vị ngọt, nguy hại là nguy hại, xuất ly là xuất ly, cho đến khi ấy, này các Tỷ-kheo, các loài hữu tình có thể an trú với tâm thoát ly, không có hệ phược, giải thoát, không bị hạn cuộc khỏi thế giới gồm có Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới, cùng với quần chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư thiên và loài người.

 

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.