Tam tạng Thánh điển PGVN 04 » Tam tạng Thượng Tọa bộ 04 »
Kinh Tăng Chi Bộ
HT. Thích Minh Châu dịch
Phật giáo nguyên thủy/ Kinh tạng Pali/ Kinh Tăng Chi Bộ/ CHƯƠNG III BA PHÁP (TIKANIPĀTA)/ IX. PHẨM SA-MÔN (SAMAṆAVAGGA)
XI. KINH PAṄKADHĀ (Saṅkavāsutta)¹⁴⁰ (A. I. 236)
92. Một thời, Thế Tôn đang du hành giữa dân chúng Kosala cùng với đại chúng Tỷ-kheo, đi đến một thị trấn của dân chúng Kosala tên là Paṅkadhā. Tại đấy, Thế Tôn trú ở Paṅkadhā. Paṅkadhā là một thị trấn của dân chúng Kosala. Lúc bấy giờ, một Tỷ-kheo tên là Kassapagotta trú ở Paṅkadhā. Tại đấy, Thế Tôn với một pháp thoại liên hệ đến học giới, giảng dạy cho các Tỷ-kheo, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ. Rồi Tỷ-kheo Kassapagotta, trong khi Thế Tôn với một pháp thoại liên hệ đến học giới, giảng cho các Tỷ-kheo, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ, lấy làm bất nhẫn, lấy làm bất mãn, nghĩ rằng: “Sa-môn này quá nghiêm khắc, tỉ mỉ!”
Thế Tôn, sau khi trú ở Paṅkadhā cho đến khi thỏa mãn, rồi ra đi, du hành hướng đến Rājagaha, tiếp tục du hành và đến tại Rājagaha. Tại đấy, Thế Tôn trú ở Rājagaha, Gijjhakūṭa.
Rồi Tỷ-kheo Kassapagotta, sau khi Thế Tôn đi không bao lâu, cảm thấy hối hận, ăn năn, nghĩ rằng: “Thật không lợi ích cho ta, thật lợi ích không được tốt cho ta, thật không khéo lợi ích cho ta khi Thế Tôn với pháp thoại liên hệ đến học giới, giảng cho các Tỷ-kheo, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ, ta lại lấy làm bất nhẫn, lấy làm bất mãn, nghĩ rằng: ‘Sa-môn này quá nghiêm khắc, tỉ mỉ!’ Vậy ta hãy đi đến Thế Tôn; sau khi đến, trước mặt Thế Tôn, hãy tỏ lộ có phạm tội là có phạm tội.”
Rồi Tôn giả Kassapagotta, sau khi dọn dẹp lại chỗ nằm, cầm y bát rồi ra đi theo hướng Rājagaha, tiếp tục đi đến Rājagaha, Gijjhakūṭa, đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tỷ-kheo Kassapagotta bạch Thế Tôn:
– Bạch Thế Tôn, một thời, Thế Tôn trú ở Paṅkadhā, Paṅkadhā là một thị trấn của dân chúng Kosala. Tại đấy, Thế Tôn với một pháp thoại liên hệ đến học giới, giảng dạy cho các Tỷ-kheo, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ. Bạch Thế Tôn, trong khi Thế Tôn với một pháp thoại liên hệ đến học giới, giảng dạy cho các Tỷ-kheo, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ, con lấy làm bất nhẫn, con lấy làm bất mãn, nghĩ rằng: “Sa-môn này quá nghiêm khắc, tỉ mỉ!” Rồi Thế Tôn, sau khi trú ở Paṅkadhā cho đến khi thỏa mãn, rồi ra đi, du hành hướng đến Rājagaha. Bạch Thế Tôn, sau khi Thế Tôn đi không bao lâu, con cảm thấy hối hận, ăn năn: “Thật không lợi ích cho ta, thật lợi ích không được tốt cho ta, thật không khéo lợi ích cho ta khi Thế Tôn với pháp thoại liên hệ đến học giới, giảng cho các Tỷ-kheo, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ, ta lại lấy làm bất nhẫn, lấy làm bất mãn, nghĩ rằng: ‘Sa-môn này quá nghiêm khắc, tỉ mỉ!’ Vậy ta hãy đi đến Thế Tôn; sau khi đến, trước mặt Thế Tôn, hãy tỏ lộ có phạm tội là có phạm tội.” Phạm tội đã chinh phục con, bạch Thế Tôn, ngu si như con, đần độn như con, bất thiện như con. Vì rằng trong khi Thế Tôn, với pháp thoại liên hệ đến học giới, giảng dạy cho các Tỷ-kheo, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ, con lấy làm bất nhẫn, con lấy làm bất mãn, nghĩ rằng: “Sa-môn này quá nghiêm khắc, tỉ mỉ!” Bạch Thế Tôn, mong Thế Tôn chấp nhận con có phạm tội là có phạm tội, để con ngăn chặn trong tương lai.
– Thật vậy, này Kassapa, phạm tội đã chinh phục ông, ngu si đần độn như ông, bất thiện như ông. Vì rằng trong khi Ta với pháp thoại liên hệ đến học giới, giảng dạy cho các Tỷ-kheo, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ, ông lại lấy làm bất nhẫn, lấy làm bất mãn, nghĩ rằng: “Vị Sa-môn này quá nghiêm khắc, tỉ mỉ.” Và này Kassapa, khi ông thấy có phạm tội là có phạm tội, và như pháp phát lộ, thời chúng ta chấp nhận cho ông. Đây là sự tăng trưởng giới luật của bậc Thánh này, khi ai thấy có phạm tội là có phạm tội, và như pháp phát lộ, để ngăn chặn trong tương lai.
Nếu một trưởng lão Tỷ-kheo, này Kassapa, không ưa thích học tập, không tán thán chấp hành học tập. Và đối với các Tỷ-kheo không ưa thích học tập, vị này không khích lệ họ học tập; còn đối với các Tỷ-kheo ưa thích học tập, vị này không tán thán họ chân thực và đúng thời. Vị trưởng lão Tỷ-kheo như vậy, này Kassapa, Ta không tán thán. Vì cớ sao? Vì các Tỷ-kheo khác có thể thân cận với trưởng lão ấy, nghĩ rằng: “Bậc Đạo sư tán thán vị ấy.” Và những ai thân cận với vị ấy, họ có thể chấp nhận tri kiến của vị ấy. Và những ai chấp nhận tri kiến của vị ấy sẽ đem lại bất hạnh, đau khổ lâu dài cho họ. Do vậy, này Kassapa, Ta không tán thán vị trưởng lão Tỷ-kheo ấy.
Nếu một trung niên Tỷ-kheo, này Kassapa... Nếu một tân học Tỷ-kheo, này Kassapa, không ưa thích học tập, không tán thán chấp hành học tập. Và đối với các Tỷ-kheo không ưa thích học tập, vị này không khích lệ họ học tập; còn đối với các Tỷ-kheo ưa thích học tập, vị này không tán thán họ chân thực và đúng thời. Vị tân học Tỷ-kheo như vậy, này Kassapa, Ta không tán thán. Vì cớ sao? Vì các Tỷ-kheo khác có thể thân cận với vị tân học Tỷ-kheo ấy, nghĩ rằng: “Bậc Đạo sư tán thán vị ấy.” Và những ai thân cận với vị ấy, họ có thể chấp nhận tri kiến của vị ấy. Và những ai chấp nhận tri kiến của vị ấy sẽ đem lại bất hạnh, đau khổ lâu dài cho họ. Do vậy, này Kassapa, Ta không tán thán vị tân học Tỷ-kheo ấy.
Nếu một trưởng lão Tỷ-kheo, này Kassapa, ưa thích học tập, tán thán chấp hành học tập. Và đối với các Tỷ-kheo không ưa thích học tập, vị này khích lệ họ học tập; còn đối với các Tỷ-kheo ưa thích học tập, vị này tán thán họ chân thực và đúng thời. Vị trưởng lão Tỷ-kheo như vậy, này Kassapa, Ta tán thán. Vì cớ sao? Vì các Tỷ-kheo khác có thể thân cận với vị trưởng lão Tỷ-kheo ấy, nghĩ rằng: “Bậc Đạo sư tán thán vị ấy.” Và những ai thân cận với vị ấy, họ có thể chấp nhận tri kiến của vị ấy. Và những ai chấp nhận tri kiến của vị ấy, như vậy sẽ đem lại hạnh phúc, an lạc lâu dài cho họ. Do vậy, này Kassapa, Ta tán thán vị trưởng lão Tỷ-kheo ấy.
Nếu một trung niên Tỷ-kheo, này Kassapa... Nếu một tân học Tỷ-kheo, này Kassapa, ưa thích học tập, tán thán chấp hành học tập. Và đối với các Tỷ-kheo không ưa thích học tập, vị này khích lệ họ học tập; còn đối với các Tỷ-kheo ưa thích học tập, vị này tán thán họ chân thực và đúng thời. Vị tân học Tỷ-kheo như vậy, này Kassapa, Ta tán thán. Vì cớ sao? Vì các Tỷ-kheo khác có thể thân cận với vị tân học Tỷ-kheo ấy, nghĩ rằng: “Bậc Đạo sư tán thán vị ấy.” Và những ai thân cận với vị ấy, họ có thể chấp nhận tri kiến của vị ấy. Và những ai chấp nhận tri kiến của vị ấy, sẽ đem lại hạnh phúc, an lạc lâu dài cho họ. Do vậy, này Kassapa, Ta tán thán vị tân học Tỷ-kheo ấy.
THAM KHẢO:
¹⁴⁰ Bản Tích Lan, Thái Lan, Campuchia và PTS viết Paṅkadhā. Tham chiếu: Tạp. 雜 (T.02. 0099.830. 0213b05).
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.