Viện Nghiên Cứu Phật Học

Phật giáo nguyên thủy/ Kinh tạng Pali/ Kinh Tăng Chi Bộ/ CHƯƠNG III BA PHÁP (TIKANIPĀTA)/ IX. PHẨM SA-MÔN (SAMAṆAVAGGA)

VII. KINH HỌC PHÁP THỨ HAI (Dutiyasikkhāsutta)¹³³ (A. I. 232)

88. Này các Tỷ-kheo, bản tụng đọc này gồm hơn một trăm năm mươi học giới, cần phải đọc nửa tháng một lần. Ở đây, các thiện nam tử muốn được lợi ích, học tập bản tụng ấy. Này các Tỷ-kheo, tất cả được thâu nhiếp làm thành ba học giới này. Thế nào là ba? Tăng thượng giới học, tăng thượng định học, tăng thượng tuệ học. Chính ba học pháp này, này các Tỷ-kheo, thâu nhiếp tất cả.

Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo đối với các Giới luật, hành trì toàn phần; đối với Định, hành trì một phần; đối với Tuệ, hành trì một phần. Vị ấy có vi phạm học pháp nhỏ nhặt, nhỏ nhiệm nào, vị ấy được xem là thanh tịnh. Vì cớ sao? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Ta không tuyên bố chúng làm cho vị ấy không có khả năng. Phàm có những học giới nào là căn bản Phạm hạnh, là tương xứng Phạm hạnh, ở đây, vị ấy kiên trì giới ấy, kiên trú giới ấy, chấp nhận và học tập trong các học pháp. Vị ấy do đoạn tận ba kiết sử, là bậc tối đa phải sanh lại bảy lần. Sau khi rong ruổi, luân chuyển tối đa bảy lần giữa chư thiên và loài người, liền đoạn tận khổ đau. Vị ấy do đoạn tận ba kiết sử, là bậc Nhập lưu, rong ruổi, lưu chuyển trong hai hay ba gia đình, rồi đoạn tận khổ đau. Vị ấy do đoạn tận ba kiết sử, là bậc Nhất chủng, sau khi phải sanh hiện hữu làm người một lần, rồi đoạn tận khổ đau. Vị ấy do đoạn tận ba kiết sử, làm cho muội lược tham, sân, si, là bậc Nhất lai, phải trở lui lại đời này chỉ một lần, rồi đoạn tận khổ đau.

Nhưng ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo đối với các Giới luật, hành trì toàn phần; đối với Định, hành trì toàn phần; đối với Tuệ, hành trì một phần; vị ấy có vi phạm học pháp nhỏ nhặt, nhỏ nhiệm nào, vị ấy được xem là thanh tịnh. Vì cớ sao? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Ta không tuyên bố chúng làm cho vị ấy không có khả năng. Phàm có những học pháp nào là căn bản Phạm hạnh, là tương xứng Phạm hạnh, ở đây, vị ấy kiên trì giới ấy, kiên trú giới ấy, chấp nhận và học tập trong các học pháp. Vị ấy do đoạn tận năm hạ phần kiết sử, là bậc Thượng lưu đạt được Sắc Cứu Cánh thiên. Vị ấy do đoạn tận năm hạ phần kiết sử, là bậc Hữu hành Bát-niết-bàn133. Vị ấy do đoạn tận năm hạ phần kiết sử, là bậc Vô hành Bát-niết-bàn134. Vị ấy do đoạn tận năm hạ phần kiết sử, là bậc Tổn hại Bát-niết-bàn135. Vị ấy do đoạn tận năm hạ phần kiết sử, là bậc Trung gian Bát-niết-bàn.136

Nhưng ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo đối với các Giới luật, hành trì toàn phần; đối với Định, hành trì toàn phần; đối với Tuệ, hành trì toàn phần. Vị ấy có vi phạm học pháp nhỏ nhặt, nhỏ nhiệm nào, vị ấy được xem là thanh tịnh. Vì cớ sao? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Ta không tuyên bố chúng làm cho vị ấy không có khả năng. Phàm có những học pháp nào là căn bản Phạm hạnh, là tương xứng Phạm hạnh, ở đây, vị ấy kiên trì giới ấy, kiên trú giới ấy, chấp nhận và học tập trong các học pháp. Vị ấy do đoạn tận các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí chứng ngộ, chứng đạt và an trú Vô lậu tâm giải thoát, Tuệ giải thoát.

Như vậy, này các Tỷ-kheo, người hành trì một phần, thành tựu được một phần; người hành trì toàn phần, thành tựu được toàn phần. Ta tuyên bố rằng, này các Tỷ-kheo, các học giới không phải là rỗng không.

 

THAM KHẢO:

133 Tham chiếu: Tạp. 雜 (T.02. 0099.820. 0210b19).

134 Nên viết Vô hành Bát-niết-bàn trước rồi đến Hữu hành Bát-niết-bàn. 

135 Upahaccaparinibbāyī. Chú giải viết sau 500 kiếp.

136 Antarāparinibbāyī: Vị này là vị Bất lai, chấm dứt sự tái sanh của mình ở Phạm thiên giới.                                                                                                                                        

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.