Tam tạng Thánh điển PGVN 04 » Tam tạng Thượng Tọa bộ 04 »
Kinh Tăng Chi Bộ
HT. Thích Minh Châu dịch
Phật giáo nguyên thủy/ Kinh tạng Pali/ Kinh Tăng Chi Bộ/ CHƯƠNG III BA PHÁP (TIKANIPĀTA)/ VIII. PHẨM ĀNANDA (ĀNANDAVAGGA)
III. KINH MAHĀNĀMA DÒNG HỌ THÍCH (Mahānāmasakkasutta)116 (A. I. 219)
74. Một thời, Thế Tôn trú giữa dân chúng Sakka (Thích tử), tại Kapilavatthu, ở khu vườn Nigrodha. Lúc bấy giờ, Thế Tôn mới khỏi bệnh không bao lâu. Rồi Mahānāma dòng họ Thích đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Mahānāma dòng họ Thích bạch Thế Tôn:
– Đã lâu ngày, bạch Thế Tôn, con biết pháp đã được dạy như sau: “Trí đến với người định tĩnh, không đến với người không định tĩnh.” Bạch Thế Tôn, định đến trước rồi trí đến sau? Hay trí đến trước rồi định đến sau?
Rồi Tôn giả Ānanda suy nghĩ như sau: “Thế Tôn mới khỏi bệnh không bao lâu. Mahānāma dòng họ Thích này hỏi một câu rất thâm sâu. Vậy ta hãy đưa Mahānāma dòng họ Thích qua một bên và thuyết pháp cho Mahānāma.”
Rồi Tôn giả Ānanda cầm tay Mahānāma dòng họ Thích, kéo qua một bên rồi nói với Mahānāma dòng họ Thích:
– Giới của bậc Hữu học, này Mahānāma, được Thế Tôn nói đến, và giới của bậc Vô học cũng được Thế Tôn nói đến; định của bậc Hữu học được Thế Tôn nói đến, định của bậc Vô học cũng được Thế Tôn nói đến; tuệ của bậc Hữu học được Thế Tôn nói đến; tuệ của bậc Vô học cũng được Thế Tôn nói đến.
Và này Mahānāma, thế nào là giới của bậc Hữu học?
Ở đây, này Mahānāma, vị Tỷ-kheo giữ giới, sống hộ trì với sự hộ trì của Giới bổn (Pātimokkha), đầy đủ uy nghi chánh hạnh, thấy sợ hãi trong những lỗi nhỏ nhặt, chấp nhận và học tập các học giới. Này Mahānāma, đây là giới của bậc Hữu học.
Và này Mahānāma, thế nào là định của bậc Hữu học?
Ở đây, này Mahānāma, ly dục, ly bất thiện pháp, vị Tỷ-kheo chứng đạt và an trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, với tầm với tứ. Làm cho tịnh chỉ tầm và tứ, vị ấy chứng đạt và an trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm không tứ, nội tĩnh nhất tâm. Ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, vị ấy chứng đạt và an trú Thiền thứ ba. Xả lạc xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, vị ấy chứng đạt và an trú Thiền thứ tư, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh. Này Mahānāma, đây là định của bậc Hữu học.
Và này Mahānāma, thế nào là trí tuệ của bậc Hữu học?
Ở đây, này Mahānāma, vị Tỷ-kheo như thật quán tri: “Đây là khổ,” như thật quán tri: “Đây là nguyên nhân của khổ,” như thật quán tri: “Đây là khổ diệt,” như thật quán tri: “Đây là con đường đưa đến khổ diệt.” Này Mahānāma, đây gọi là trí tuệ của bậc Hữu học. Vị Thánh đệ tử như vậy đầy đủ giới, như vậy đầy đủ định, như vậy đầy đủ tuệ; do đoạn tận các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí chứng ngộ, chứng đạt và an trú Vô lậu tâm giải thoát, Tuệ giải thoát. Như vậy, này Mahānāma, là giới bậc Hữu học được Thế Tôn thuyết, là giới bậc Vô học được Thế Tôn thuyết; là định bậc Hữu học được Thế Tôn thuyết, là định bậc Vô học được Thế Tôn thuyết; là tuệ bậc Hữu học được Thế Tôn thuyết, là tuệ bậc Vô học được Thế Tôn thuyết.
THAM KHẢO:
116 Bản tiếng Anh của PTS: The Sakya, nghĩa là Người họ Thích. Tham chiếu: Tạp. 雜 (T.02. 0099.934. 0238c29); Biệt Tạp. 別雜 (T.02. 0100.158. 0433c02).
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.