Viện Nghiên Cứu Phật Học

Phật giáo nguyên thủy/ Kinh tạng Pali/ Kinh Tăng Chi Bộ/CHƯƠNG III BA PHÁP (TIKANIPĀTA)/VII. PHẨM LỚN (MAHĀVAGGA)

VIII. KINH DU SĨ NGOẠI ĐẠO (Aññatitthiyasutta)93 (A. I. 199) 

          69. – Này các Tỷ-kheo, nếu các du sĩ ngoại đạo hỏi như sau: “Có ba pháp này, này các Hiền giả. Thế nào là ba? Tham, sân, si. Những pháp này, này các Hiền giả, là ba pháp. Trong ba pháp này, này các Hiền giả, thế nào là đặc thù, thế nào là thù thắng,94 thế nào là khác biệt?” Được hỏi vậy, này các Tỷ-kheo, các ông trả lời như thế nào với các du sĩ ngoại đạo ấy? 

          – Đối với chúng con, bạch Thế Tôn, các pháp lấy Thế Tôn làm căn bản, lấy Thế Tôn làm lãnh đạo, lấy Thế Tôn làm nương tựa. Lành thay! Bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn thuyết ý nghĩa lời nói này cho chúng con. Sau khi nghe Thế Tôn thuyết, các Tỷ-kheo sẽ thọ trì. 

          – Vậy này các Tỷ-kheo, hãy nghe và khéo tác ý, Ta sẽ giảng.

          – Thưa vâng, bạch Thế Tôn. Các vị Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau: 

          – Này các Tỷ-kheo, nếu các du sĩ ngoại đạo hỏi như sau: “Có ba pháp này, này các Hiền giả. Thế nào là ba? Tham, sân, si. Những pháp này, này các Hiền giả, là ba pháp. Trong ba pháp này, này các Hiền giả, thế nào là đặc thù, thế nào là thù thắng, thế nào là khác biệt?” Được hỏi vậy, này các Tỷ-kheo, các ông cần phải trả lời cho các du sĩ ngoại đạo ấy như sau: “Tham, thưa các Hiền giả, là tội nhỏ,95 nhưng ly tham là chậm chạp. Sân là tội lớn, nhưng ly sân là mau chóng. Si là tội lớn, và ly si là chậm chạp.” 

          “Do nhân gì, này các Hiền giả, do duyên gì tham chưa sanh được sanh khởi, và tham đã sanh đưa đến tăng trưởng, quảng đại?” 

          Cần phải trả lời là “tịnh tướng”. “Với ai không như lý tác ý tịnh tướng, thời tham chưa sanh được sanh khởi, và tham đã sanh được tăng trưởng, quảng đại. Đây là nhân, này các Hiền giả, đây là duyên khiến tham chưa sanh được sanh khởi, và tham đã sanh được tăng trưởng, quảng đại.”

          “Do nhân gì, này các Hiền giả, do duyên gì sân chưa sanh được sanh khởi, và sân đã sanh được tăng trưởng, quảng đại?”

          Cần phải trả lời là “chướng ngại tướng”. “Với ai không như lý tác ý chướng ngại tướng, thời sân chưa sanh được sanh khởi, và sân đã sanh được tăng trưởng, quảng đại. Đây là nhân, này các Hiền giả, đây là duyên khiến sân chưa sanh được sanh khởi, và sân đã sanh được tăng trưởng, quảng đại.”

          “Do nhân gì, này các Hiền giả, do duyên gì si chưa sanh được sanh khởi, và si đã sanh được tăng trưởng, quảng đại?”

          Cần phải trả lời là “không như lý tác ý”. “Với ai không như lý tác ý, thời si chưa sanh được sanh khởi, và si đã sanh được tăng trưởng, quảng đại. Đây là nhân, này các Hiền giả, đây là duyên khiến si chưa sanh được sanh khởi, và si đã sanh được tăng trưởng, quảng đại.”

          “Do nhân gì, này các Hiền giả, do duyên gì tham chưa sanh không sanh khởi, và tham đã sanh được đoạn tận?”

          Cần phải trả lời là “bất tịnh tướng”. “Với ai như lý tác ý bất tịnh tướng, thời tham chưa sanh không sanh khởi, và tham đã sanh được đoạn tận. Đây là nhân, này các Hiền giả, đây là duyên khiến tham chưa sanh không sanh khởi, và tham đã sanh được đoạn tận.”

          “Do nhân gì, này các Hiền giả, do duyên gì sân chưa sanh không sanh khởi, và sân đã sanh được đoạn tận?”

          Cần phải trả lời là “từ tâm giải thoát”. “Với ai như lý tác ý từ tâm giải thoát, thời sân chưa sanh không sanh khởi, và sân đã sanh được đoạn tận. Đây là nhân, này các Hiền giả, đây là duyên khiến sân chưa sanh không sanh khởi, và sân đã sanh được đoạn tận.”

          “Do nhân gì, này các Hiền giả, do duyên gì si chưa sanh không sanh khởi, và si đã sanh được đoạn tận?”

          Cần phải trả lời là “như lý tác ý”. “Với ai như lý tác ý, thời si chưa sanh không sanh khởi, và si đã sanh được đoạn tận. Đây là nhân, này các Hiền giả, đây là duyên khiến si chưa sanh không sanh khởi, và si đã sanh được đoạn tận.”

Tham khảo:

93 Tham chiếu: Tăng. 增 (T.02. 0125.21.7. 0604a28); Thất xứ tam quán kinh 七處三觀經 (T.02. 0150A.45. 0882a11). 

94 Xem A. I. 267; S. III. 66. 

95 Xem A. III. 416.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.