Viện Nghiên Cứu Phật Học

Phật giáo nguyên thủy/ Kinh tạng Pali/ Kinh Tăng Chi Bộ/CHƯƠNG III BA PHÁP (TIKANIPĀTA)/VII. PHẨM LỚN (MAHĀVAGGA)

VI. KINH SĀḶHA (Sāḷhasutta) (A. I. 193)

          67. Như vầy tôi nghe.

          Một thời, Tôn giả Nandaka trú ở Sāvatthi, tại Đông Viên, nơi lâu đài của mẹ Migāra.

          Rồi Sāḷha, cháu trai của Migāra, và Rohaṇa, cháu trai của Pekhuṇiya, đi đến Tôn giả Nandaka; sau khi đến, đảnh lễ Tôn giả Nandaka rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Nandaka nói với Sāḷha, cháu trai của Migāra như sau:

          – Hãy đến, này các Sāḷha, chớ có tin vì nghe báo cáo; chớ có tin vì nghe truyền thuyết; chớ có tin vì theo truyền thống; chớ có tin vì được kinh điển truyền tụng; chớ có tin vì lý luận suy diễn; chớ có tin vì diễn giải tương tự; chớ có tin vì đánh giá hời hợt những dữ kiện; chớ có tin vì phù hợp với định kiến; chớ có tin vì phát xuất từ nơi có uy quyền; chớ có tin vì vị Sa-môn là bậc Đạo sư của mình. Nhưng này các Sāḷha, khi nào tự mình rõ biết như sau: “Các pháp này là bất thiện; các pháp này là có tội; các pháp này bị người trí quở trách; các pháp này nếu được thực hành và chấp nhận, đưa lại bất hạnh và đau khổ”; thời này các Sāḷha, các ông cần phải từ bỏ chúng.

          Này các Sāḷha, các ông nghĩ thế nào, có tham hay không?

          – Thưa có, bạch Tôn giả.

          – Tham, này các Sāḷha, ta nói nghĩa này là vậy. Này các Sāḷha, người có tham này bị tham chinh phục, giết các sinh vật, lấy của không cho, đi đến vợ người, nói láo và cũng khích lệ người khác làm như vậy, như thế có làm người ấy bất hạnh, đau khổ lâu dài hay không?

          – Thưa có, bạch Tôn giả.

          – Các ông nghĩ thế nào, này các Sāḷha, có sân hay không?

          – Thưa có, bạch Tôn giả.

          – Sân, này các Sāḷha, ta nói nghĩa này là vậy. Này các Sāḷha, người có sân này bị sân chinh phục, giết các sinh vật, lấy của không cho, đi đến vợ người, nói láo và cũng khích lệ người khác làm như vậy, như thế có làm người ấy bất hạnh, đau khổ lâu dài hay không?

          – Thưa có, bạch Tôn giả.

          – Này các Sāḷha, các ông nghĩ thế nào, có si hay không?

          – Thưa có, bạch Tôn giả.

          – Si, này các Sāḷha, ta nói nghĩa này là vậy. Này các Sāḷha, người có si này bị si chinh phục, giết các sinh vật, lấy của không cho, đi đến vợ người, nói láo và cũng khích lệ người khác làm như vậy, như thế có làm người ấy bất hạnh, đau khổ lâu dài hay không?

          – Thưa có, bạch Tôn giả.

          – Các ông nghĩ thế nào, này các Sāḷha, các pháp này là thiện hay bất thiện?

          – Là bất thiện, bạch Tôn giả.

          – Các pháp này là có tội hay không có tội?

          – Có tội, bạch Tôn giả.

          – Bị người có trí quở trách hay được người có trí tán thán?

          – Bị người có trí quở trách, bạch Tôn giả.

          – Nếu được thực hiện, được chấp thuận, chúng có đưa lại bất hạnh, đau khổ không? Hay ở đây là thế nào?

          – Nếu được thực hiện, được chấp thuận, thưa Tôn giả, chúng đưa lại bất hạnh, đau khổ. Ở đây đối với chúng con là như vậy.

          – Như vậy, này các Sāḷha, điều ta vừa nói với các ông: “Chớ có tin vì nghe báo cáo; chớ có tin vì nghe truyền thuyết; chớ có tin vì theo truyền thống; chớ có tin vì được kinh điển truyền tụng; chớ có tin vì lý luận suy diễn; chớ có tin vì diễn giải tương tự; chớ có tin vì đánh giá hời hợt những dữ kiện; chớ có tin vì phù hợp với định kiến; chớ có tin vì phát xuất từ nơi có uy quyền; chớ có tin vì vị Sa-môn là bậc Đạo sư của mình. Này các Sāḷha, khi nào tự mình biết như sau: ‘Các pháp này là bất thiện; các pháp này là có tội; các pháp này bị người có trí quở trách; các pháp này nếu được thực hiện và chấp nhận, đưa lại bất hạnh và đau khổ’; thời này các Sāḷha, hãy từ bỏ chúng!” Điều đã được nói đến, chính do duyên này được nói đến.

          Như vậy, này các Sāḷha, chớ có tin vì nghe báo cáo... chớ có tin vì vị Sa-môn là bậc Đạo sư của mình. Nhưng này các Sāḷha, khi nào tự mình rõ biết như sau: “Các pháp này là thiện; các pháp này là không có tội; các pháp này không bị người có trí quở trách; các pháp này nếu được thực hiện và chấp nhận, đưa đến hạnh phúc, an lạc”; thời này các Sāḷha, hãy chứng đạt và an trú!

          Các ông nghĩ như thế nào, này các Sāḷha, không tham khi khởi lên trong nội tâm của người nào, khởi lên như vậy là đưa lại hạnh phúc hay bất hạnh cho người ấy?

          – Hạnh phúc, bạch Tôn giả.

          – Người này không tham, này các Sāḷha, không bị tham chinh phục, tâm không bị xâm chiếm, không giết các sinh vật, không lấy của không cho, không đi đến vợ người, không nói láo và cũng không khích lệ người khác làm như vậy, như thế có làm cho người ấy được hạnh phúc, an lạc lâu dài hay không?

          – Thưa có, bạch Tôn giả.

          – Các ông nghĩ như thế nào, này các Sāḷha, không sân khi khởi lên trong nội tâm của người nào, khởi lên như vậy là đưa lại hạnh phúc hay bất hạnh cho người ấy?

          – Hạnh phúc, bạch Tôn giả.

          – Người này không sân, này các Sāḷha, không bị sân chinh phục, tâm không bị xâm chiếm, không giết các sinh vật... cũng không khích lệ người khác làm như vậy, như thế có làm cho người ấy được hạnh phúc, an lạc lâu dài hay không?

          – Thưa có, bạch Tôn giả.

          – Các ông nghĩ như thế nào, này các Sāḷha, không si khi khởi lên trong nội tâm của người nào, khởi lên như vậy là đưa lại hạnh phúc hay bất hạnh cho người ấy?

          – Hạnh phúc, bạch Tôn giả.

          – Người này không si, này các Sāḷha, không bị si chinh phục, tâm không bị xâm chiếm, không giết các sinh vật, không lấy của không cho, không đi đến vợ người, không nói láo và cũng không khích lệ người khác làm như vậy, như thế có làm cho người ấy được hạnh phúc, an lạc lâu dài hay không?

          – Thưa có, bạch Tôn giả.

          – Các ông nghĩ thế nào, này các Sāḷha. Các pháp này là thiện hay bất thiện?

          – Là thiện, bạch Tôn giả.

          – Các pháp này là có tội hay không có tội?

          – Không có tội, bạch Tôn giả.

          – Bị người có trí quở trách hay được người có trí tán thán?

          – Được người có trí tán thán, bạch Tôn giả.

          – Nếu được thực hiện, được chấp nhận, chúng có đưa đến hạnh phúc, an lạc không? Hay ở đây là như thế nào?

          – Nếu được thực hiện, được chấp nhận, bạch Tôn giả, chúng đưa đến hạnh phúc, an lạc. Ở đây đối với chúng con là như vậy.

          – Như vậy, này các Sāḷha, điều ta vừa nói với các ông: “Chớ có tin vì nghe báo cáo; chớ có tin vì nghe truyền thuyết; chớ có tin vì theo truyền thống; chớ có tin vì được kinh điển truyền tụng; chớ có tin vì lý luận suy diễn; chớ có tin vì diễn giải tương tự; chớ có tin vì đánh giá hời hợt những dữ kiện; chớ có tin vì phù hợp với định kiến; chớ có tin vì phát xuất từ nơi có uy quyền; chớ có tin vì vị Sa-môn là bậc Đạo sư của mình. Nhưng này các Sāḷha, khi nào tự mình rõ biết như sau: ‘Các pháp này là thiện; các pháp này không có tội; các pháp này được người có trí tán thán; các pháp này nếu được thực hiện, được chấp nhận, đưa lại hạnh phúc, an lạc’; thời này các Sāḷha, hãy chứng đạt và an trú!” Điều đã được nói đến, chính do duyên này được nói đến.

          Này các Sāḷha, vị Thánh đệ tử nào ly tham, ly sân, ly si như vậy, tỉnh giác, chánh niệm, với tâm câu hữu với từ... với tâm câu hữu với bi... với tâm câu hữu với hỷ... với tâm câu hữu với xả, biến mãn một phương, cũng vậy phương thứ hai, cũng vậy phương thứ ba, cũng vậy phương thứ tư. Như vậy cùng khắp thế giới, trên, dưới, bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới, vị ấy an trú, biến mãn với tâm câu hữu với xả, quảng đại, đại hành, vô biên, không hận, không sân. Vị ấy rõ biết như sau: “Có trạng thái này, có trạng thái hạ liệt, có trạng thái thù thắng, có xuất ly ra khỏi tưởng giới này.” Do vị ấy biết như vậy, thấy như vậy, tâm được giải thoát khỏi dục lậu, tâm được giải thoát khỏi hữu lậu, tâm được giải thoát khỏi vô minh lậu. Trong sự giải thoát, trí khởi lên: “Ta đã được giải thoát.” Vị ấy rõ biết: “Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, các việc nên làm đã làm, không còn trở lại đời này nữa.”

          Vị ấy rõ biết như sau: “Trước ta có tham, tham ấy là bất thiện; nay ta không có nữa, như vậy là thiện. Trước ta có sân, sân ấy là bất thiện; nay ta không có nữa, như vậy là thiện. Trước ta có si, si ấy là bất thiện; nay ta không có nữa, như vậy là thiện.” Như vậy, ngay trong đời sống hiện tại, vị ấy được giải thoát khỏi hy cầu, được tịch tịnh, được thanh lương, cảm thấy an lạc, tự mình an trú trong Phạm tánh.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.