Viện Nghiên Cứu Phật Học

Phật giáo nguyên thủy/ Kinh tạng Pali/ Kinh Tăng Chi Bộ/CHƯƠNG III BA PHÁP (TIKANIPĀTA)/VII. PHẨM LỚN (MAHĀVAGGA)

III. KINH VENĀGAPURA (Venāgapurasutta) (A. I. 180)

          64. Một thời, Thế Tôn đang đi du hành giữa dân chúng Kosala cùng với đại chúng Tỷ-kheo, đến một làng Bà-la-môn Kosala tên là Venāgapura. Các gia chủ Bà-la-môn ở Venāgapura được nghe: “Sa-môn Gotama, dòng họ Thích-ca, xuất gia từ gia tộc Thích-ca, đã đến Venāgapura. Tiếng đồn tốt đẹp sau đây được truyền đi về Thế Tôn Gotama: ‘Đây là Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật, Thế Tôn. Ngài với thắng trí, tự thân chứng ngộ và tuyên bố về thế giới này, cùng với Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới, cùng với chúng Sa-môn, Bà-la-môn, các loài trời, loài người. Ngài thuyết pháp sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có văn, có nghĩa, và giới thiệu đời sống Phạm hạnh hoàn toàn đầy đủ trong sạch.’ Tốt đẹp thay được chiêm ngưỡng một vị A-la-hán như vậy!”

          Rồi các Bà-la-môn gia chủ ở Venāgapura đi đến Thế Tôn; sau khi đến, có người đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên; có người nói lên với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm rồi ngồi xuống một bên; có người chắp tay vái chào Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên; có người xưng tên và dòng họ rồi ngồi xuống một bên; có người im lặng rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Bà-la-môn Vacchagotta, người xứ Venāgapura, bạch Thế Tôn:

          – Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Thật hy hữu thay, Tôn giả Gotama! Các căn của Tôn giả Gotama thật trong sáng, màu da thật thanh tịnh, chói sáng. Ví như, thưa Tôn giả Gotama, trái táo vàng vào mùa thu, được thanh tịnh, chói sáng; cũng vậy, các căn của Tôn giả Gotama thật trong sáng, màu da thật thanh tịnh, chói sáng. Ví như, thưa Tôn giả Gotama, trái cây Sāla chín vừa rời khỏi cành, thanh tịnh, chói sáng; cũng vậy, các căn của Tôn giả Gotama thật trong sáng, màu da thật thanh tịnh, chói sáng. Ví như, thưa Tôn giả Gotama, một đồ trang sức bằng vàng đỏ, được người thợ vàng thiện xảo khéo luyện trong lò (ukkāmukhe), khéo đập và đặt trên tấm vải vàng, được chiếu sáng, chói sáng, rực sáng; cũng vậy, các căn của Tôn giả Gotama thật trong sáng, màu da thật thanh tịnh, chói sáng.

          Thưa Tôn giả Gotama, còn các giường cao và lớn như ghế bành,85 ghế dài, nệm trải giường bằng lông cừu, vải trải giường nhiều tấm, nhiều màu, chăn len trắng, chăn len thêu bông, nệm bông, thảm thêu hình các con thú, mền bằng lông thú cả hai phía, mền bằng lông thú một phía, mền có đính ngọc, mền bằng lụa, tấm thảm lớn có thể chứa mười sáu người múa, nệm voi, nệm ngựa, nệm xe, nệm bằng da sơn dương khâu lại với nhau, nệm bằng da con sơn dương gọi là kadali, tấm thảm có lọng che phía trên, ghế dài có hai đầu gối chân màu đỏ; các loại giường cao và giường lớn như vậy, chắc Tôn giả Gotama có được không khó khăn, có được không mệt nhọc, có được không phí sức?

          – Này Bà-la-môn, các giường cao và lớn ấy, như ghế bành... có hai đầu gối chân màu đỏ, thật rất khó được các vật ấy. Và nếu có được cũng không thích hợp với những người xuất gia.

          Này Bà-la-môn, có ba loại giường cao và giường lớn này, nay Ta có được không khó khăn, có được không mệt nhọc, có được không phí sức. Thế nào là ba?

Giường cao, giường lớn chư thiên; giường cao, giường lớn Phạm thiên; giường cao, giường lớn bậc Thánh. Ba giường cao, giường lớn này, này Bà- la-môn, Ta có được không khó khăn, có được không mệt nhọc, có được không phí sức.

          – Và thưa Tôn giả Gotama, thế nào là giường cao, giường lớn chư thiên mà Tôn giả Gotama có được không khó khăn, có được không mệt nhọc, có được không phí sức?

          – Ở đây, này Bà-la-môn, Ta sống gần một làng hay một thị trấn. Buổi sáng, Ta đắp y, cầm y bát đi vào làng ấy hay vào thị trấn ấy để khất thực. Sau khi ăn xong, trên con đường đi khất thực trở về, Ta đi đến góc cuối của khu rừng. Ở tại đấy, Ta lượm cỏ hay lá chất thành một đống, rồi Ta ngồi kiết-già, lưng thẳng, để niệm trước mặt. Ly dục, ly pháp bất thiện, Ta chứng đạt và an trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm có tứ. Làm cho tịnh chỉ tầm và tứ, Ta chứng đạt và an trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm không tứ, nội tĩnh nhất tâm. Ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, Ta chứng đạt và an trú Thiền thứ ba. Đoạn lạc và đoạn khổ, chấm dứt hỷ ưu đã cảm thọ trước, Ta chứng đạt và an trú Thiền thứ tư, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh.

          Này Bà-la-môn, trong trạng thái như vậy, nếu Ta đi kinh hành, thời trong lúc ấy, chỗ kinh hành của Ta thuộc chư thiên. Này Bà-la-môn, trong trạng thái như vậy, nếu Ta đứng, thời trong lúc ấy, chỗ đứng của Ta thuộc chư thiên. Này Bà-la-môn, trong trạng thái như vậy, nếu Ta ngồi, thời trong lúc ấy, chỗ ngồi của Ta thuộc chư thiên. Này Bà-la-môn, trong trạng thái như vậy, nếu Ta nằm, thời trong lúc ấy giường cao và giường lớn của Ta thuộc chư thiên. Này Bà-lamôn, đây là giường cao, giường lớn thuộc chư thiên mà Ta có được không khó khăn, có được không mệt nhọc, có được không phí sức.

          – Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Thật hy hữu thay, Tôn giả Gotama! Có ai khác ngoài Tôn giả Gotama có thể có được giường cao, giường lớn chư thiên như vậy, có được không khó khăn, có được không mệt nhọc, có được không phí sức. Thế nào, thưa Tôn giả Gotama, là giường cao, giường lớn Phạm thiên mà Tôn giả Gotama có được không khó khăn, có được không mệt nhọc, có được không phí sức?

          – Ở đây, này Bà-la-môn, Ta sống gần một làng hay một thị trấn. Buổi sáng, Ta đắp y, cầm y bát đi vào làng ấy hay thị trấn ấy để khất thực. Sau khi ăn xong, trên con đường đi khất thực trở về, Ta đi đến góc cuối của khu rừng. Ở tại đấy, Ta lượm cỏ hay lá chất thành một đống, rồi Ta ngồi kiết-già, lưng thẳng, để niệm trước mặt. Ta an trú, biến mãn một phương với tâm câu hữu với từ, cũng vậy phương thứ hai, cũng vậy phương thứ ba, cũng vậy phương thứ tư. Như vậy cùng khắp thế giới, trên, dưới, bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới, Ta an trú, biến mãn với tâm câu hữu với từ, quảng đại, đại hành, vô biên, không hận, không sân. ... với tâm câu hữu với bi... với tâm câu hữu với hỷ... với tâm câu hữu với xả, cũng vậy phương thứ hai... quảng đại, đại hành, vô biên, không hận, không sân.

          Này Bà-la-môn, trong trạng thái như vậy, nếu Ta đi kinh hành, thời trong lúc ấy, chỗ kinh hành của Ta thuộc Phạm thiên. Này Bà-la-môn, trong trạng thái như vậy, nếu Ta đứng, thời trong lúc ấy, chỗ đứng của Ta thuộc Phạm thiên. Này Bà-la-môn, trong trạng thái như vậy, nếu Ta ngồi, thời trong lúc ấy, chỗ ngồi của Ta thuộc Phạm thiên. Này Bà-la-môn, trong trạng thái như vậy, nếu Ta nằm, thời trong lúc ấy, các giường cao, giường lớn của Ta thuộc Phạm thiên. Này Bà- la-môn, đây là giường cao, giường lớn thuộc Phạm thiên mà Ta có được không khó khăn, có được không mệt nhọc, có được không phí sức.

          – Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Thật hy hữu thay, Tôn giả Gotama! Có ai khác ngoài Tôn giả Gotama có thể có được giường cao, giường lớn Phạm thiên như vậy, có được không khó khăn, có được không mệt nhọc, có được không phí sức. Thế nào, thưa Tôn giả Gotama, là giường cao, giường lớn bậc Thánh mà Tôn giả Gotama có được không khó khăn, có được không mệt nhọc, có được không phí sức?

          – Ở đây, này Bà-la-môn, Ta sống gần một làng hay một thị trấn. Buổi sáng, Ta đắp y, cầm y bát đi vào làng ấy hay thị trấn ấy để khất thực. Sau khi ăn xong, trên con đường đi khất thực trở về, Ta đi đến góc cuối của khu rừng. Ở tại đấy, Ta lượm cỏ hay lá chất thành một đống, rồi Ta ngồi kiết-già, lưng thẳng, để niệm trước mặt. Ta rõ biết như sau: “Tham ái đã được Ta đoạn tận, chặt đứt từ gốc rễ, làm cho như thân cây Sāla, làm cho không thể hiện hữu, không thể sanh khởi trong tương lai. Sân đã được Ta đoạn tận, chặt đứt từ gốc rễ, làm cho như thân cây Sāla, làm cho không thể hiện hữu, không thể sanh khởi trong tương lai. Si đã được Ta đoạn tận, chặt đứt từ gốc rễ, làm cho như thân cây Sāla, làm cho không thể hiện hữu, làm cho không thể sanh khởi trong tương lai.”

          Này Bà-la-môn, trong trạng thái như vậy, nếu Ta đi kinh hành, thời trong lúc ấy, chỗ kinh hành của Ta thuộc bậc Thánh. Này Bà-la-môn, trong trạng thái như vậy, nếu Ta đứng, thời trong lúc ấy, chỗ đứng của Ta thuộc bậc Thánh. Này Bà-la-môn, trong trạng thái như vậy, nếu Ta ngồi, thời trong lúc ấy, chỗ ngồi của Ta thuộc bậc Thánh. Này Bà-la-môn, trong trạng thái như vậy, nếu Ta nằm, thời trong lúc ấy, các giường cao, giường lớn của Ta thuộc bậc Thánh. Này Bà-la-môn, đây là giường cao, giường lớn thuộc bậc Thánh mà Ta có được không khó khăn, có được không mệt nhọc, có được không phí sức.

          – Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Thật hy hữu thay, Tôn giả Gotama! Có ai khác ngoài Tôn giả Gotama có thể có được giường cao, giường lớn bậc Thánh như vậy, có được không khó khăn, có được không mệt nhọc, có được không phí sức.

          Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Thật hy hữu thay, thưa Tôn giả Gotama! Như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho kẻ bị lạc hướng, hay cầm đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc; cũng vậy, pháp được Tôn giả Gotama dùng nhiều phương tiện trình bày, giải thích. Con nay xin quy y Tôn giả Gotama, quy y Pháp, quy y chúng Tỷ-kheo. Mong Tôn giả Gotama nhận con làm đệ tử cư sĩ, từ nay cho đến mệnh chung, con trọn đời quy ngưỡng.

Tham khảo:

85 AA. II. 293: Tattha āsandīti. Pallaṅkoti pādesu vāḷarūpāni ṭhapetvā kato. Gonakoti dīghalomako mahākojavo (Ở đây, trường kỷ (āsandīti) là loại ghế dài quá khổ. Loại ghế chạm khắc hình thú (pallaṅko) nghĩa là loại có chạm khắc hình thú nơi chân ghế. Nệm trải giường bằng lông cừu (gonako) nghĩa là tấm trải lớn, đẹp, bằng lông cừu dài). Xem D. I. 7.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.