Viện Nghiên Cứu Phật Học

Phật giáo nguyên thủy/ Kinh tạng Pali/ Kinh Tăng Chi Bộ/CHƯƠNG III BA PHÁP (TIKANIPĀTA)/V. PHẨM NHỎ (CŪḶAVAGGA)

XI. KINH KẺ CƯỚP LỚN (Mahācorasutta) (A. I. 153) 

          51. Do đầy đủ ba điều kiện, này các Tỷ-kheo, một tên cướp lớn có thể chặt được khóa cửa, mang đi được đồ ăn trộm, làm kẻ cướp một nhà, làm kẻ đứng đường chặn cướp.63 Thế nào là ba? 

          Ở đây, này các Tỷ-kheo, tên cướp lớn dựa vào sự quanh co hiểm trở (visama), dựa vào rừng rậm, dựa vào kẻ có quyền lực. 

          Và thế nào, này các Tỷ-kheo, là tên cướp lớn dựa vào sự quanh co hiểm trở? Ở đây, này các Tỷ-kheo, tên cướp lớn dựa vào con sông khó lội qua hay sự quanh co hiểm trở của núi non. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là tên cướp lớn dựa vào sự quanh co hiểm trở. 

          Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tên cướp lớn dựa vào rừng rậm? Ở đây, này các Tỷ-kheo, tên cướp lớn dựa vào rừng rậm cỏ, hay rừng rậm cây, hay khóm rừng, hay đám rừng rậm lớn. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là tên cướp lớn dựa vào rừng rậm. 

          Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tên cướp lớn dựa vào kẻ có quyền lực? Ở đây, này các Tỷ-kheo, tên cướp lớn dựa vào vua hay các vị đại thần của vua và nghĩ như sau: “Nếu có ai kết tội ta, các vua ấy hay các vị đại thần của vua ấy sẽ giải thích, cứu thoát ta.” Và thực sự là như vậy. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là tên cướp lớn dựa vào kẻ có quyền lực.

          Do đầy đủ ba điều kiện này, này các Tỷ-kheo, một tên cướp lớn có thể chặt được khóa cửa, mang đi được đồ ăn trộm, làm kẻ cướp một nhà, làm kẻ đứng đường chặn cướp.

          Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, vị ác Tỷ-kheo đầy đủ ba pháp, tự mình xử sự như một kẻ mất gốc, bị thương tích, phạm tội, bị người trí quở trách và tạo nên nhiều điều vô phước. Thế nào là ba?

          Ở đây, này các Tỷ-kheo, ác Tỷ-kheo dựa vào sự quanh co hiểm trở, dựa vào rừng rậm và dựa vào kẻ có quyền lực.

          Và này các Tỷ-kheo, thế nào là ác Tỷ-kheo dựa vào sự quanh co hiểm trở? Ở đây, này các Tỷ-kheo, ác Tỷ-kheo đầy đủ với thân hành quanh co hiểm trở, với ngữ hành quanh co hiểm trở, với ý hành quanh co hiểm trở. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là ác Tỷ-kheo dựa vào sự quanh co hiểm trở.

          Và này các Tỷ-kheo, thế nào là ác Tỷ-kheo dựa vào rừng rậm? Ở đây, này các Tỷ-kheo, ác Tỷ-kheo có tà kiến, đầy đủ những tri kiến đi đến cực đoan. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là ác Tỷ-kheo dựa vào rừng rậm.

          Và này các Tỷ-kheo, thế nào là ác Tỷ-kheo dựa vào kẻ có quyền lực? Ở đây, này các Tỷ-kheo, dựa vào các vua hay các đại thần của vua, ác Tỷ-kheo nghĩ rằng: “Nếu có ai kết tội ta, các vua ấy hay các đại thần của vua ấy sẽ giải thích, cứu thoát ta.” Và thực sự là như vậy. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là ác Tỷ-kheo dựa vào kẻ có quyền lực.

          Đầy đủ ba pháp này, này các Tỷ-kheo, ác Tỷ-kheo tự mình xử sự như một kẻ mất gốc, bị thương tích, phạm tội, bị người trí quở trách và tạo nên nhiều điều vô phước.

Tham khảo:

63 Paripanthepi tiṭṭhati. Xem D. I. 52; S. III. 208; KS. IV. 251ff.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.