Tam tạng Thánh điển PGVN 04 » Tam tạng Thượng Tọa bộ 04 »
Kinh Tăng Chi Bộ
HT. Thích Minh Châu dịch
Phật giáo nguyên thủy/ Kinh tạng Pali/ Kinh Tăng Chi Bộ/CHƯƠNG III BA PHÁP (TIKANIPĀTA)/ IV. PHẨM THIÊN SỨ (DEVADŪTAVAGGA)
IX. KINH NUÔI DƯỠNG TẾ NHỊ (Sukhumālasutta)46 (A. I. 145)
39. Này các Tỷ-kheo, Ta được nuôi dưỡng tế nhị, tối thắng nuôi dưỡng tế nhị, cứu cánh nuôi dưỡng tế nhị. Này các Tỷ-kheo, trong nhà Phụ vương Ta, các hồ nước được xây lên, trong một hồ có hoa sen xanh, trong một hồ có hoa sen đỏ, trong một hồ có hoa sen trắng, tất cả phục vụ cho Ta. Không một hương Chiên-đàn nào Ta dùng, này các Tỷ-kheo, là không từ Kāsi đến. Bằng vải Kāsi là khăn của Ta, này các Tỷ-kheo. Bằng vải Kāsi là áo cánh, bằng vải Kāsi là nội y, bằng vải Kāsi là thượng y. Đêm và ngày, một lọng trắng được che cho Ta để tránh xúc chạm lạnh, nóng, bụi, cỏ hay sương. Này các Tỷ-kheo, ba lâu đài được xây dựng cho Ta, một cái cho mùa đông, một cái cho mùa hạ, một cái cho mùa mưa.47 Và Ta, này các Tỷ-kheo, tại lâu đài mùa mưa, trong bốn tháng mưa, được những nữ nhạc công đoanh vây, Ta không xuống dưới lầu. Trong các nhà của người khác, các người đầy tớ, làm công được cho ăn cơm tấm và cháo chua. Trong nhà Phụ vương Ta, các người đầy tớ, làm công được cho ăn gạo, thịt và cơm nấu.
Với Ta, này các Tỷ-kheo, được đầy đủ với sự giàu sang như vậy, được cứu cánh nuôi dưỡng tế nhị như vậy, Ta suy nghĩ rằng: “Kẻ vô văn phàm phu tự mình bị già, không vượt qua khỏi già, khi thấy người khác bị già, lại bực phiền, hổ thẹn, ghê tởm, quên rằng mình cũng như vậy. Ta cũng bị già, không vượt qua khỏi già, sau khi thấy người khác già, Ta có thể bực phiền, hổ thẹn, ghê tởm sao? Như vậy, thật không xứng đáng cho Ta.” Sau khi quan sát về Ta như vậy, này các Tỷ-kheo, sự kiêu mạn của tuổi trẻ trong tuổi trẻ được đoạn trừ hoàn toàn.
“Kẻ vô văn phàm phu tự mình bị bệnh, không vượt khỏi bệnh, thấy người khác bị bệnh, lại bực phiền, hổ thẹn, ghê tởm, quên rằng mình cũng như vậy. Ta cũng bị bệnh, không vượt qua khỏi bệnh, sau khi thấy người khác bị bệnh, Ta có thể bực phiền, hổ thẹn, ghê tởm sao? Như vậy, thật không xứng đáng cho Ta.” Sau khi quan sát về Ta như vậy, này các Tỷ-kheo, sự kiêu mạn của không bệnh trong không bệnh được đoạn trừ hoàn toàn.
“Kẻ vô văn phàm phu tự mình bị chết, không vượt khỏi chết, thấy người khác bị chết, lại bực phiền, hổ thẹn, ghê tởm, quên rằng mình cũng như vậy. Ta cũng bị chết, không vượt qua khỏi chết, sau khi thấy người khác chết, Ta có thể bực phiền, hổ thẹn, ghê tởm sao? Như vậy, thật không xứng đáng cho Ta.” Sau khi quan sát về Ta như vậy, này các Tỷ-kheo, sự kiêu mạn của sự sống trong sự sống được đoạn trừ hoàn toàn.
Có ba kiêu mạn này,48 này các Tỷ-kheo. Thế nào là ba? Kiêu mạn của tuổi trẻ, kiêu mạn của không bệnh, kiêu mạn của sự sống.
Say sưa trong kiêu mạn của tuổi trẻ, này các Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu làm các ác hành về thân, làm các ác hành về lời nói, làm các ác hành về ý. Do làm các ác hành về thân, làm các ác hành về lời nói, làm các ác hành về ý, sau khi thân hoại mệnh chung, kẻ ấy bị sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Say sưa trong kiêu mạn của không bệnh, này các Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu làm các ác hành về thân, làm các ác hành về lời nói, làm các ác hành về ý. Do làm các ác hành về thân, làm các ác hành về lời nói, làm các ác hành về ý, sau khi thân hoại mệnh chung, kẻ ấy bị sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Say sưa trong kiêu mạn của sự sống, này các Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu làm các ác hành về thân, làm các ác hành về lời nói, làm các ác hành về ý. Do làm các ác hành về thân, làm các ác hành về lời nói, làm các ác hành về ý, sau khi thân hoại mệnh chung, kẻ ấy bị sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.
Say sưa trong kiêu mạn của tuổi trẻ, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo từ bỏ học pháp, trở lui lại đời sống thế tục. Say sưa trong kiêu mạn của không bệnh, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo từ bỏ học pháp, trở lui lại đời sống thế tục. Say sưa trong kiêu mạn của đời sống, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo từ bỏ học pháp, trở lui lại đời sống thế tục.
Bị bệnh và bị già,
Lại còn phải bị chết,
Kẻ phàm phu ghê tởm,
Người khác bị như vậy.
Nếu Ta cũng ghê tởm,
Chúng sanh bị như trên,
Không xứng đáng cho Ta,
Với Ta được sống vậy.
Nên Ta sống như thật,
Biết pháp không sanh y,
Sự say sưa không bệnh,
Tuổi trẻ và sự sống.
Tất cả Ta nhiếp phục,
Thấy xuất ly an ổn,
Nơi Ta khởi tinh tấn,
Vì Ta thấy Niết-bàn.
Ta không còn có thể,
Thọ hưởng các dục vọng,
Ta sẽ không trở lui,
Đích Phạm hạnh Ta đến.
Tham khảo:
46 Tham chiếu: Tăng. 增 (T.02. 0125.22.8. 0608b16); Nhu nhuyễn kinh 柔軟經 (T.01. 0026.117. 0607c04). AA. II. 235: Sukhumāloti niddukkho (“Được nuôi dưỡng khéo léo” tức là không làm cho thương tổn, khổ não).
47 Xem D. II. 19.
48 Trong bản tiếng Anh của PTS, đây là mục IX. Pride, nghĩa là Kiêu mạn.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.