Viện Nghiên Cứu Phật Học

Phật giáo nguyên thủy/ Kinh tạng Pali/ Kinh Tăng Chi Bộ/CHƯƠNG III BA PHÁP (TIKANIPĀTA)/ IV. PHẨM THIÊN SỨ (DEVADŪTAVAGGA)

V. KINH HATTHAKA (Hatthakasutta)34 (A. I. 136) 

          35. Như vầy tôi nghe. 

          Một thời, Thế Tôn ở Āḷavī, tại Gomagga, trong rừng Siṃsapā, trên chỗ có trải lá.

          Rồi Hatthaka, người Āḷavī, đang bộ hành du ngoạn, thấy Thế Tôn đang ngồi trên chỗ có trải lá trong rừng Siṃsapā ở Gomagga, thấy vậy, liền đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Hatthaka, người Āḷavī, bạch Thế Tôn: 

          – Bạch Thế Tôn, Thế Tôn sống có an lạc không? 

          – Phải, này Hoàng tử, Ta sống được an lạc. Và những ai cảm thấy an lạc ở đời, Ta là một trong số những người ấy. 

          – Bạch Thế Tôn, lạnh là đêm mùa đông, thời gian giữa những ngày thứ tám35 là thời gian tuyết rơi, cứng rắn là đất do trâu bò giẫm đạp,36 mỏng manh là nệm làm bằng lá, lưa thưa là những lá của cây, lạnh là tấm vải cà-sa, và lạnh là làn gió thổi. 

          Rồi Thế Tôn nói như sau: 

          – Dẫu vậy, này Hoàng tử, Ta sống được an lạc. Và những ai cảm thấy an lạc ở đời, Ta là một trong số những người ấy. Vậy nay, này Hoàng tử, ở đây Ta sẽ hỏi Hoàng tử, nếu có thể kham nhẫn, Hoàng tử hãy trả lời. Hoàng tử nghĩ thế nào, này Hoàng tử, ở đây, người gia chủ hay con người gia chủ có nhà nóc nhọn,37 với các tường trét trong trét ngoài, che chở khỏi gió, chốt cửa được khóa chặt, các cửa sổ được đóng kín. Trong ấy, có một chỗ nằm có trải tấm thảm len với lông dài, với tấm vải giường bằng len trắng, chăn len thêu bông, nệm bằng da quý của con sơn dương kadali, tấm thảm có lọng che phía trên và gối nệm đỏ cả hai đầu, có đèn thắp đỏ và bốn bà vợ đẹp hầu hạ. Này Hoàng tử, Hoàng tử nghĩ thế nào, người ấy nằm ngủ có an lạc không? Hay Hoàng tử nghĩ thế nào?

          – Bạch Thế Tôn, người ấy nằm ngủ an lạc. Nếu có những người cảm thấy an lạc ở đời, người ấy là một trong những người ấy.

          – Hoàng tử nghĩ thế nào, này Hoàng tử, với người gia chủ hay con của người gia chủ ấy, khởi lên những nhiệt não về thân hay về tâm, do tham ái sanh. Bị nung đốt bởi những nhiệt não do tham ái sanh, người ấy có cảm thấy đau khổ không?

          – Thưa có, bạch Thế Tôn.

          – Người gia chủ hay con của người gia chủ ấy, này Hoàng tử, bị nung đốt bởi những nhiệt não do tham ái sanh, cảm thấy đau khổ. Tham ái ấy, Như Lai đã đoạn tận, cắt đứt từ gốc rễ, làm cho như thân cây Sāla, làm cho không thể hiện hữu, làm cho không thể sanh khởi trong tương lai. Do vậy, Ta cảm thấy an lạc.

          Hoàng tử nghĩ thế nào, này Hoàng tử, với người gia chủ hay con của người gia chủ ấy, khởi lên những nhiệt não về thân hay tâm do sân sanh... do si sanh. Bị nung đốt bởi những nhiệt não do si sanh, người ấy có cảm thấy đau khổ không?

          – Thưa có, bạch Thế Tôn.

          – Người gia chủ hay con của người gia chủ ấy, này Hoàng tử, bị nung đốt bởi những nhiệt não do si sanh, cảm thấy đau khổ. Si ấy, Như Lai đã đoạn tận, cắt đứt từ gốc rễ, làm cho như thân cây Sāla, làm cho không thể hiện hữu, làm cho không thể sanh khởi trong tương lai. Do vậy, Ta cảm thấy an lạc.

                    Luôn luôn được an lạc, 
                    Vị Phạm chí tịch tịnh, 
                    Không bị dục uế nhiễm, 
                    Trong mát, không sanh y, 
                    Mọi tham trước dứt đoạn, 
                    Nhiếp phục tâm sầu khổ, 
                    An tịnh, cảm thọ lạc, 
                    Với tâm đạt an tịnh.

Tham khảo:

34 Bản tiếng Anh của PTS: Of Āḷavī. Tham chiếu: Tăng. 增 (T.02. 0125.28.3. 0650a20). 

35 Antaraṭṭhaka: Giữa những ngày thứ tám, tức là tám ngày trước và sau ngày rằm. 

36 Gokaṇṭaka: Móng chân của con bò. Xem Vin. I. 195. 

37 Xem A. I. 101; D. I. 7.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.