Tam tạng Thánh điển PGVN 04 » Tam tạng Thượng Tọa bộ 04 »
Kinh Tăng Chi Bộ
HT. Thích Minh Châu dịch
Phật giáo nguyên thủy/ Kinh tạng Pali/ Kinh Tăng Chi Bộ/CHƯƠNG III BA PHÁP (TIKANIPĀTA)/ IV. PHẨM THIÊN SỨ (DEVADŪTAVAGGA)
II. KINH ĀNANDA (Ānandasutta)28 (A. I. 132)
32. Rồi Tôn giả Ānanda đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Ānanda bạch Thế Tôn:
– Rất có thể, bạch Thế Tôn, một Tỷ-kheo được định như vậy, trong cái thân có thức này, không có ngã kiến, ngã sở kiến, ngã mạn tuỳ miên; đối với tất cả tướng ở ngoài, không có ngã kiến, ngã sở kiến, ngã mạn tuỳ miên; và do chứng đạt, an trú Tâm giải thoát, Tuệ giải thoát, không có ngã kiến, ngã sở kiến, ngã mạn tuỳ miên, vị ấy có thể chứng đạt và an trú Tâm giải thoát, Tuệ giải thoát ấy?
– Rất có thể, này Ānanda, một Tỷ-kheo được định như vậy... có thể chứng đạt và an trú Tâm giải thoát, Tuệ giải thoát ấy.
– Như thế nào, bạch Thế Tôn, rất có thể, một Tỷ-kheo được định như vậy... có thể chứng đạt và an trú Tâm giải thoát, Tuệ giải thoát ấy?
– Ở đây, này Ānanda, vị Tỷ-kheo suy nghĩ như sau: “Đây là an tịnh, đây là thù diệu, tức là chỉ tức tất cả hành, từ bỏ tất cả sanh y, đoạn tận tham, ly tham, đoạn diệt, Niết-bàn.” Như vậy, này Ānanda, rất có thể Tỷ-kheo được định như vậy... có thể chứng đạt và an trú Tâm giải thoát, Tuệ giải thoát ấy.
Lại nữa, này Ānanda, liên hệ đến vấn đề này, Ta đã nói như sau trong kinh tên là: “Những câu hỏi của Puṇṇaka”, trong chương Pārāyana:29
Do phân tích ở đời,
Những vật cao và thấp,
Với vị không dao động,
Bởi vật gì ở đời,
An tịnh, không tối mù,
Không phiền muộn, không cầu,
Ta nói người như vậy,
Đã vượt khỏi sanh già.
Tham khảo:
28 Tham chiếu: Tạp. 雜 (T.02. 0099. 982. 0255b15).
29 Xem A. II. 45; Sn. 201.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.