Viện Nghiên Cứu Phật Học

Phật giáo nguyên thủy/ Kinh tạng Pali/ Kinh Tăng Chi Bộ/ CHƯƠNG II HAI PHÁP (DUKANIPĀTA)/ XI. PHẨM HY VỌNG KHÓ TỪ BỎ (ĀSĀDUPPAJAHAVAGGA) (A. I. 86)

XI. PHẨM HY VỌNG KHÓ TỪ BỎ (ĀSĀDUPPAJAHAVAGGA(A. I. 86)

119. Có hai hy vọng, này các Tỷ-kheo, khó được từ bỏ. Thế nào là hai? Hy vọng được lợi dưỡng và hy vọng được sống. Hai pháp này, này các Tỷ-kheo, là hai hy vọng khó được từ bỏ. 

120Có hai hạng người, này các Tỷ-kheo, khó tìm được ở đời. Thế nào là hai? Người thi ân trước và người biết nhớ ơn đã làm.43 Hai hạng người này, này các Tỷ-kheo, khó tìm được ở đời. 

121. Có hai hạng người, này các Tỷ-kheo, khó tìm được ở đời. Thế nào là hai? Người thỏa mãn và người làm người khác thỏa mãn.44 Hai hạng người này, này các Tỷ-kheo, khó tìm được ở đời. 

122Có hai hạng người, này các Tỷ-kheo, khó làm cho thỏa mãn. Thế nào là hai? Người cất chứa các lợi dưỡng và người phung phí các lợi dưỡng. Hai hạng người này, này các Tỷ-kheo, khó làm cho thỏa mãn. 

123Có hai hạng người, này các Tỷ-kheo, dễ làm cho thỏa mãn. Thế nào là hai? Người không cất chứa các lợi dưỡng và người không phung phí các lợi dưỡng. Hai hạng người này, này các Tỷ-kheo, dễ làm cho thỏa mãn. 

124Có hai duyên, này các Tỷ-kheo, khiến tham sanh khởi. Thế nào là hai? Tịnh tướng và không như lý tác ý. Hai pháp này, này các Tỷ-kheo, là hai duyên khiến tham sanh khởi. 

125Có hai duyên, này các Tỷ-kheo, khiến sân sanh khởi. Thế nào là hai? Chướng ngại tướng và không như lý tác ý. Hai pháp này, này các Tỷ-kheo, là hai duyên khiến sân sanh khởi. 

126Có hai duyên, này các Tỷ-kheo, khiến tà kiến sanh khởi. Thế nào là hai? Tiếng nói của người khác45 và không như lý tác ý. Hai pháp này, này các Tỷ-kheo, là hai duyên khiến tà kiến sanh khởi. 

127. Có hai duyên, này các Tỷ-kheo, khiến chánh kiến sanh khởi. Thế nào là hai? Tiếng nói của người khác và như lý tác ý. Hai pháp này, này các Tỷ-kheo, là hai duyên khiến chánh kiến sanh khởi.

128. Có hai loại tội phạm, này các Tỷ-kheo. Thế nào là hai? Tội phạm nhẹ và tội phạm nặng. Hai pháp này, này các Tỷ-kheo, là hai loại tội phạm.

129. Có hai loại tội phạm, này các Tỷ-kheo. Thế nào là hai? Tội phạm thô trọng và tội phạm không thô trọng. Hai pháp này, này các Tỷ-kheo, là hai loại tội phạm.

130. Có hai loại tội phạm, này các Tỷ-kheo. Thế nào là hai? Tội phạm có dư tàn và tội phạm không có dư tàn. Hai pháp này, này các Tỷ-kheo, là hai loại tội phạm.

Tham khảo:

43 Kataññūkatavedī. AA. II. 157 giải thích hạng người đầu xem như là một bổn phận phải làm; và hạng thứ hai xem như là một bổn phận phải trả ơn. 

44 Tappetā. Độc Giác Phật và các đệ tử của Như Lai là Tittā; và Như Lai, Chánh Đẳng Giác là Tappetā. Hạng người đầu thỏa mãn vì thấy mình đã giải thoát; và hạng người thứ hai muốn làm các người khác thỏa mãn. Xem AA. II. 157; Pug. 27. 

45 Parato ca ghoso được giải thích là tiếng từ thế giới khác đến chứ không phải tiếng người bạn, v.v… Xem M. I. 294.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.