Tam tạng Thánh điển PGVN 04 » Tam tạng Thượng Tọa bộ 04 »
Kinh Tăng Chi Bộ
HT. Thích Minh Châu dịch
Phật giáo nguyên thủy/ Kinh tạng Pali/ Kinh Tăng Chi Bộ/ CHƯƠNG I MỘT PHÁP (EKAKANIPĀTA)/ XVI. PHẨM MỘT PHÁP (EKADHAMMA)
III. PHẨM THỨ BA (Tatiyavagga)43 (A. I. 33)
308. Có một người, này các Tỷ-kheo, khi xuất hiện ở đời, sự xuất hiện đem lại bất hạnh cho đa số, bất lạc cho đa số, bất lợi cho đa số, đưa đến bất hạnh, đau khổ cho chư thiên và loài người. Người ấy là ai? Người có tà kiến, người có điên đảo kiến. Người ấy làm cho nhiều người xa lìa Diệu pháp, an trú phi pháp. Chính một người này, này các Tỷ-kheo, khi xuất hiện ở đời, sự xuất hiện đem lại bất hạnh cho đa số, bất lạc cho đa số, bất lợi cho đa số, đưa đến bất hạnh, đau khổ cho chư thiên và loài người.
309. Có một người, này các Tỷ-kheo, khi xuất hiện ở đời, sự xuất hiện đem đến hạnh phúc cho đa số, an lạc cho đa số, lợi ích cho đa số, đưa đến hạnh phúc, an lạc cho chư thiên và loài người. Người ấy là ai? Người có chánh kiến, người không có điên đảo kiến. Người ấy làm cho nhiều người xa lìa phi pháp, an trú Diệu pháp. Chính một người này, này các Tỷ-kheo, khi xuất hiện ở đời, sự xuất hiện đem đến hạnh phúc cho đa số, an lạc cho đa số, lợi ích cho đa số, đưa đến hạnh phúc, an lạc cho chư thiên và loài người.
310. Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỷ-kheo, lại phạm tội lớn, này các Tỷ-kheo, như tà kiến. Tối thắng tà kiến, này các Tỷ-kheo, là phạm tội lớn nhất.
311. Ta không thấy một người nào khác, này các Tỷ-kheo, mà tuân theo sẽ đem lại bất hạnh cho đa số, bất lạc cho đa số, bất lợi cho đa số, đưa đến bất hạnh, đau khổ cho chư thiên và loài người, này các Tỷ-kheo, như kẻ ngu si Makkhali.44
Ví như, này các Tỷ-kheo, tại cửa sông có đặt một cái nơm bẫy cá,45 đem lại bất hạnh, đau khổ, tổn thương, tổn hại cho nhiều cá. Cũng vậy, này các Tỷ- kheo, kẻ ngu si Makkhali xuất hiện ở đời, Ta nghĩ rằng như là một cái nơm bẫy cá cho loài người, đem đến bất hạnh, đau khổ, tổn thương, tổn hại cho nhiều loại hữu tình.
312. Ai khuyến khích chấp nhận một Pháp, Luật bị vụng thuyết, này các Tỷ-kheo, thời người khuyến khích (samādapeti) và người được khuyến khích tuân hành như vậy, tất cả đều đem lại nhiều tổn phước. Vì cớ sao? Vì Pháp bị vụng thuyết.
313. Ai khuyến khích chấp nhận một Pháp, Luật được khéo thuyết, này các Tỷ-kheo, thời người khuyến khích và người được khuyến khích tuân hành như vậy, tất cả đều đem lại nhiều phước đức. Vì cớ sao? Vì Pháp được khéo thuyết.
314. Trong một Pháp, Luật bị vụng thuyết, này các Tỷ-kheo, ước lượng46 của sự bố thí, do người cho biết, chớ không phải do người nhận. Vì cớ sao? Vì Pháp bị vụng thuyết.
315. Trong một Pháp, Luật được khéo thuyết, này các Tỷ-kheo, ước lượng của sự bố thí, do người nhận biết, không phải do người cho. Vì cớ sao? Vì Pháp được khéo thuyết.
316. Trong một Pháp, Luật bị vụng thuyết, này các Tỷ-kheo, người tinh cần tinh tấn, sống đau khổ.47 Vì cớ sao? Vì Pháp bị vụng thuyết.
317. Trong một Pháp, Luật được khéo thuyết, này các Tỷ-kheo, người biếng nhác sống đau khổ. Vì cớ sao? Vì Pháp được khéo thuyết.
318. Trong một Pháp, Luật bị vụng thuyết, này các Tỷ-kheo, ai sống biếng nhác, người ấy sống an lạc. Vì cớ sao? Vì Pháp bị vụng thuyết.
319. Trong một Pháp, Luật được khéo thuyết, này các Tỷ-kheo, ai sống tinh cần tinh tấn, người ấy sống an lạc. Vì cớ sao? Vì Pháp được khéo thuyết.
320. Ví như, này các Tỷ-kheo, một ít phân có mùi hôi thối. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Ta không tán thán về sự hiện hữu dầu cho có ít thôi, cho đến chỉ trong thời gian búng ngón tay.
321. Ví như, này các Tỷ-kheo, một ít nước tiểu có mùi hôi thối... một ít nước miếng có mùi hôi thối... một ít mủ có mùi hôi thối... một ít máu có mùi hôi thối. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Ta không tán thán về sự hiện hữu dầu cho có ít thôi, cho đến chỉ trong thời gian búng ngón tay.
Tham khảo:
43 Bản tiếng Anh của PTS: Chapter XVIII. Makkhali, nghĩa là Ngoại đạo sư Makkhali.
44 Makkhali Gosāla: Một trong sáu ngoại đạo sư có chủ trương Ahetuvāda (Vô nhân).
45 Khipaṃ = Kuminaṃ. Theo Chú giải, đó có thể là một loại giỏ mây lừa cá vào rồi ra không được. Xem AA. II. 28.
46 Mattā. Theo AA. II. 29, trong Pháp và Luật vụng thuyết, người cho cần biết nên cho nhiều ít. Nhưng trong Pháp và Luật thuyết chơn chánh, người nhận tự biết bằng lòng nếu có nhận ít và dùng vừa đủ nếu có nhận nhiều.
47 Chỉ cho những người tu khổ hạnh.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.